Hội nghị trực tuyến về hội nhập kinh tế quốc tế của ngành nông nghiệp: Cần nâng cao chất lượng nông sản để tăng sức cạnh tranh

Thứ sáu - 10/04/2015 08:00 119 0
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành về hội nhập kinh tế quốc tế của ngành NN&PTNT. Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại đầu cầu Tây Ninh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Quang và đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc ngành NN&PTNT.

truc tuyen.jpg

Đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Tây Ninh.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT trong 3 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, mức tăng trưởng toàn ngành đạt thấp nhất so với cùng kỳ của 3 năm trở lại đây. Trong quý I/2015, GDP toàn ngành đạt 66.940 tỷ đồng, tăng 2,14% so với cùng kỳ.

Mặc dù, các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản cơ bản đều tăng về diện tích và sản lượng, nhưng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong quý I lại giảm 13,2% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nông sản chủ lực giảm 15,1%, thuỷ sản giảm trên 20%. Trong khi đó, nhập khẩu các loại nông, lâm, thuỷ sản và vật tư nông nghiệp lại có chiều hướng tăng. Theo đó, thặng dư thương mại giảm 53,4% so với cùng kỳ.

Theo nhận định, trong tình hình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay ngành Nông nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết và đang triển khai thực hiện 7 hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm: Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN, các Khu vực mậu dịch tự do ASEAN- Trung Quốc, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Australia/New Zealand, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN -Nhật Bản và Việt Nam - Nhật Bản.

Theo đó nhiều mặt hàng hoá nông- lâm- thuỷ sản từ nay đã mở cửa thị trường và cắt giảm thuế xuống thấp; và đến năm 2018 rất nhiều dòng sản phẩm thuộc lĩnh vực nông- lâm - thuỷ sản sẽ về mức thuế 0%.

Với những thách thức đặt ra khi tham gia hội nhập với quốc tế, Bộ NN&PTNT đưa ra những định hướng chiến lược cho ngành trong thời gian tới và những giải pháp thực hiện; trong đó giải pháp cơ bản nhất chính là nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng nông sản trong nước.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp phải tìm những giải pháp nâng cao chất lượng của hàng nông sản để cạnh tranh phù hợp, nếu không nước ta sẽ trở thành thị trường tiêu thụ cho các nước khác, còn sản xuất trong nước phải co cụm lại. Vì thế Bộ trưởng cho rằng, hội nhập quốc tế hiện nay không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước mà còn là nhiệm vụ của doanh nghiệp và người nông dân.

Tại hội nghị này, các địa phương, các doanh nghiệp kiến nghị đến Bộ về những chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, không chỉ đối với một số cây thế mạnh như hiện nay; đồng thời nêu lên những tồn tại lâu nay trong sản xuất nông nghiệp để mong tìm hướng tháo gỡ. Bên cạnh đó là đề xuất Nhà nước cần có những hỗ trợ cho các doanh nghiệp giảm bớt thủ tục xuất nhập khẩu để tiết kiệm thời gian và kinh phí.

Riêng đối với ngành cao su, theo lãnh đạo Tập đoàn cao su Việt Nam, hiện nay ngành đang chịu thách thức lớn khi giá cao su đang giảm rất mạnh và dự báo sẽ kéo dài trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, ngành sẽ cố gắng duy trì mức bán sản phẩm với giá từ 1.500USD/tấn.

Lãnh đạo ngành cao su đề xuất những ý kiến nhằm tháo dỡ khó khăn cho ngành hiện nay như thực hiện đa canh, tránh tình trạng độc canh cây cao su trên diện tích có thể trồng xen các loại cây ngắn ngày khác.

Nhà nước nên ban hành bộ tiêu chuẩn chung để xác định giá trị sản phẩm cao su. Bởi hiện nay, việc quản lý chất lượng sản phẩm còn lỏng lẻo - nhất là đối với các công ty tư nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng cao su Việt Nam. Việc đánh thuế đất trồng cao su hiện không hợp lý và không đồng nhất giữa các địa phương.

 Từ thực tế tình hình cây cao su, Bộ trưởng Cao Đức Phát ghi nhận những đề xuất và cho rằng, hiện nay sản xuất cao su trong nước chưa thực hiện phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm để nâng cao chất lượng mà chỉ mới tập trung khâu trồng trọt nên giá trị sản phẩm chưa cao. Và việc phát triển cao su cũng như một số cây trồng có thế mạnh trong thời gian tới phải có kế hoạch, chừng mực, tránh sản xuất đại trà, ồ ạt.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây