Hội thảo khoa học toàn quốc về tự chủ giáo dục

Thứ sáu - 29/09/2017 17:00 196 0
Trong 2 ngày 29-30.9, tại hội trường Sở GD&ĐT Tây Ninh, Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo quyền tự chủ của cơ sở giáo dục – đào tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục.

Tham dự hội thảo có nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc, PGS.TS Trần Kiều – Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam cùng hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý, hiệu trưởng các trường phổ thông.

Về phía lãnh đạo địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng tham dự hội thảo.

Hội thảo tập trung vào hai nội dung, gồm tự chủ giáo dục đại học và tự chủ giáo dục phổ thông.

Hội thảo khoa học toàn quốc về tự chủ giáo dục
Tiến sĩ Huỳnh Công Minh- nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Đại hiện Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam cho biết, với giáo dục đại học, vấn đề tự chủ đã có hành lang pháp lý, tuy nhiên, ở bậc phổ thông, tự chủ giáo dục còn rất mới mẻ, hiện chưa có một văn bản pháp luật nào đề cập đến.

Là người đầu tiên phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Quốc- Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (Tây Ninh) cho biết, nếu trường phổ thông được quyền tự chủ sẽ góp phần tinh gọn bộ máy của nhà trường.

Theo ông Quốc, trong một số trường hợp, nếu nhà trường được tự chủ trong công tác cán bộ thì không cần phải có từ hai đến ba hiệu phó, chỉ cần một hiệu trưởng vẫn có thể điều hành tốt. Như vậy, bộ máy được tinh gọn, thu nhập của giáo viên sẽ được cải thiện.

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa- Hiệu trưởng Trường mầm non Nam Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu quy định tự chủ trong trường công lập thì hành lang pháp lý phải hết sức chặt chẽ để không xảy ra những trục trặc, sai phạm.

Bà Nguyễn Thị Hường- Hiệu trưởng Trường tiểu học Sài Đồng (Hà Nội) đề nghị cho phép nhà trường tự chủ về nhân sự, cụ thể là tuyển chọn giáo viên. Tuy nhiên, theo vị hiệu trưởng đến từ Hà Nội, tự chủ không có nghĩa là xóa bỏ quyền kiểm soát của Nhà nước đối với trường công lập.

Theo tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, không nên nhầm lẫn giữa quyền tự chủ của hành vi cá nhân với quyền tự chủ của mỗi cơ sở giáo dục được Nhà nước trao cho. Khi được trao quyền tự chủ, lãnh đạo nhà trường có thể sáng tạo, linh hoạt trong phạm vi của quyền tự chủ đó.

Ông Lâm cũng cho biết, vấn đề tự chủ trong nhà trường không đơn giản, trên thực tế, hệ thống trường công vẫn đang hoạt động như thời bao cấp cả về con người, cơ chế, tiền lương, tài chính.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, trong xu thế phát triển như hiện nay, cần tăng cường đầu tư mạnh cho giáo dục mà tự chủ giáo dục là một lộ trình cần thực hiện. Trong ngành Giáo dục hiện có thể tạm chia làm hai nhóm quản lý trong nhà trường, một nhóm nôn nóng được tự chủ, nhóm còn lại không muốn thúc đẩy quá trình này.

Ông Tạ Quang Sum- nguyên hiệu trưởng một trường THPT ở tỉnh Khánh Hòa bày tỏ quan điểm, tự chủ không phải là muốn làm gì thì làm, cần hiểu rằng, đó là quyền tự chủ trong khuôn khổ. Theo ông Sum, hiện nay giáo viên đang bị bội thực bởi những vấn đề đổi mới trong giáo dục.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Công Minh- nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh, ý nghĩa lớn nhất của tự chủ trong nhà trường là để phát huy dân chủ, hạn chế tính chất tập trung.

Bình luận về chủ trương tự chủ trong giáo dục, ông Huỳnh Công Minh cho biết, vấn đề này đang có sự phân tán với nhiều quan niệm và cách hiểu khác nhau. Dẫn lại lời của nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, ông Huỳnh Công Minh băn khoăn, nước ta đổi mới mạnh mẽ về kinh tế nhưng chậm đổi mới về văn hóa, xã hội.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây