ĐBQH Trịnh Ngọc Phương phát biểu đóng góp ý kiến với Chính phủ.
Về kết quả trong báo cáo, tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ, của các bộ, ngành đã điều hành nền kinh tế vĩ mô vượt qua những thách thức khó khăn trong thời gian qua.
Tuy nhiên, đối với những hạn chế, yếu kém nêu trong báo cáo, Chính phủ cần đánh giá sâu và làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, qua đó nhận diện các dấu hiệu, nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực, để đề ra những giải pháp hợp lý hơn cho năm tiếp theo và cho 5 năm 2015-2020 sắp tới. Cụ thể là:
Thứ nhất: chất lượng tăng trưởng và hiệu quả kinh tế qua việc nhận diện chi phí đầu vào cho sản xuất của nước ta ngày càng tăng ở mức cao so với các nước trong khu vực, trong đó tỷ lệ chi phí trung gian so với giá trị sản xuất của toàn bộ nền kinh tế ngày một tăng.
Thứ hai: cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch chậm và còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu của một nước công nghiệp, sự cải thiện các cân đối vĩ mô chưa thực sự vững chắc. Chẳng hạn như: tỷ lệ tiết kiệm so với GDP luôn thấp hơn tỷ lệ đầu tư và đang ở thế giảm dần, điều này thấy rõ trong báo cáo là chúng ta phải đi vay từ nước ngoài để đầu tư; độ mở nền kinh tế của chúng ta còn thấp, tỷ trọng hàng thô, hàng mới qua sơ chế, gia công chế biến, lắp ráp trong tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển nên giá trị gia tăng hàng xuất khẩu thấp; nhập khẩu nguyên phụ liệu còn quá cao.
Thứ ba: thực trạng nghèo đói và phân hoá giàu nghèo đã được giải quyết đạt nhiều kết quả quan trọng, tốc độ giảm nghèo của chúng ta là khá nhanh và tỷ lệ nghèo cũng như sự phân hoá giàu nghèo thấp so với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên kết quả giảm nghèo của chúng ta chưa bền vững, nhiều hộ trong số đó có mức thu nhập sát với chuẩn nghèo, nguy cơ tái nghèo rất cao, đáng chú ý là tình trạng người dân không muốn thoát nghèo để được hưởng chính sách ngày càng phổ biến.
Về giải pháp sắp tới, qua báo cáo của Chính phủ tôi xin góp ý bổ sung thêm như sau:
Thứ nhất: về ban hành chính sách công, trong thời gian tới cũng như về lâu dài chúng ta cần có kế hoạch đánh giá chính sách và xây dựng lịch trình đánh giá cụ thể. Trong kế hoạch đánh giá cần xác định rõ mục tiêu, phạm vi chủ thể tham gia, các đối tượng, nội dung, các phương pháp và tiêu chí đánh giá.
Chú trọng đánh giá tác động của chính sách đến các đối tượng hưởng lợi từ chính sách. Chẳng hạn như đối với chính sách ưu đãi cho người có công với cách mạng theo Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 28.10.2013, theo báo cáo số người hưởng chưa đầy đủ là 4,16%, số người hưởng sai 0,09%, thực trạng này cho thấy Chính phủ cần đánh giá lại xem chính sách tác động đến các đối tượng này như thế nào?
Vì sao chưa đầy đủ? Vì sao lại có người “hưởng sai”? Đây cũng chính là những nguyên nhân gây bức xúc trong cử tri cả nước nói chung, cử tri tỉnh Tây Ninh nói riêng.
Việc đánh giá tác động của chính sách, không thể căn cứ vào những ý kiến chủ quan của các cấp chính quyền, mà phải được đo lường bằng mức độ hài lòng của người dân về các lợi ích được hưởng. Vì vậy tôi kiến nghị khi ban hành các chính sách cần phải có đánh giá.
Cụ thể như chính sách ưu đãi người có công tôi vừa nêu, cần phải tổ chức các cuộc khảo sát lấy ý kiến đánh giá của người dân, đối tượng được hưởng lợi để tiếp tục ban hành các chính sách bổ sung cho phù hợp thực tế, giảm khiếu nại, bảo đảm công bằng.
Thứ hai, cần có giải pháp cơ cấu bền vững hơn đối với ngành Ngân hàng, theo hướng đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, để tạo sức sống mới cho hàng loạt các chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội, ngành Ngân hàng cần tạo đột phá mạnh trong đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết 26 của Trung ương về “tam nông”, nhất là mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn hiện nay, người dân rất cần ngành Ngân hàng tiếp tục có thêm những giải pháp để hỗ trợ tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Thứ ba, về giải pháp cho liên kết vùng, hiện nay chúng ta vẫn đang lấy phát triển vùng làm trọng điểm, tuy nhiên bản chất liên kết vùng vẫn còn nhiều bất cập, sức vận hành vẫn chưa cao, đặc biệt là nguồn lực hợp tác hạn chế, tính địa phương vẫn còn quá nặng và không chủ động trong liên kết đầu tư phát triển hạ tầng.
Bên cạnh đó, với thực trạng hoạt động điều hành hiện nay đang là một chiều dội xuống địa phương mang nặng tính lãnh đạo hơn là sự phân cấp, liên kết nội vùng và liên vùng. Tôi thấy hoạt động liên kết vùng còn ngổn ngang nhiều vấn đề cần được nghiên cứu xử lý trên cả phương diện pháp lý từ Trung ương và sự chủ động linh hoạt của địa phương.
Tôi kiến nghị Chính phủ cần xem xét một số vấn đề sau:
Một là: cần xác định rõ các kiểu liên kết vùng trong đó liên kết giữa các chủ thể vĩ mô, bao gồm liên kết dọc: là việc phân cấp giữa Trung ương với chính quyền địa phương, giữa bộ với các sở chuyên ngành, giữa liên kết quản lý ngành với quản lý lãnh thổ theo địa phương và liên kết ngang: là giữa cán bộ chuyên ngành liên kết với nhau trong xử lý các vấn đề mang tính ngành, giữa các địa phương liên kết với nhau.
Hai là: nhanh chóng hoàn thiện Luật Quy hoạch trong đó xác định rõ trách nhiệm của chủ thể ba loại quy hoạch nhằm tránh chồng chéo: Quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành và quy hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó cần đánh giá lại công cụ quy hoạch trên hai phương diện:
-Công cụ cứng: phải luôn là mục tiêu chung mang tính bắt buộc. -Công cụ mềm: quy hoạch phải được xác định thông qua thương lượng, trao đổi, phối hợp hoặc hợp đồng để thực hiện một số mục tiêu chung cho cả vùng cũng như của địa phương.
Ba là: liên kết giữa các địa phương trong vùng cần nghiên cứu mô hình thành lập các công ty như: Công ty phi lợi nhuận với nhiệm vụ phát triển kinh tế, hoạt động như một doanh nghiệp kinh doanh được Nhà nước cấp kinh phí trong thời gian nhất định (5 năm hay 10 năm).
Đồng thời cho phép các công ty này thành lập các quỹ hỗ trợ lập nghiệp, hỗ trợ phát triển vùng (chủ yếu hỗ trợ các công trình nhỏ), hỗ trợ người lao động, hỗ trợ nông thôn...
Thành lập công ty cổ phần định hướng lợi nhuận với hình thức hợp tác công tư (PPP), nhiệm vụ chủ yếu là thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn thuộc vùng nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo ra chuỗi giá trị trong sản phẩm, dịch vụ của vùng, qua đó làm gia tăng sự gắn bó của các doanh nghiệp với địa bàn vùng.
Theo BTNO