Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm chủ trì phiên chất vấn
Sau khi nghe thông qua kết quả tổng hợp ý kiến của đại biểu thảo luận ở tổ, ý kiến giải trình của lãnh đạo các sở, ngành, phiên họp tiến hành phiên chất vấn.
Mở đầu phiên chất vấn, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Lê Văn Lành trả lời câu hỏi "Nguyên nhân vì sao còn án trả điều tra bổ sung về chứng cứ; án bị hủy, bị sửa nhưng không kịp thời phát hiện kháng nghị; lĩnh vực thi hành án dân sự còn nhiều sai phạm nhưng chưa phát hiện kịp thời; chất lượng tranh tụng của các kiểm sát viên chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp,... Trách nhiệm của VKSND trong thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp cùng biện pháp để khắc phục trong thời gian tới".
Viện trưởng Viện VKSND tỉnh Lê Văn Lành trả lời chất vấn tại phiên họp
Viện trưởng Viện VKSND tỉnh Lê Văn Lành cho biết những tồn tại, hạn chế này đã được VKSND hai cấp thẳng thắn nhìn nhận, xác định nguyên nhân để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới tốt hơn. Về nguyên nhân, mặt chủ quan, trước hết là do yếu tố con người, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ tuy đã được nâng lên nhưng chưa đồng đều, vẫn còn cán bộ, kiểm sát viên chưa chịu khó học tập, rèn luyện, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong những trường hợp cụ thể. Trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành có nơi chưa đổi mới. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân khách quan như: các quy định của pháp luật ngày càng được hoàn thiện nhưng vẫn chưa theo kịp diễn biến cuộc sống, chưa kịp thời hướng dẫn thực hiện Luật nên khó khăn trong việc áp dụng; khối lượng công việc nhiều trong khi còn thiếu biên chế, thiếu cán bộ có chức danh pháp lý nên ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả, chất lượng công tác.
Để khắc phục các hạn chế, Viện trưởng VKSND tỉnh đề ra ba giải pháp như sau: tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dường cho đội ngũ cán bộ, đối với cán bộ, kiểm sát viên đã được kiểm điểm, rút kinh nghiệm nhưng không khắc phục sẽ có biện pháp xử lý nghiêm; Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao; kịp thời tổng hợp, báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong công tác đến VKS cấp trên và cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn tạo thuận lợi khi thực thi nhiệm vụ; Phát huy hiệu quả hệ thống quan sát phiên tòa đã được địa phương hỗ trợ lắp đặt, xem đây là phương tiện hữu hiệu để chấn chỉnh những thiếu sót trong việc tranh tụng, về văn hóa ứng xử của kiểm sát viên tại phiên tòa; tổ chức nhiều hơn các phiên tòa trực tuyến để rút kinh nghiệm chung.
Đại biểu Phạm Văn Đặng chất vấn đối với Viện trưởng VKSND tỉnh
Qua phần trả lời của Viện trưởng VKSND tỉnh, các đại biểu tiếp tục chất vấn thêm về công tác đào tạo, hướng xử lý cụ thể khi cán bộ thiếu học tập, rèn luyện; biện pháp nâng cao tỷ lệ kháng nghị của Viện, vai trò của Viện trong giải quyết tin báo tội phạm, việc trả hồ sơ bổ sung…Các ý kiến được Viện trưởng VKSND tỉnh giải trình làm rõ.
Phát biểu kết luận phần trả lời chất vấn của Viện trưởng VKSND tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm chia sẽ các vấn đề khó khăn, vướng mắc của ngành, đề nghị Viện trưởng VKSND tỉnh cần có giải pháp mạnh mẽ hơn trong việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, có đề án cụ thể hóa đề án của Viện KSND tối cao trong phòng chống tham nhũng tiêu cực trong các cơ quan tư pháp, nhất là tập trung nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp; gắn nhiệm vụ công tố với hoạt động điều tra; tăng cường công tác phối hợp với Cơ quan điều tra và Tòa án nhân dân làm tốt nhiệm vụ phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội; Nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại phiên toà, bảo đảm tranh tụng dân chủ với bị cáo, Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác; Không ngừng nâng cao chất lượng tranh tụng, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp…
Tiếp đó, phiên chất vấn chuyển sang chất vấn lĩnh vực văn hóa xã hội về giải pháp khắc phục có hiệu quả những bất cập, hạn chế để hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên cấp huyện (gọi tắt là Trung tâm) đem lại hiệu quả thiết thực, tránh tình trạng lãng phí cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ như thời gian qua.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Mai Thị Lệ trả lời chất vấn tại hội trường
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Mai Thị Lệ thông tin khái quát đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất với tổng kinh phí thực hiện trang thiết bị nghề lao động nông thôn 8 tỷ đồng. Nhìn chung, trang thiết bị đầu tư cho các Trung tâm đáp ứng được yêu cầu cho công tác dạy một số nghề cơ bản, phổ biến hiện nay cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, tăng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, góp phần hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, chuyển dần cơ cấu ngành nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng nhìn nhận tầng suất khai thác, sử dụng trang thiết bị, dụng cụ dạy nghề lao động nông thôn đạt kết quả chưa cao.
Với tổng số cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên 9 Trung tâm là 149 người, với chức năng, nhiệm vụ vừa dạy văn hoá, dạy nghề và hướng nghiệp trong điều kiện không có giáo viên dạy nghề, các Trung tâm phải hợp đồng giáo viên dạy nghề các trường nghề hoặc liên kết với các trường nghề giáo viên của Trung tâm tham gia giảng dạy văn hoá từ lớp 10 đến lớp 12 cho các trường nghề. Như vậy, nếu thực hiện đúng theo điều kiện phân luồng học sinh sau THCS và thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, giáo viên tại các Trung tâm chỉ đáp ứng được chức năng dạy nghề học sinh phổ thông và dạy văn hóa.
Tại phiên họp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhận tránh nhiệm về những hạn chế nêu trên và đề xuất 5 giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này, gồm: Tiếp tục duy trì hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên nhằm phục vụ cho đào tạo nguồn nhân lực địa phương; Kiện toàn lại bộ máy cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới sau khi giao về cho Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý; Đa dạng hoá loại hình đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập, học nghề nâng cao trình độ cho các đối tượng xã hội góp phần nâng cao dân trí, nguồn nhân lực và xây dựng xã hội học tập; Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục đào tạo để nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục và hoạt động của Trung tâm; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động để chấn chỉnh thiếu sót, xử lý sai phạm.
Các đại biểu chất vấn thêm về các giải pháp trước đây đã đề ra có được triển khai đến Trung tâm chưa, tiến độ thực hiện như thế nào? Việc xử lý trang thiết bị bằng cách điều chuyển sang đơn vị khác liệu có khả thi? Vấn đề điều chuyển giáo viên về các trường THPT có khả thi hay không? Biện pháp cụ thể nào để nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm nhất là lĩnh vực dạy nghề…
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến của đại biểu, sẽ xây dựng quy chế một cách rõ ràng, cụ thể với các đơn vị liên quan để cùng phối hợp thực hiện. Với trang thiết bị đã quá lâu, cũ kỹ, không còn phù hợp sẽ xử lý thanh lý, không điều chuyển về các đơn vị khác và thông tin thêm Trung tâm cũng có tổ chức dạy nghề THSC như nghề thêu, điện dân dụng… cho hàng ngàn học sinh, đào tạo học hệ trung cấp chuyên nghiệp, dạy ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc cho hơn 6800 học sinh.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Trần Thị Lan giải trình thêm các nội dung có liên quan
Liên quan đến nội dung chất vấn này, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Trần Thị Lan cũng giải trình thêm về sự phối hợp trong hướng dẫn hoạt động của Trung tâm, quy trình thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Kiều Công Minh giải trình thêm về công tác tham mưu cân đối nguồn lực tài chính trong thực hiện các dự án đầu tư liên quan đến Trung tâm để tránh lãng phí.
Chất vấn về lĩnh vực tài chính, đồng chí Nguyễn Văn Đước - Giám đốc Sở Tài chính trả lời nội dung "Tình hình triển khai và kết quả thực hiện các chế độ chi, mức chi hỗ trợ hoạt động của chính quyền cấp xã và các chính sách đặc thù phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương do HĐND và UBND tỉnh ban hành (như chế độ chi hoạt động HĐND, hoạt động UBMTTQVN, hoạt động Trung tâm Văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng và Nhà văn hóa ấp,...) từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 ban hành hiện nay như thế nào? Những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện và giải pháp khắc phục".
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Đước trả lời chất vấn
Theo Giám đốc Sở Tài chính, hằng năm, UBND tỉnh đã phân bổ ngân sách thực hiện các chế độ, chính sách đầy đủ, kịp thời; trong đó, phân câp ngân sách đảm bảo theo quy định của pháp luật và Nghị quyết HĐND tỉnh. Các ngành được giao quản lý ngành, lĩnh vực đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; kịp thời triển khai, tổ chức thực hiện chính sách đến các đối tượng thụ hưởng theo đúng quy định. Qua thời gian thực hiện, các chính sách, chế độ đã mang lại hiệu quả trong việc quản lý, điều hành ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cụ thể như, chế độ chi hoạt động HĐND, ngân sách các cấp kịp thời đảm bảo kinh phí hoạt động của HĐND theo quy định với tổng kinh phí đã thực hiện là 103,3 tỷ đồng. Hoạt động Trung tâm Văn hóa, thể thao, học tập cộng đồng và nhà Văn hóa ấp, kinh phí do ngân sách cấp huyện và cấp xã đảm bảo. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện là 11,1 tỷ đồng, trong đó, nguồn đã đảm bảo theo định mức phân bổ là 5,6 tỷ đồng; kinh phí tăng thêm là 5,5 tỷ đồng. Qua triển khai thực hiện, UBND các huyện, thành phố tiến hành triển khai đảm bảo theo quy định. Về chi sự nghiệp bảo vệ môi trường ngân sách các cấp đảm bảo theo phân cấp, ngoài ra, ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ thêm để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. Tổng chi ngân sách cho nhiệm vụ này là 228,9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc như đối với một số chính sách, chế độ được ban hành và triển khai thực hiện trong giai đoạn ổn định 2017 - 2020 và sau khi phân bổ dự toán ngân sách, các cấp huyện, xã còn vướng mắc trong việc bố trí nguồn ngân sách thực hiện; một số xã còn khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện. Luật Ngân sách nhà nước quy định, UBND cấp dưới báo cáo quyết toán tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, trong đó, có tình hình thực hiện nhiệm vụ được ngân sách cấp trên bổ sung; quy định HĐND giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đã ban hành. Do đó, một số vướng mắc, khó khăn của các huyện, thành phố trong quá trình thực hiện chưa báo cáo kịp thời để UBND tỉnh xem xét, giải quyết mà chỉ có thông tin thông qua kết quả giám sát, phản ánh của HĐND tỉnh.
Với thực trạng đó, tỉnh đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới như sau: đối với những huyện, thành phố khó khăn về cân đối nguồn kinh phí thực hiện, UBND tỉnh sẽ cân đối nguồn ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ. Các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện các chế độ chính sách hàng năm; kịp thời tham mưu UBND tỉnh trình điều chỉnh cho phù hợp; đồng thời, hướng dẫn hoặc tham mưu UBND tỉnh giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện chế độ, chính sách thông qua kết quả giám sát của HĐND tỉnh. Năm 2020 là năm cuối phân cấp ngân sách giai đoạn 2017-2020, UBND tỉnh sẽ rà soát lại để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của các chế độ chính sách đã ban hành. Trong giai đoạn mới, các chế độ, chính sách tham mưu HĐND tỉnh ban hành làm tăng chi ngân sách phải có giải pháp đảm bảo nguồn tài chính, phù hợp với khả năng cân đối của từng cấp ngân sách; đối tượng thụ hưởng, điều kiện hỗ trợ,... của chính sách phải phù hợp và sát với tình hình thực tế của địa phương.
Các đại biểu cũng đặt nhiều vấn đề đối với phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Tài chính và đã được tiếp thu, giải trình làm rõ.
Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm - Chủ tọa kỳ họp đánh giá, các đại biểu đã làm việc hết sức khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, cơ bản hoàn thành các nội dung. Tại phiên họp, thủ trưởng các sở, ngành đã trực tiếp trả lời các nội dung chất vấn của đại biểu HĐND và hầu hết những nội dung chất vấn đều xuất phát từ thực tiễn, những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội, phản ánh khá đầy đủ ý kiến, nguyện vọng của cử tri, nội dung chất vấn có trọng tâm. Các lãnh đạo sở, ngành trả lời đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, cơ bản làm rõ những vấn đề mà đại biểu HĐND đặt ra, thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm, đề xuất được các giải pháp khắc phục những hạn chế khuyết điểm, tồn tại, vướng mắc.
Quỳnh Như