Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X: Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi

Thứ tư - 20/07/2022 19:00 144 0
Thực hiện chương trình Kỳ họp, sáng ngày 20/7, Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục làm việc với phiên chất vấn và trả lời chất vấn với các nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo.


Phiên chất vấn diễn ra dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

Rà soát, cần thiết điều chỉnh chính sách để phục vụ cho mục tiêu phát triển, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Mở đầu phiên chất vấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân trả lời nhóm vấn đề về hiệu quả của các chính sách hỗ trợ, phát triển nông nghiệp thời gian qua; công tác quản lý và khai thác hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn; tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng kém chất lượng, gây thiệt hại cho nông dân trong bối cảnh giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao và giải pháp khắc phục.


Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân trả lời chất vấn

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay có 6 chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp đang còn hiệu lực trên địa bàn. Đây được xem là bước đột phá trong việc khuyến khích phát triển nông nghiệp theo định hướng của tỉnh và thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế có chính sách đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp đăng ký thực hiện.

Công tác quản lý và khai thác hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn dù đã được quan tâm với tổng kinh phí hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi khoảng 75-81 tỷ đồng/năm. Hệ thống thủy lợi phục vụ cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp 39.874/58.324 ha/vụ (đạt 68%); cấp nước công nghiệp đạt 6,795 triệu m3/năm, cấp nước sinh hoạt 20.000m3/ngày.đêm. Các tuyến kênh tiêu được nạo vét có bờ kênh kết hợp làm đường giao thông giúp đảm bảo cấp nước, tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp, phát triển vùng tưới và góp phần đảm bảo hạ tầng thủy lợi trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, toàn tỉnh hiện có 10 công ty sản xuất, 479 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với 2.824 sản phẩm lưu thông trên địa bàn tỉnh. Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng kém chất lượng còn diễn ra phức tạp, mặc dù ngành đã thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm nhưng vẫn còn có trường hợp vi phạm. Giải pháp được đưa ra là tăng cường tuyên truyền, thanh tra, xử phạt nghiêm minh và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh, không mua hàng ở các cơ sở này.


Đại biểu Ngô Trần Ngọc Quốc chất vấn

Các đại biểu đặt thêm nhiều vấn đề về trách nhiệm trong hướng dẫn người dân xác định giống cây trồng chất lượng, sản xuất nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp cao; tính hiệu quả của trang thương mại điện tử trong quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Vấn đề bảo vệ hành lang an toàn các tuyến kênh… Các nội dung này đều được Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình, làm rõ.

Kết luận nội dung chất vấn này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm nhận định, cơ bản các vấn đề được đặt ra đã được trả lời tương đối đầy đủ; nêu rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác quản lý nhà nước về các vấn đề trên, nêu ra một số giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới. Qua chất vấn cho thấy, với chính sách phát triển ngành nông nghiệp là định hướng lớn, chính sách lớn của tỉnh để chuyển đổi cơ cấu thích ứng và nâng cao giá trị của ngành góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cũng như góp phần nâng cao đời sống người nông dân.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện chính sách còn có những hạn chế nhất định, lớn nhất hiện nay là đối tượng được tiếp cận với các chính sách không nhiều, việc hỗ trợ theo dự kiến ban đầu chưa được như mong muốn, giải ngân chưa đạt theo kế hoạch. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đề nghị ngành sớm tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, đánh giá, sơ kết việc triển khai các chính sách trong thời gian vừa qua. Qua đó xác định được những hạn chế bất cập trong công tác triển khai thời gian qua, trong đó, cần đánh giá rõ cách thức tổ chức thực hiện; các thủ tục quy định được đặt ra trong nghị quyết đã phù hợp với điều kiện phát triển ngành chưa; tham mưu tiến hành rà soát, cần thiết điều chỉnh chính sách theo thẩm quyền địa phương để phục vụ cho mục tiêu phát triển ngành, đặc biệt là cơ cấu lại ngành.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường phối hợp liên ngành trong việc kiểm tra xử lý các vi phạm trong mua bán các loại phân bón, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng trên địa bàn để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý; đề nghị ngành Nông nghiệp tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến về giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp có chất lượng và đã được các cơ quan chức năng kiểm soát để đảm bảo thông tin đầy đủ, người dân có điều kiện tiếp cận và mua được sản phẩm có chất lượng.

Về quản lý thủy lợi, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị ngành phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành lang an toàn của các công trình thủy lợi; điều tiết nước tưới tiêu phục vụ đáp ứng tốt cho yêu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là phù hợp với sản xuất của từng vùng trong điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ngành cần tiến hành rà soát tổng thể lại hệ thống thủy lợi trên địa bàn kết hợp với việc đang quy hoạch lại quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có quy hoạch về phát triển nông nghiệp nông thôn để tiến hành điều chỉnh quy hoạch hệ thống thủy lợi nếu cần thiết, trong quá trình đó, nếu có đề xuất hủy bỏ tuyến kênh thủy lợi nào cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và người dân.

Về vấn đề tiêu thụ sản phẩm, theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, tỉnh đã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn kết với chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị chuỗi sản xuất, vấn đề này đã có định hướng và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đề nghị ngành quan tâm tham mưu tổ chức triển khai các đề án này, trong đó đẩy mạnh việc liên kết sản xuất theo chuỗi; quan tâm phối hợp thúc đẩy phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác đảm bảo thực chất để đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân; hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, phối hợp với các ngành liên quan trong phát triển kinh tế số đảm bảo thiết thực hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong phát triển hiện nay.

Thực hiện đúng trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính đất đai cho người dân

Tại kỳ họp này, ngành Tài nguyên và Môi trường nhận được chất vấn về nội dung công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải, nước thải; Việc thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai.


Đồng chí Kiều Công Minh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn

Đồng chí Kiều Công Minh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngành có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường. Theo thống kê của ngành, hiện nay mỗi ngày có khoảng 400 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thải ra, 

Việc phân loại xử lý thu gom rác, đặc biệt là phân loại rác thải tại nguồn; thu gom và xử lý nước thải đô thị. Việc chấp hành và tự giác thực hiện công tác bảo vệ môi trường, đối với các cơ sở vi phạm, ngành sẽ tham mưu xử lý nghiêm.

Trước những thách thức đó, ngành đưa ra các giải pháp tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này, triển khai Luật Bảo vệ môi trường, đảm bảo các công ty doanh nghiệp khi hoạt động phải đáp ứng yêu cầu quy định trong luật; phối hợp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các trạm xử lý nước thải tập trung để thu gom xử lý nước thải đô thị; đối với việc thu gom rác thải sinh hoạt, sẽ vận động phân loại rác thải tại nguồn, đảm bảo tiến độ, lộ trình, có điểm tập kết cố định, đảm bảo vệ sinh, đẩy mạnh hiệu quả quan trắc tự động, tăng cường giáo dục, thanh tra, kiểm tra thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường tốt hơn trong thời gian tới.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, hầu như thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai chiếm tỷ lệ lớn trong các TTHC, số lượng hồ sơ tăng đột biến, tăng hơn 80% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm, tổng số hồ sơ tiếp nhận là 134.528, đã xử lý 128.747 hồ sơ. Ngành đã có văn bản chỉ đạo tăng cường thái độ phục vụ. Sở đã tăng cường kiểm tra công vụ, phát hiện xử lý kịp thời sai phạm, tăng cường chuyển đổi vị trí công tác; tuyển nhân sự, có những cải tiến, đào tạo tốt hơn ứng dụng công nghệ thông tin, thắt chặt quản lý; thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.


Đại biểu Võ Thị Kim Huệ chất vấn

Đại biểu đề nghị làm rõ thêm giải pháp xử lý rác thải; nguyên nhân số lượng doanh nghiệp chưa lắp đặt hệ thống quan trắc tự động; giải pháp để kéo giảm tình trạng trễ hẹn. Việc không thống nhất trong sử dụng các phần mềm trong ngành thuế, tài nguyên và môi trường hiện nay cũng là nguyên nhân làm giải quyết hồ sơ chậm cần có giải pháp giải quyết.


Cục trưởng Cục thuế tỉnh Nguyễn Tấn Lợi giải trình thêm các nội dung liên quan

Cục trưởng Cục thuế tỉnh Nguyễn Tấn Lợi làm rõ thêm về công tác phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường khi thực hiện thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực tế số lượng hồ sơ tồn đọng nhiều do số lượng hồ sơ phát sinh đột biến cũng gây khó khăn, quá tải cho hai ngành. Vấn đề cốt lõi để giải quyết rốt ráo vấn đề chậm giải quyết hồ sơ là thực hiện số hóa hồ sơ, nộp thuế điện tử, cơ quan Thuế cũng đang rất quan tâm đẩy mạnh việc này.

Kết luận nội dung chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp đã nêu, đồng thời đề xuất tham mưu các cơ chế biện pháp khắc phục những hạn chế.

Về vấn đề môi trường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định đăng ký thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, hoặc cam kết xử lý rác thải theo quy định, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; rà soát các mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, lựa chọn mô hình hiệu quả để nhân rộng, đẩy mạnh xã hội hóa việc thu gom, xử lý rác thải, tăng cường nguồn lực cho hoạt động thu gom, vận chuyển, quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp đã bị phát hiện vi phạm và yêu cầu xử lý công tác bảo vệ môi trường mà chậm triển khai. Ngành cần phối hợp với các địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh về việc cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn cũng như tham mưu công tác thu gom, xử lý nước thải đô thị, đảm bảo đồng bộ hiệu quả và đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Về TTHC liên quan lĩnh vực đất đai, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị ngành kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới và sửa đổi bổ sung các quy định về đất đai đảm bảo đúng quy định của pháp luật, thường xuyên tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn giải thích các bộ TTHC về đất đai đã được công bố, đảm bảo công khai, minh bạch và thực hiện đúng trách nhiệm trong giải quyết thủ tục cho người dân, kiên quyết xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là người đứng đầu đối với những đơn vị thiếu trách nhiệm, không phối hợp trong giải quyết tốt các TTHC cho người dân, đặc biệt là các trường hợp gây phiền hà, những nhiễu đối với các cá nhân khi thực hiện các TTHC về đất đai; phối hợp với UBND cấp huyện có cơ chế kiểm soát đối với việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đảm bảo đúng quy định; chấn chỉnh và giải quyết có hiệu quả tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn, tập trung giải quyết các hồ sơ đang còn tồn đọng, thường xuyên tự kiểm tra, kiểm soát khắc phục, không để lặp lại những hạn chế thiếu sót trong công tác cấp giấy chứng nhận, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa đất; hạn chế trong quản lý hồ sơ, cập nhật chỉnh lý, quản lý hồ sơ ở cấp huyện, cấp xã; đề nghị ngành tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý đất đai, phối hợp với các ngành trong liên thông, liên kết dữ liệu trong tất cả các khâu khi giải quyết TTHC liên quan đến đất đai; đẩy mạnh giải quyết hồ sơ qua hình thức trực tuyến tăng tính công khai, minh bạch quá trình xử lý hồ sơ để người dân kiểm soát.

Đề nghị ngành Thuế tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, chỉ đạo ngành khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc xác định nghĩa vụ nộp thuế cũng như trong liên thông dữ liệu, thủ tục hồ sơ thuế vừa đảm bảo thời gian vừa chống tiêu cực.

Tăng cường quản lý phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em trong dịp hè

Đồng chí Phạm Ngọc Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn nhóm vấn đề liên quan lĩnh vực phụ trách. Việc triển khai, lựa chọn, dạy và học chương trình sách giáo khoa mới trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện chương trình dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cũng như kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh; tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học nhất là giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh thời gian qua, hiện nay kết quả tháo gỡ khó khăn đã đạt được và giải pháp trong thời gian tới.


Đồng chí Phạm Ngọc Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, việc triển khai, lựa chọn, dạy và học chương trình sách giáo khoa mới được thực hiện trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa; quy trình lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm tính khách quan, dân chủ, minh bạch.

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, Tây Ninh đang thiếu 529 giáo viên mầm non; 191 giáo viên tiểu học, 265 giáo viên THCS và 205 giáo viên THPT. Nguyên nhân được xác định là thiếu nguồn tuyển dụng do tiêu chuẩn viên chức mầm non theo Luật Giáo dục năm 2019; chế độ chính sách thấp; phân cấp trong công tác tuyển dụng ở các huyện vùng sâu, biên giới gặp khó khăn.


Đại biểu Nguyễn Trọng Tấn chất vấn

Giải pháp được đưa ra là ngành đặt hàng đào tạo giáo viên giai đoạn 2020-2025 theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 15/9/2020 của Chính phủ; xây dựng chính sách hỗ trợ đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông về công tác ở những địa bàn đặc thù của tỉnh; chính sách thu hút, hỗ trợ các bậc học, chuyên ngành thuộc các lĩnh vực trong danh mục cần thu hút, hỗ trợ đào tạo; rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên hiện có; tuyển dụng, hợp đồng, thỉnh giảng giáo viên tham gia giảng dạy.


Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm kết luận nội dung chất vấn

Kết luận nội dung chất vấn này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm nhấn mạnh, đối với triển khai chương trình giáo dục, ngành cần tiếp tục quan tâm tới việc thực hiện quy trình thủ tục lựa chọn sách giáo khoa đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kiểm soát quy trình lựa chọn sách giáo khoa ở các cơ sở giáo dục đảm bảo khách quan, minh bạch, phát huy vai trò giảng dạy của giáo viên; tiếp tục việc sắp xếp cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu giảng dạy theo chương trình sách giáo khoa mới đi kèm với tập huấn nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị ngành Giáo dục tăng cường chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát việc khai thác, sử dụng các cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, đáp ứng được yêu cầu của chương trình sách giáo khoa mới, tránh tình trạng đầu tư mà không sử dụng, gây lãng phí. Tiếp tục theo dõi đánh giá kết quả, hiệu quả của việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới, khả năng đáp ứng của địa phương và đội ngũ nhân sự, cơ sở vật chất để có đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình này.

Về vấn đề thiếu giáo viên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo, trước mắt thực hiện tạm thời việc điều chuyển, bồi dưỡng để khắc phục việc thiếu giáo viên ở một số bộ môn để đáp ứng theo chương trình hiện nay; về lâu dài, ngành cần khẩn trương triển khai các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện các biện pháp khắc phục, trong đó có việc xây dựng và thực hiện các chính sách, nhất là đối với giáo viên vùng sâu vùng xa; có định hướng đào tạo cho thời gian tới; thực hiện cơ chế tuyển dụng đội ngũ giáo viên đảm bảo linh hoạt, kịp thời đáp ứng nhiệm vụ.

Đối với công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước, đề nghị ngành Giáo dục tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống tai nạn thương tích trong phụ huynh và học sinh; khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ việc dạy bơi; phối hợp ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, Đoàn Thanh niên tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em, nhất là dịp nghỉ hè, hạn chế tình trạng không được quản lý dẫn đến tai nạn thương tích và đuối nước.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh còn đề nghị ngành Giáo dục phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cơ chế, chính sách để xã hội hóa việc dạy bơi, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em, tránh tình trạng triển khai nhiều chương trình, tốn nhiều chi phí nhưng hiệu quả đem lại chưa cao; phương pháp hiệu quả nhất là đẩy mạnh xã hội hóa, có sự tham gia của cộng đồng, gia đình.

Thanh Hoa


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây