Lãnh đạo tỉnh dự hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giai đoạn 2000-2018

Thứ sáu - 21/09/2018 18:00 108 0
Sáng 21-9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo trung ương Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết việc thực hiện phong trào này trong giai đoạn 2000-2018.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo hội nghị.

IMG_5533.JPG

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh.

Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự có ông Nguyễn Minh Tân, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình hiện nay. Phó Thủ tướng điểm lại phong trào xây dựng đời sống mới do Bác Hồ phát động. Ngay từ khi mới giành độc lập năm 1945, khi chính quyền cách mạng còn non trẻ, Bác Hồ đã chủ trương phát động phong trào xây dựng đời sống mới qua việc thành lập Ủy ban vận động đời sống mới trung ương vào năm 1946 và cho ra đời tác phẩm Đời sống mới dưới bút danh Tân Sinh vào năm 1947 để hướng dẫn toàn dân thực hiện.

Tinh thần đó đã được kế thừa và phát triển trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết xác định: Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, cần các giải pháp vừa cơ bản, lâu dài, vừa cấp bách, thường xuyên, mang tính đột phá và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, gắn chặt các phong trào thi đua yêu nước với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Phong trào là một giải pháp quan trọng để xây dựng văn hóa ngay từ cơ sở, từng người, gia đình, làng, xã, đơn vị đến môi trường văn hóa và có vai trò kết nối nhiều phong trào, từ xóa đói giảm nghèo, người tốt, việc tốt, bảo vệ an ninh tổ quốc, đền ơn đáp nghĩa, văn nghệ quần chúng, đến rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại…Phong trào đã khơi dậy cái thiện, đấu tranh với các ác, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân.

Trên cơ sở thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế cuộc sống với những biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội, Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu sẽ đóng góp nhiều giải pháp để thực hiện Phong trào đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Sau 18 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đã có nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả được phổ biến, nghiên cứu, học tập, nhân rộng. Qua các giai đoạn sơ, tổng kết Phong trào đã có trên 1,2 triệu gương người tốt, việc tốt; 19.064.069/22.236.778 gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”; 69.024/106.382 được công nhận làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa; 84.785/114.972 cơ quan, đơn vị , doanh nghiệp văn hóa. Nhiều cá nhân, tập thể đã có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước, Chính phủ khen thưởng động viên kịp thời.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước, Bác Hồ luôn quan tâm đến công tác xây dựng đời sống văn hóa, vì thế chúng ta nên quan tâm thực hiện tốt chỉ đạo này. Năm 1947, Bác viết tác phẩm Đời sống mới, là tài liệu tuyên truyền học tập đầu tiên quý giá về xây dựng đời sống văn hóa, đến nay vẫn còn giá trị trong cách lãnh đạo về xây dựng đời sống văn hóa. Suốt từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều phong trào, đặc biệt là chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), khẳng định rằng đây là một chủ trương lớn, giải pháp quan trọng để xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mục tiêu chung là đoàn kết xây dựng tư tưởng đạo đức, lối sống tốt đẹp, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Từ đó, năm 2000, thành lập Ban chỉ đạo Trung ương phong trào, đến nay phong trào này đã triển khai sâu rộng ở nhiều cấp, nhiều ngành gồm 5 nội dung, 7 phong trào cụ thể.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực với những kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo phong trào các cấp, các cơ quan thành viên, cán bộ làm công tác phong trào, trân trọng cảm ơn các tầng lớp nhân dân đã tích cực hưởng ứng, luôn đồng hành thực hiện hiệu quả thiết thực các nội dung của Phong trào.

Sau khi nêu rõ những hạn chế, với mong muốn Phong trào sẽ đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị: Ban chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cần xây dựng kế hoạch phối hợp các bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện toàn diện các nội dung của phong trào, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn và trọng tâm trọng điểm. Ban chỉ đạo cần phát huy mạnh mẽ vai trỏ của mình trong thực hiện.

Trong công tác tuyên truyền phổ biến, phải dành thời lượng cần thiết trong tuyên truyền về phong trào, nhân rộng nhiều mô hình tốt, cá nhân tốt, dòng họ tốt, cấp ủy chính quyền đoàn thể làm tốt. Các cơ quan báo chí cần dành thời lượng nhiều hơn cho tuyên truyền người tốt việc tốt. Phát huy lối sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, hy sinh việc cá nhân vì việc chung, vấn đề nêu gương của cán bộ đảng viên các cấp về nội dung này.

Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, công bằng việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP, ngày 17/9/2018 quy định về xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa để nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư, sẽ có chế tài thu hồi danh hiệu không xứng đáng.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư hỗ trợ các hoạt động của phong trào, tạo mọi điều kiện cần thiết để nhân dân chủ động, tự tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phát triển và nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, phổ biến nhân rộng điển hình tiên tiến, phát huy hiệu quả danh hiệu văn hóa, cách nghĩ, cách làm tích cực, sáng tạo, kịp thời bổ sung các giải pháp phù hợp với thực tiễn của mỗi vùng miền.

Đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp dành nguồn lực và thời gian hơn nữa cho xây dựng và phát triển phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cũng như phát triển văn hóa nói chung. Lo cho kinh tế là quan trọng nhưng lo cho văn hóa, đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân cũng quan trọng không kém.

Thủ tướng tin tưởng rằng, hội nghị đã đưa ra những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sáng tạo để tạo ra động lực mới, khí thế mới, phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để toàn dân chung sức chung lòng thực hiện tốt phong trào xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, với một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng.

XV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây