Quang cảnh buổi giám sát
Đoàn giám sát do bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Giám sát thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng làm Trưởng đoàn.
Tiếp đoàn, về phía tỉnh Tây Ninh có ông Nguyễn Minh Tân, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Nhiếm, Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Trước đó, Đoàn đã đi thực tế giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 29 tại trường THCS Trần Hưng Đạo, thành phố Tây Ninh và trường Cao đẳng nghể Tây Ninh.
Theo báo cáo, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản thể hiện sự quan tâm đặc biệt trong việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 29 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đến nay đã đạt được một số kết quả. Trong đó, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác đổi mới giáo dục và đào tạo thường xuyên được tăng cường. Công tác xây dựng đảng trong trường học được quan tâm, tổng số đảng viên tính đến tháng 9 năm 2018 là 6.300 đảng viên, chiếm tỷ lệ 41,17% trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, có 499/521 trường có chi bộ độc lập.
Thời gian qua, tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, thường xuyên giáo dục truyền thống, lịch sử đảng bộ địa phương, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống; làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu nghề cho học sinh; thực hiện tốt Đề án dạy và học ngoại ngữ; tỷ lệ giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn tăng lên hàng năm; việc dạy tin học cho học sinh tiểu học được tiếp tục mở rộng. Công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ cao. Tỉnh duy trì đạt chuẩn quốc gia và xóa mù chữ mức độ 1, 54/95 xã, phường, thị trấn đạt mức độ 2. Phổ cập giáo dục tiểu học, THCS duy trì chuẩn quốc gia. Các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy dọc nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Triển khai dạy học theo mô hình trường học mới Việt Nam tại 22 trường tiểu học và 16 trường THCS. Kết quả giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp được nâng lên hàng năm. Trong năm học vừa qua, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, 99,4% học sinh tốt nghiệp THCS; 99,4% học sinh tốt nghiệp THPT, 77,36% học sinh khối giáo dục thường xuyên tốt nghiệp THPT.
Ngành đã đạt được 3/4 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đề ra về giáo dục, gồm: tỷ lệ trẻ em 6 tuổi ra lớp hàng năm, phổ cập mẫu giáo trẻ 5 tuổi, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 186 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác xã hội hóa có nhiều chuyển biến, số trường, học sinh, giáo viên ngoài công lập được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 78 cơ sở mầm non tư thục, 29 trung tâm ngoại ngữ-tin học, 1 trường phổ thông nhiều cấp học và 1 trường trung cấp nghề.
Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đạt trình độ chuẩn theo quy định. Tổng số cán bộ quản lý và giáo viên là 12.575, đạt chuẩn và trên chuẩn là 12.573, chiếm tỷ lệ 99,98%. Tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và giáo dục đào tạo trên địa bàn tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng chi ngân sách địa phương. Giai đoạn 2016-2018, tỉnh thu hút được 4 dự án lớn đầu tư vào giáo dục với tổng vốn đăng ký hơn 302 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo.
Những khó khăn mà tỉnh Tây Ninh gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 29 cũng đã được các đại biểu phân tích, làm rõ và đề ra giải pháp tháo gỡ, như vấn đề thu hút nhân tài, chế độ cho giáo viên, công tác đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục nghề…
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong thực hiện Nghị quyết với những chính sách lớn như chính sách đào tạo, thu hút nhân tài góp phần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, đã thu hút được trí thức về làm việc với tỉnh nhà. Chính sách khuyến khích xã hội hóa trong y tế và giáo dục, đạt được một số kết quả nhất định. Tỉnh cũng rất quan tâm về tổ chức bộ máy, con người, sẽ quy hoạch lại mạng lưới hệ thống các cơ sở giáo dục để sắp xếp lại, bố trí lại cho hiệu quả; chú trọng đến sản phẩm đầu ra của giáo dục vào đào tạo, với nguyên tắc dạy thực học thực, thực hiện tốt công tác xây dựng xã hội học tập. Trong đào tạo nghề, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh đến việc cần kết nối với doanh nghiệp thực hiện việc đào tạo, được cấp giấy chứng nhận cho người lao động. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần có cách hiểu thống nhất chung, hướng dẫn chung tạo thuận lợi trong thực hiện nhằm đạt mục tiêu của Nghị quyết, cần quan tâm chế độ chính sách cho giáo viên để họ sống được với nghề, tâm huyết với nghề, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, trước những khó khăn của địa phương, tỉnh đã mạnh dạn cho chủ trương để giải quyết những khó khăn đó phù hợp với thực tiễn, nhất là đối với nguồn nhân lực cho ngành giáo dục. Mong là qua giám sát, Đoàn sẽ có kiến nghị để thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương trong thời gian tới.
Bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, Trưởng Đoàn giám sát chia sẻ những khó khăn mà Tây Ninh đang gặp phải trong quá trình thực hiện Nghị quyết, ghi nhận một số kết quả nổi bật trong công tác tổ chức thực hiện cụ thể hóa Nghị quyết, đánh giá cao việc Tây Ninh dành nguồn lực cho sự nghiệp giáo dục đạt gần 25%. Đặc biệt, Tây Ninh không có phản ánh về tiêu cực trong thi cử. Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh Tây Ninh cần tăng cường hơn nữa công tác xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên, xây dựng hệ thống giáo dục mở, đảm bảo sự công bằng thực chất giữa giáo dục công lập và ngoài công lập. Đoàn ghi nhận những kiến nghị của tỉnh, sẽ tổng hợp, nghiên cứu để tham mưu, có hướng dẫn cụ thể hơn, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu từng cấp trong thực hiện Nghị quyết, đề xuất thay đổi chính sách đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hợp lý hơn nhằm tạo động lực cho đội ngũ này gắn bó hơn với ngành góp phần thực hiện đạt hiệu quả yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế./.
XV