Lấy sự an toàn của người dân làm thước đo cho hiệu quả hoạt động của công tác phòng, chống thiên tai

Thứ sáu - 04/06/2021 17:00 157 0
Sáng ngày 04/6, tại điểm cầu Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021. Đồng chí Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cùng chủ trì hội nghị.



Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các thành viên Ban chỉ huy tỉnh.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, năm 2020, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước. Trên toàn quốc đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão và 1 ấp thấp nhiệt đới; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long… Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, ảnh hưởng rất lớn các hoạt động phòng, chống thiên tai.

Năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, hàng trăm ngàn ngôi nhà bị hư hỏng nặng, trên 198.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52.000 con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tổng thiệt hại trên 39.962  tỷ đồng.

Mặc dù vậy, công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã được các cấp, các ngành và người dân thực hiện một cách chủ động, kịp thời và hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại, đồng thời sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng. Trong đó, nổi bật là các chỉ đạo của các cấp Đảng, chính quyền từ Trung ương tới cơ sở; công tác truyền thông được thực hiện thường xuyên, liên tục. Hệ thống công trình phòng, chống thiên tai đã được quan tâm đầu tư và phát huy tác dụng giúp cho khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng đã dần được nâng cao. Lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ đã phát huy vai trò quan trọng chủ công trong công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Riêng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, trong năm 2020 xảy ra 37 vụ thiên tai (mưa lớn, lốc xoáy và sét), làm 4 người bị thương; 144 căn nhà, 4 trường học, 1 văn phòng ấp và 542 ha cây trồng bị ảnh hưởng; giá trị thiệt hại 5,914 tỷ đồng. So với năm 2019, toàn tỉnh giảm 83 vụ thiên tai, 10 người bị thương, 1.356 căn nhà bị hư hại; 1.817 ha cây trồng bị ảnh hưởng; giá trị thiệt hại 26,48 tỷ đồng.

Công tác ứng phó thiên tai đã được UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp và đơn vị lực lượng vũ trang triển khai kịp thời, hiệu quả góp phần đáng kể vào việc phòng ngừa, ứng phó, hạn chế thiệt hại về người và tài sản; hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra gần 200 triệu đồng.

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương cũng đã phân tích, làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc khi khắc phục thiên tai, đề xuất xây dựng ứng dụng trên app điện thoại đến người dân vùng hay bị ảnh hưởng để chủ động phòng, chống thiên tai cũng như đề xuất các biện pháp để phòng, chống thiên tai hiệu quả.


Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo hội nghị. (ảnh: chinhphu.vn)

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao sự nỗ lực của các ngành, địa phương trong thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm qua.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những tác động của thiên tai, của biến đổi khí hậu cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh, tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của người dân, nhất là ở các địa phương xảy ra thiên tai. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, nhất là các lực lượng tuyến đầu, công tác phòng chống thiên tai đã thực hiện hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thủ tướng bày tỏ lòng chia sẻ, tri ân đối với đồng bào, đồng chí đã hy sinh trong quá trình phòng, chống thiên tai; những địa phương đã bị thiên tai gây ra thiệt hại lớn.

Theo Phó Thủ tướng, công tác phòng ngừa ứng phó, khắc phục thiên tai còn những hạn chế, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có lúc có nơi chưa được kịp thời, còn lúng túng, bị động, thiếu toàn diện, trách nhiệm chưa cao, chưa rõ ràng. Nguyên nhân là một số nơi địa phương do còn chủ quan, chưa nhận thức được sự phức tạp, nguy hiểm của thiên tai dẫn đến lúng túng khi ứng phó. Nguồn lực đầu tư cho phòng, chống thiên tai còn thấp, trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn thiếu những phương tiện chuyên dùng trong các tình huống phức tạp. Công tác khắc phục hậu quả, phục hồi, tái thiết sau thiên tai còn chậm do thiếu nguồn lực để hỗ trợ người dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất sau thiên tai một số địa phương còn chậm.

Nhận định xu thế biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nguy cơ xảy ra thiên tai ngày càng gia tăng bất thường gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng, trong thời gian tới, công tác này cần phải được quan tâm toàn diện hơn mới có thể khắc chế được, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các ngành, địa phương cần chuẩn bị kịch bản ứng phó hiệu quả với 5 đến 7 cơn bão sẽ đến trong thời gian từ nay đến cuối năm. Cả hệ thống chính trị quyết tâm thật cao hạn chế thiệt hại do thiên tai trong năm nay, tuyệt đối không chủ quan, đặt nhiệm vụ bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân lên hàng đầu; giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2020.

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị, các cơ quan trung ương tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, chính xác; triển khai các biện pháp hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống thiên tai; đặc biệt ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai phải chính xác.

Lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai từ trung ương đến địa phương tiếp tục tăng cường trang thiết bị, ưu tiên bố trí ngân sách tập trung để xử lý dứt điểm các trọng điểm về đê điều, nhất là các tuyến đê xung yếu, các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển, xây dựng bản đồ phân bổ dân cư ở các khu vực có nguy cơ; từng bước chuyển đổi nghề cho người dân ở khu vực nguy hiểm.

Quan tâm phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, ưu tiên cho nghiên cứu đầu tư trang thiết bị công nghệ quan trắc theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành ứng phó với thiên tai, ứng dụng công nghệ thông tin tự động hóa; vận hành công cụ hỗ trợ trong chỉ đạo, điều hành; đầu tư trang thiết bị không chỉ cho công tác dự báo mà còn cho quá trình cứu hộ cứu nạn.

"Lấy sự an toàn của người dân làm thước đo cho hiệu quả hoạt động của công tác phòng, chống thiên tai" - Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Các địa phương giữ vai trò quyết định trong phòng chống thiên tai, triệt để thực hiện phương châm "4 tại chỗ". Với các địa phương có dịch bệnh diễn biến phức tạp, cần có phương án, kịch bản bảo đảm ứng phó hiệu quả khi thiên tai xảy ra.

Quỳnh Như


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây