Tại các địa phương, đoàn đã nghe báo cáo về tiến độ thực hiện các bước trong công tác phòng chống dịch bệnh khảm lá cây mì.
Trong đó, công tác tập huấn, triển khai chống dịch tại các huyện còn chậm, người nông dân chưa nắm rõ tác hại, sự nguy hiểm của bệnh khảm lá trên cây mì cũng như các chính sách hỗ trợ của nhà nước nên không muốn hoặc cản trở công tác dập dịch, dẫn đến tiến độ thực hiện còn chậm.
Điển hình như công tác phun thuốc diệt bọ phấn trắng chỉ đạt 77,3% diện tích nhiễm; tiêu hủy cây bệnh bằng phương pháp nhổ đốt và cày vùi khoảng 6% diện tích nhiễm... do đó, khả năng tái nhiễm bệnh sẽ rất cao do các loại thuốc được phun xịt trên 3 ngày sẽ giảm hiệu lực diệt bọ phấn trắng.
Ở huyện Hòa Thành và Thành phố Tây Ninh, do diện tích nhiễm mới và còn ít nên đã nhanh chóng tổ chức phun xịt thuốc ngay sau khi phát hiện; dự kiến trong vài ngày tới sẽ tiến hành tiêu hủy cây mì bị bệnh.
Tiêu huỷ cây mì bị bệnh bằng phương pháp nhổ đốt. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến lưu ý các địa phương có dịch phải tập trung nguồn lực, khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác phun thuốc hóa học diệt bọ phấn trắng và tiêu hủy cây mì bị nhiễm bệnh, tránh để tình trạng để lâu quá 7 ngày, bọ phấn trắng quay lại chích hút gây tái nhiễm và phát tán nguồn bệnh lây lan.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giải thích rõ với người dân về nguyên nhân, tác hại, sự nguy hiểm của bệnh khảm lá cây mì và các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với những hộ chấp hành phòng chống dịch theo quy định.
Tích cực vận động bà con nông dân hợp tác với chính quyền tiến hành tiêu hủy cây mì bệnh, không sử dụng làm giống và tránh vận chuyển ra khỏi vùng dịch.
Ban chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác giám sát, chặt chẽ từ khâu phun thuốc đến việc tiêu hủy cây bệnh; lãnh đạo các xã giáp biên giới với Campuchia thường xuyên theo dõi và hỗ trợ các hộ có mì trồng gần đường biên khi có yêu cầu trợ giúp.
Tính đến cuối ngày 7.8, Tây Ninh có hơn 5.000 ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá, chiếm gần 15% diện tích trồng mì toàn tỉnh, tập trung chủ yếu tại huyện Tân Châu (gần 4.000 ha), Tân Biên (khoảng 800 ha) và Châu Thành (gần 300 ha), còn lại huyện Hòa Thành và Thành phố Tây Ninh hơn 20 ha.
Theo Báo Tây Ninh Online