Phỏng vấn quyền Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh: Đại biểu dân cử phải biết “kiên trì đeo bám vụ việc đến cùng”

Thứ hai - 07/03/2016 16:00 127 0
Chỉ còn vài tháng nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Trước khi diễn ra sự kiện chính trị quan trọng này, phóng viên Báo Tây Ninh đã thực hiện cuộc phỏng vấn với ông Trịnh Ngọc Phương- Tỉnh uỷ viên, quyền Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (Đoàn ĐBQH) đơn vị tỉnh Tây Ninh về một số vấn đề liên quan.

PV: -Thưa ông, được biết trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, các vị đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh đã có nhiều ý kiến phát biểu, góp ý trực tiếp tại nghị trường, đồng thời tổ chức các hoạt động giám sát về tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương. Ông có thể nói khái quát về những việc mà Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh đã làm được?

Ông TNP: -Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh đã phối hợp chặt chẽ với HĐND, UBND, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong việc xây dựng chương trình hoạt động, kế hoạch giám sát, lấy ý kiến góp ý các dự án luật và tổ chức tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân...

Mặc dù đa số các đại biểu trong Đoàn đều là đại biểu kiêm nhiệm nhưng mọi người đều cố gắng sắp xếp công việc chuyên môn để dành thời gian thực hiện việc giám sát của mình tại địa phương, đồng thời tham gia giám sát với tư cách là thành viên các uỷ ban của Quốc hội. Trong nhiệm kỳ qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với Thường trực HĐND, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức được 19 đợt giám sát và 6 cuộc khảo sát trên địa bàn tỉnh.

Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh đã tổ chức nhiều hình thức tiếp xúc cử tri như tiếp xúc với lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, tiếp xúc theo giới, ngành, nơi cư trú, nơi công tác, tiếp xúc ở các huyện, thành phố, các xã vùng sâu, vùng biên giới và tiếp xúc ở ngoài địa bàn ứng cử. Các ý kiến của cử tri đều được Đoàn chuyển đến cơ quan chức năng giải quyết, trả lời.

Đoàn cũng đã tham gia đầy đủ, nghiêm túc chương trình làm việc tại các kỳ họp Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao. Các đại biểu đã tích cực tham gia phát biểu thảo luận tại tổ, tại hội trường, thực hiện chất vấn trực tiếp và chất vấn bằng văn bản về nhiều nội dung, qua đó góp phần vào thành công chung của các kỳ họp Quốc hội khoá XIII.

PV: -Một cách khách quan, ông nhìn nhận như thế nào về chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, kể cả đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND?

Ông TNP: -Có thể nói hoạt động của QH và HĐND ngày càng nâng dần về chất lượng, nhất là trong công tác giám sát. Các vấn đề bức xúc của cử tri đều được Quốc hội và HĐND quan tâm tiến hành giám sát, các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND còn chọn lọc, nghiên cứu kỹ vấn đề đưa ra chất vấn các cơ quan chức năng để các cơ quan này có hướng giải quyết thoả đáng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri. Đa số các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, được nhân dân tin cậy.

Nhiều đại biểu Quốc hội và HĐND đã nêu cao tinh thần trách nhiệm là người đại diện của nhân dân, tích cực học tập, nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc, không ngừng nâng cao chất lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Qua hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, nhiều đại biểu đã phát hiện những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của cử tri, từ đó có ý kiến chất vấn với các cơ quan liên quan hoặc kiến nghị tổ chức các đoàn giám sát, nhằm làm rõ trách nhiệm và đề xuất các giải pháp khắc phục. Nhiều đại biểu đã kiên trì đeo bám vấn đề cho đến khi có kết quả, thể hiện bản lĩnh, tâm huyết trong hoạt động dân cử.

PV: Có ý kiến cho rằng chất lượng đại biểu là điều kiện cần và đủ để làm nên một cơ quan lập pháp hoạt động thực sự hiệu quả. Ông có đồng tình với ý kiến này không và theo ông, cần làm gì để bầu ra được những đại biểu có chất lượng?

Ông TNP: - Để có thể bầu được đại biểu có chất lượng đòi hỏi các cơ quan chức năng cần lựa chọn kỹ thông qua quy trình 3 lần hiệp thương chặt chẽ, từ lúc lựa chọn, đưa người ra ứng cử đến quá trình lấy ý kiến nơi công tác, nơi cư trú và đưa vào danh sách để cử tri bầu... Tuy nhiên, khi lựa chọn được đại biểu thì chúng ta chỉ mới đạt điều kiện cần. Còn điều kiện đủ, theo tôi, đủ ở đây là khi anh trở thành đại biểu dân cử thì bản thân anh phải có sự nhiệt huyết với nhiệm vụ, phải có tâm, có tầm, biết kiên trì đeo bám vụ việc đến cùng, truyền đạt tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân đến cơ quan chức năng. Do đó, tôi đồng tình cao với ý kiến mà phóng viên đã nêu ở trên.

PV: -Một trong những hiện tượng đáng chú ý trong thời gian vừa qua là có nhiều công dân tự ứng cử vào Quốc hội khoá tới. Ông có suy nghĩ gì về hiện tượng ấy?

Ông TNP: -Trước tiên, tôi cũng như nhiều người dân cả nước hoan nghênh việc tự ứng cử của công dân và khẳng định rằng: đây không phải là phong trào mà là ý thức về quyền và trách nhiệm của công dân trước vận mệnh của đất nước đã được thể chế hoá trong Hiến pháp 2013. Tôi tin tưởng rằng Quốc hội khoá XIV sẽ có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, theo tôi cần phải có quy trình và thiết chế sao cho phù hợp với người tự ứng cử, nhằm tránh tình trạng người tự ứng cử quá nhiều nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn.

 

 Cử tri TP Tây Ninh phát biểu ý kiến trong một lần tiếp xúc với đại biểu Quốc hội.

PV: -Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp đều theo nguyên tắc cơ cấu về nghề nghiệp, giới tính, độ tuổi… Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông TNP: - Cơ cấu, tiêu chuẩn ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là vấn đề quan trọng trong mỗi cuộc bầu cử, bởi nó góp phần quyết định chất lượng hoạt động của các cơ quan dân cử. Các cuộc bầu cử trước đây cũng như hiện nay, cơ cấu và chất lượng đại biểu là hai yếu tố song hành với nhau. Chủ trương và chỉ đạo từ Trung ương xuống đến từng địa phương là phải bảo đảm cả hai yếu tố này, không nặng về cơ cấu mà xem nhẹ chất lượng và ngược lại.

Thực tế, cũng có nơi để xảy ra tình trạng cơ cấu chi phối chất lượng. Ví dụ, có đại biểu phải “gánh” đến 4-5 cơ cấu (như vừa là nữ, ngoài Đảng, vừa là người trẻ tuổi, người dân tộc thiểu số…). Mặc nhiên, khi “gánh quá nhiều cơ cấu” sẽ khó cho yếu tố ưu tiên chất lượng. Chính vì vậy ở lần bầu cử này, theo tôi các cấp, các địa phương cần có nhiều giải pháp thiết thực hơn nữa để có thể giới thiệu, sàng lọc danh sách những đại biểu thực sự có tài, có đức đưa ra ứng cử. Nên tạo ra sự cân bằng, có chọn lọc giữa cơ cấu và chất lượng, có như thế người dân mới có thể tìm được cho mình người đại diện thực sự xứng đáng.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây