Trong khuôn khổ của Hội nghị, sáng ngày 21/12, phiên toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước được diễn ra theo hình thức trực tuyến đến các tỉnh, thành phố. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng lãnh đạo các đơn vị liên quan.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Quán triệt sâu sắc chủ trương Đại hội XIII của Đảng về xây dựng một nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, công tác ngoại giao kinh tế có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn. Những năm qua, ngoại giao kinh tế đã và đang được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, rộng khắp trên các trụ cột đối ngoại, bao gồm cả đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đóng góp quan trọng vào việc tạo dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế mà đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày nay.
Việt Nam đến nay đã là nền kinh tế lớn thứ 11 của châu Á; nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhóm 30 nền kinh tế có thương mại lớn nhất, là 1 trong 3 nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ASEAN và có mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng, đa tầng lớp; trong đó, đã ký 16 Hiệp định thương mại tự do bao trùm tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã phát biểu tham luận, đóng góp những đánh giá, nhận định quan trọng về tình hình thế giới, khu vực; nhấn mạnh những thành tựu mà ngành ngoại giao đạt được trong thời gian qua, nêu ra phương hướng, biện pháp thúc đẩy công tác đối ngoại trên tất cả các trụ cột, cũng như tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương kết quả đạt được. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có tư duy đổi mới, tích cực, hiệu quả; nắm chắc tình hình, thay đổi cách tiếp cận để tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng chiến lược ngoại giao kinh tế phù hợp. Đồng thời, học tập phương thức quản trị hiện đại, quản trị nguồn nhân lực; hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao bản lĩnh về chính trị, tinh thông nghiệp vụ ngoại giao…
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, năm 2024 sẽ có nhiều thời cơ và thách thức đan xen, do đó công tác ngoại giao cần phải có sự chủ động, sát tình hình mới; có tầm nhìn chiến lược; hoàn thiện thể chế, cơ chế hợp tác bảo đảm đầy đủ, sát thực tiễn và tổ chức thực hiện tốt. Bên cạnh đó, cần linh hoạt, chủ động, mạnh mẽ để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng một cách nhanh chóng; phát huy tính tự lực, tự cường, tính chủ động, sáng tạo.
Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác ngoại giao kinh tế được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
ML