Phiên giải trình về công tác tuyển dụng và sử dụng đội ngũ giáo viên mầm non, gắn với phát triển hệ thống cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh

Thứ năm - 18/04/2019 17:00 292 0
Chiều ngày 17/4/2019, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh tổ chức Phiên giải trình về công tác tuyển dụng và sử dụng đội ngũ giáo viên mầm non, gắn với phát triển hệ thống cơ sở giáo dục mầm non tên địa bàn.

phiengiaitrinhhdnd.jpg

Quang cảnh phiên giải trình

Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Phan Thị Điệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Thanh Phong - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Cùng tham dự có đồng chí Huỳnh Thanh Phương - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh, đồng chí Nguyễn Văn Nhiếm - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Nội dung phiên giải trình xoay quanh Quyết định số 642/QĐ-UBND ngày 23/3/2017 của UBND tỉnh về Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2017-2020 do Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu. Việc thực hiện Đề án này được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 2017-2018 và giai đoạn 2019-2020. Mục tiêu của giai đoạn 2017-2018 là xây dựng 8 trường mầm non mới (trong đó nâng cấp 3 điểm phụ thành trường mới) và mở rộng thêm cho 14 trường, tổng số phòng học mới xây tối thiểu 132 phòng, 8 phòng chuyên môn, 27 phòng sinh hoạt chung, nhu cầu biên chế viên chức và nhân viên 346 người. Trong giai đoạn 2019-2020 xây dựng 8 trường mầm non mới, mở rộng thêm cho 10 trường tổng số phòng học mới xây tối thiểu 140 phòng, 8 phòng chuyên môn, 25 phòng sinh hoạt chung, nhu cầu biên chế viên chức và nhân viên 350 người.

phiengiaitrinhhdnd1.jpg

Đồng chí Mai Thị Lệ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo tại hội nghị

Theo đồng chí Mai Thị Lệ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, trên thực tế, việc tuyển dụng và sử dụng giáo viên mầm non gặp nhiều khó khăn. Trong 3 năm học, chỉ tuyển dụng được 360 giáo viên và ký hợp đồng với 35 giáo viên mầm non. Số trường mầm non là 137 trường 9 trong đó có 119 trường công lập, còn lại là trường tư thục), lớp mầm non có 1241 lớp. Tỷ lệ bình quân 9,1 lớp/trường và tỷ lệ giáo viên trên lớp là 1,66. Với tỷ lệ bố trí giáo viên hiện tại theo quy định của Thông tư 06/2015/TTLT-BGDDT-BNV thì đang thiếu 0,54 giáo viên/lớp, tương đương 426 giáo viên. Tỷ lệ huy động trẻ lứa tuổi nhà trẻ tại thời điểm tháng 3/2019 là 11,1%, mẫu giáo là 70,2%. Tỷ lệ này là thấp so với các tỉnh Đông Nam bộ. Nếu quy mô huy động tăng 5,0% học sinh thì hàng năm tăng thêm 1887 học sinh và dự báo tình trạng thiếu giáo viên sẽ tiếp tục tăng theo số học sinh là 550 giáo viên.

Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, các chế độ chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và nhất là với giáo viên mầm non được thực hiện theo quy định. Kinh phí dành cho ngành học mầm non cũng tăng theo từng năm. Năm 2018 là 230 tỷ đồng, năm 2019 là hơn 273 tỷ đồng. Việc thực hiện hợp đồng giáo viên mầm non theo chủ trương của UBND tỉnh gặp khó khăn, chỉ hợp đồng được 35 người trong khi số lượng được UBND duyệt là 375 người. Mặc dù chế độ, chính sách đối với đối tượng này được thực hiện đầy đủ nhưng thời hạn hợp đồng ngắn chỉ 3 năm nên chưa thu hút được các giáo viên đăng ký. Ở một khía cạnh khác, trong công tác tuyển dụng và hợp đồng giáo viên mầm non còn gặp nhiều khó khăn do thực hiện tinh giản biên chế, không còn biên chế để tuyển giáo viên cho các cấp học, đặc biệt là cấp học mầm non.

Việc thiếu giáo viên mầm non cũng ảnh hưởng đến việc đưa vào khai thác sử dụng 86 phòng học đã xây mới và cải tạo theo Đề án 642 trong giai đoạn 2017-2018 đã hoàn thành, dự kiến bàn giao và đưa vào sử dụng trong năm 2019. Tình trạng không có giáo viên và không huy động được học sinh ra lớp sẽ dẫn đến khả năng không phát huy được hiệu quả các phòng học.

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề ra giải pháp như kiến nghị ban hành chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non, ưu tiên cho giáo viên hợp đồng đủ 3 năm nếu đạt thành tích tốt được tuyển dụng vào biên chế; tăng cường cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân thành lập trường mầm non ngoài công lập đồng thời lập phương án chuyển một số trường mầm non công lập ra ngoài công lập ở nơi có khả năng xã hội hóa cao và chuyển một số trường công lập sang hình thức trường công lập tự chủ, chủ động hơn trong tổ chức hoạt động, chủ động biên chế giáo viên, giảm áp lực cho các trường công…

Tại hội nghị, có 7 đại biểu đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến công tác tuyển dụng và sử dụng đội ngũ giáo viên mầm non, gắn với phát triển hệ thống cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn, gắn với việc thực hiện Đề án 642.

phiengiaitrinhhdnd2.jpg

Đồng chí Lê Quang Tuấn - Phó Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh nêu ý kiến

Đồng chí Lê Quang Tuấn - Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội nêu vấn đề, Sở Giáo dục và Đào tạo có đánh giá tiến độ thực hiện Đề án 642 chưa? Đến năm 2020 có khả năng đạt được mục tiêu đề ra không? Sở Giáo dục Đào tạo có dự định tham mưu thay đổi đề án hay không?

Đồng chí Phan Thị Điệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, Đề án được thực hiện không đồng bộ, trường cứ xây dựng mà chưa có giáo viên để giảng dạy và đặt câu hỏi: “Đến bao giờ mới lp đầy các phòng học?”. Trong đào tạo đội ngũ giáo viên thì rõ là nhu cầu thực tế hơn con số đào tạo ra trường, vấn đề đặt ra là, khi phát triển giáo dục mầm non đã không lường trước được số lượng giáo viên cần có. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đồng tình với việc đào tạo theo địa chỉ để giải quyết trước mắt tình trạng thiếu giáo viên mầm non như hiện nay.

Đồng chí Mai Thị Lệ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo giải trình, khi  tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án 642 đã có nghiên cứu khảo sát thực tiễn và đã có điều chỉnh nhiều lần sau khi các xã có ý kiến trong quá trình để cùng góp phần xây dựng xã nông thôn mới; dự kiến cuối năm 2019, Sở Giáo dục Đào tạo sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết giai đoạn 1, rút kinh nghiệm triển khai giai đoạn tiếp theo.

Phát biểu kết luận phiên giải trình, đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu trong phiên giải trình. Qua giải trình đã đánh giá đầy đủ, kịp thời thực trạng và đề ra được những giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới. Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực, tích cực của các cơ quan chức năng và địa phương trong thực hiện Đề án 642 của UBND tỉnh, qua đó giải quyết được phần nào tỷ lệ trẻ em mầm non ra lớp đạt thấp.

phiengiaitrinhhdnd4.jpg

Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận phiên giải trình

Chủ tịch HĐND tỉnh nhận định, tuy đạt được kết quả bước đầu nhưng việc triển khai thực hiện Đề án 642 còn khá bất cập, dẫn đến khả năng không đạt mục tiêu của Đề án đề ra và có nguy cơ lãng phí nguồn lực đầu tư. Đồng chí cho rằng, nguyên nhân khách quan là do cơ chế chính sách đối với lĩnh vực mầm non còn bất cập, chưa đầy đủ. Còn nguyên nhân chủ quan là sự không đồng bộ giữa đầu tư cơ sở vật chất với cơ chế tuyển dụng giáo viên và cơ chế sử dụng kinh phí chi lương cho giáo viên hợp đồng dẫn đến tình trạng trường lớp đầu tư xây dựng xong nhưng chưa đưa vào khai thác vận hành; sự phối hợp giữa cơ quan chức năng và các UBND cấp huyện chưa chặt chẽ. Sở Giáo dục và Đào tạo - đơn vị chủ trì tham mưu UBND tỉnh nhưng chưa theo dõi việc đánh giá mục tiêu đầu tư trong Đề án để kịp thời đề xuất kiến nghị điều chỉnh những bất cập phát sinh. Các đơn vị thụ hưởng có tình trạng chạy theo thành tích trong đầu tư, chưa quan tâm phối hợp giải quyết các vướng mắc về cơ chế tuyển dụng và chi trả kinh phí cho giáo viên. Sở Tài chính chưa chủ động trong bố trí, hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện Đề án. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non diễn ra trong nhiều năm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó đạt mục tiêu của Đề án nhưng chưa được đánh giá để đề ra các giải pháp đúng và hiệu quả để tháo gỡ một cách căn cơ. Sở Giáo dục và Đào tạo chưa có sự phối hợp tốt với Sở Nội vụ trong giải quyết các vấn đề bất cập trong phân bổ biên chế sự nghiệp, đặc biệt là trong khối giáo dục mầm non.

Từ đó, để đáp ứng nhiệm vụ tăng tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như một số cơ quan chức năng liên quan khẩn trương tham mưu sơ kết việc thực hiện Đề án 642có biện pháp đưa vào sử dụng ngay những cơ sở đã đầu tư nhưng còn đang bỏ trống tập trung phân tích kỹ các nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng như hiện nay, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao trong Đề án, rút kinh nghiệm trong phân công, phân nhiệm để thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong thời gian tới; tiến hành rà soát lại quy hoạch, kế hoạch phân bổ trường lớp trên địa bàn các huyện đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn và yêu cầu sắp lại các đơn vị sự nghiệp công theo Nghị quyết 19 của Trung ương, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ về kinh phí, biên chế ở đơn vị sự nghiệp công, chuyển các đơn vị sự nghiệp công sang ngoài công lập ở nơi có đủ điều kiện để dành nguồn lực cho vùng khó khăn. Cần sớm tham mưu ban hành các giải pháp, chính sách để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh một cách đồng bộ.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư có những kiến nghị, đề xuất về việc điều chỉnh lộ trình đầu tư đảm bảo khi các trường lớp được đầu tư xong thì có giáo viên và đưa vào khai thác đồng bộ tránh xảy ra tình trạng lãng phí. Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, sau phiên giải trình, các đơn vị giải trình có những giải pháp, hành động cụ thể, thiết thực để thực hiện các vấn đề mà Thường trực HĐND tỉnh kết luận và có báo cáo kết quả thực hiện gửi đến Thường trực HĐND tỉnh trước ngày 30/11/2019.

XV


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây