Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ năm - 15/08/2019 19:00 60 0
Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì tại điểm cầu Hà Nội. Phiên chất vấn này được tổ chức trực tuyến đến Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành trong cả nước.

TT-phienchatvan.jpg

Quang cảnh tại điểm cầu Tây Ninh

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, đồng chí Huỳnh Thanh Phương - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh chủ trì, cùng sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.

Tại hội nghị, sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Hội nghị tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 đối với Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Công an; Xây dựng; Khoa học và Công nghệ; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài chính; Công thương; Giao thông Vận tải; Ủy ban Dân tộc; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước.

Trong phiên buổi sáng, các đại biểu quốc hội các tỉnh Gia Lai, Nghệ An, Bắc Giang, Lào Cai, Nam Định, thành phố Cần Thơ, Điện Biên… chất vấn các bộ trưởng nhiều nội dung về quản lý thông tin trên mạng xã hội; công tác xử lý sim rác, giải pháp hỗ trợ ngư dân vừa sản xuất vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo; quá trình triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam; vấn đề quản lý các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, quản lý lao động việt nam ở nước ngoài; lý giải nguyên nhân chậm bố trí vốn hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; giải pháp xử lý tình trạng chậm trễ trong ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật; công tác xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực xây dựng; sửa đổi chính sách người có công; quan điểm của Chính phủ về xây dựng đường cao tốc Bắc Nam; công trình đường cao tốc  …

TT-phienchatvan1.jpg

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn

Trả lời vấn đề về quản lý thông tin trên mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã đầu tư, xây dựng vận hành trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng gồm: Giám sát các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và thông tin trên không gian mạng. Trung tâm này có khả năng xử lý mỗi ngày khoảng 100 triệu tin và phân loại, đánh giá được tỷ lệ tin tiêu cực, tích cực.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng việc đấu tranh với các trang mạng nước ngoài cũng là vấn đề nan giải, trong khi họ chưa có văn phòng đại diện tại đây, chưa đóng thuế, chưa thực thi luật pháp. Thời gian qua, Bộ đã rất tích cực thực hiện công tác này, cụ thể, với Facebook trước đây, Nhà nước đưa ra yêu cầu thực hiện được khoảng 30%, bây giờ tỷ lệ thực hiện yêu cầu của Facebook đối với chính quyền là 70 - 80%; Youtube tuân thủ tốt hơn, trước đây 60%, bây giờ là 80 - 85%, Apple thì trước không thực hiện, bây giờ gần như thực hiện 75% các yêu cầu… vấn đề sim rác, bộ đã cơ bản cắt bỏ những sim rác, phần lớn nằm trên kênh bán hàng. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến việc cần thiết phải xây dựng mạng xã hội Việt Nam, hiện nay đã có 65 triệu thuê bao để thực hiện tốt công tác quản lý. Từ nay đến tháng 9, các cơ quan truyền thông sẽ tập trung giải quyết chuyện sim rác bằng cách các nhà mạng mua lại. Giải pháp mới là giao trách nhiệm trực tiếp đến tổng giám đốc các công ty truyền thông. Nếu như còn tồn tại sim rác trên các nhà mạng, nhà mạng sẽ không được cấp phép các dịch vụ mới.

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn các bộ trưởng về các vấn đề công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, triệt phá các băng nhóm cho vay nặng lãi, tín dụng đen; xử lý vấn đề rác thải nhựa, bảo đảm môi trường...

 TT-phienchatvan2.jpg

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên chất vấn

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Trả lời chất vấn của các đại biểu về vấn đề xây dựng pháp luật, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này, dành nhiều thời gian hơn trong các phiên họp thường kỳ và trong nhiều phiên họp chuyên đề, các Bộ, ngành vào cuộc quyết liệt hơn; trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành rõ rệt hơn. Sau khi phân tích nguyên nhân nợ đọng văn bản hướng dẫn, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. Hiện Chính phủ cũng đang hoàn thiện trình Quốc hội tới đây xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Kỳ họp thứ 8 tới.

TT-phienchatvan3.jpg

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên chất vấn

Phát biểu kết luận Phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao, đã có 35 đại biểu Quốc hội chất vấn, 3 lượt đại biểu tranh luận. Tại phiên chất vấn, đã có 14 Bộ trưởng và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã cùng tham gia trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số nội dung và trực tiếp trả lời một số câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Nhìn chung, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thể hiện tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trước mỗi vấn đề bức xúc của người dân. Các đại biểu đã nghiên cứu kỹ các báo cáo, hỏi thẳng vào vấn đề còn vướng mắc hoặc chưa được đề cập, làm rõ trong các báo cáo; tích cực tranh luận để đi đến cùng vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội nhận định, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã dành thời gian quan tâm và chuẩn bị khá kỹ cho việc trả lời chất vấn, cơ bản nắm chắc và toàn diện vấn đề của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn nhận trách nhiệm, nêu được nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, chủ tịch Quốc hội cho rằng qua chất vấn phải thẳng thắn nhìn nhận có nhiều nội dung, nhiều chỉ tiêu chưa đạt, chưa được giải quyết dứt điểm, hoặc vẫn còn những khó khăn vướng mắc cần tiếp tục có giải pháp căn cơ để triển khai, khắc phục.

Hoàng Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây