Phiên họp chiều 22/01: Thêm 11 tham luận đóng góp cho văn kiện Đại hội

Thứ sáu - 22/01/2016 16:00 69 0
Chiều 22/01, các đại biểu tham dự Đại hội lần thứ XII của Đảng tiếp tục thảo luận các văn kiện. Phiên họp do Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XI, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang điều hành.

chieu 21.1_1.jpg

Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang điều hành phiên họp.

Trong phiên họp buổi sáng, đã có 11 đại biểu thuộc các đoàn đại biểu, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan phát biểu ý kiến gồm: Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đội, Đoàn đại biểu Đảng bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giao thông Vận tải, Ban Đối ngoại Trung ương, Đảng bộ thành phố Hà Nội, Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Công Thương. Chiều cùng ngày, tiếp tục có 11 đại biểu thuộc các đoàn đại biểu, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan phát biểu, gồm: Đảng bộ thành phố Hải Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Y tế, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Đảng bộ thành phố Cần Thơ, Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá, Bộ Tài chính, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, Đảng bộ tỉnh Điện Biên, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương phát biểu tham luận.

Hầu hết các ý kiến trong phiên họp chiều tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến giải pháp vận dụng sáng tạo học thuyết về chủ nghĩa xã hội vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo bước đột phá về kinh tế, xã hội; vận dụng ba đột phá chiến lược để xây dựng nền y tế Việt Nam hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển; cải cách tư pháp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam; đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm quốc phòng an ninh, tăng cường hoạt động đối ngoại; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn mới.      

Thay mặt Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Phó Chủ nhiệm Thường trực Mai Thế Dương làm rõ hơn vấn đề "Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới". Ông cho rằng, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra, cần nhận thức đúng, đầy đủ và thực hiện đồng bộ các giải pháp: tiếp tục khẳng định kiểm tra, giám sát là những chức năng, phương thức lãnh đạo của Đảng- một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, trước hết là của các cấp uỷ và trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ; đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm có hiệu lực, hiệu quả. Cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát trong Đảng, phải coi trọng, phát huy trách nhiệm kiểm tra, giám sát, phản biện của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng đối với tổ chức Đảng, đảng viên. Uỷ ban Kiểm tra các cấp phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi trách nhiệm, Điều lệ Đảng, chủ động, tích cực tham mưu giúp cấp uỷ về công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng để đề xuất, bổ sung, phát triển chủ trương, quan điểm, phương pháp, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng...     

Trong tham luận về chủ đề "Tái cơ cấu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, đáp ứng mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của đất nước", Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng quan điểm, mục tiêu và kiến nghị các giải pháp cần được nhấn mạnh hơn trong Nghị quyết Đại hội đối với giai đoạn 2016 – 2020 về phát triển và cơ cấu lại ngân sách nhà nước. Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng cần đổi mới thể chế, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế... đồng thời cải cách toàn diện, triệt để, mạnh mẽ thủ tục hành chính, tất cả thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp để tạo môi trường cạnh tranh về kinh doanh phát triển để tạo nguồn thu bền vững. Cần đưa ra yêu cầu mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xã hội hoá, giao quyền tự chủ đầy đủ, nhất là tự chủ về tài chính cho khối đơn vị sự nghiệp công, sao cho đối với ngành Y tế trước năm 2018 và ngành Giáo dục trước năm 2019 phải tự chủ được tối thiểu 80%, tiếp tục dồn nguồn lực cho vùng sâu, vùng xa, đối tượng nghèo, cận nghèo nhưng với vùng đô thị có điều kiện phải tập trung xã hội hoá ngay.

Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định, cần phát triển thị trường tài chính, tăng chuyển động vốn để doanh nghiệp huy động trực tiếp từ nền kinh tế thông qua thị trường chứng khoán, bớt lệ thuộc vào tình hình tín dụng. Thực hiện phấn đấu hoàn thành cổ phần hoá, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, thực hiện giải pháp phát triển doanh nghiệp dân doanh, nghiên cứu xây dựng luật khuyến khích phát triển doanh nghiệp dân doanh, xây dựng chính sách thuế và cơ cấu tính thuế riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng cơ chế và các quỹ khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ thay cho cơ chế quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Ngày 23/01, Đại hội làm việc tại Hội trường, tiếp tục thảo luận các văn kiện Đại hội XII và nghe báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XII.

 

Đ.H.T

(Từ Hà Nội)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây