Đồng chí Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở ngành liên quan, tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.
Đồng chí Dương Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, tiếp tục phát sinh nhiều khó khăn, thách thức. Nhờ có sự chỉ đạo sát sao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, ngay từ đầu năm ngành Tài chính đã quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp tài chính – Ngân sách nhà nước (NSNN) đã đề ra; điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép; kiểm soát giá cả, thị trường; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần quan trọng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, giữ ổn định kinh tế Việt Nam, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân.
Trong 6 tháng đầu năm, thu NSNN đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán; đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 70,3 nghìn tỷ đồng (miễn giảm 28,3 nghìn tỷ đồng, gia hạn 42 nghìn tỷ đồng). Các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội cho nhân dân. Tổng chi NSNN ước đạt 804,6 nghìn tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển tăng so với cùng kỳ năm 2022 cả về số vốn (65,2 nghìn tỷ đồng) và tỷ lệ giải ngân (đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ đạt 27,75%).
Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Năm 2022, Bộ Tài chính xếp vị trí thứ 3 với kết quả Chỉ số CCHC (PAR Index) đạt 89,76%.
Trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện 31,6 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý giá, chứng khoán; kiểm tra trên 343,2 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp. Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính trên 43 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp NSNN 11,2 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 8,4 nghìn tỷ đồng); giảm lỗ, giảm khấu trừ và xử lý tài chính khác 31,9 nghìn tỷ đồng.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, trình Chính phủ các dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, hạ tầng giao thông hàng hải, hàng không, đường sắt, đường bộ....Tiếp tục tăng cường hợp tác tài chính đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao những kết quả mà ngành Tài chính đã đạt được, tuy nhiên vẫn còn một vài nhiệm vụ một số đơn vị triển khai còn chậm. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính cần phải làm tốt hơn, nhanh hơn đối với các nhiệm vụ cấp bách và phối hợp khẩn trương hơn nữa đối với các nhiệm vụ tham gia cùng với các bộ, ngành khác. Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung vào nhóm nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, tạo tiền đề tích cực cho công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, hoàn thành mục tiêu chung của Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025.
DP
Tác giả: admin