Tham dự buổi làm việc có Uỷ viên Bộ Chính trị- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng- Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Trung tướng Trần Đơn- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông, lãnh đạo các Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Giao thông - Vận tải…
Toàn cảnh buổi làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Tỉnh uỷ ngày 5.6. |
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang cho biết, ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Tỉnh uỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để đưa Nghị quyết sớm đi vào thực tiễn cuộc sống. Trong đó trọng tâm là xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, nhất là chương trình hành động thực hiện 3 khâu đột phá về “cải cách hành chính”, “phát triển nguồn nhân lực” và “đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng đã chỉ đạo các cấp uỷ Đảng xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, từng uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh xây dựng chương trình hành động và kế hoạch hằng năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020.
Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang báo cáo tại buổi làm việc. |
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang, nhìn chung nội dung chương trình hành động của từng Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh có chất lượng, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm với chức trách, nhiệm vụ được phân công… Sự đoàn kết, gắn bó của các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường, có sự chuyển biến lớn trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ đã góp phần vào sự thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Lãnh đạo các cấp, các ngành có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, nhận thức, cách làm.
Sự chỉ đạo tập trung và kịp thời của Tỉnh uỷ sau Đại hội đã góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những kết quả tích cực ngay từ những tháng đầu năm 2016. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Về phát triển khu công nghiệp, tỉnh đã tiến hành rà soát quy hoạch, tận dụng quỹ đất để thu hút mảng công nghiệp phụ trợ cho các tập đoàn lớn đang đầu tư ở TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… Luỹ kế đến nay trên địa bàn tỉnh hiện có 240 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 3,9 tỷ USD và 382 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký gần 39.700 tỷ đồng.
Đến nay, tỉnh đã công nhận 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 20% số xã trên địa bàn... An sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,32% (trung bình cả nước 6,75%).
Bí thư Trung ương Đảng – Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên phát biểu đóng góp ý kiến. |
Trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị được tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã đi vào nền nếp, thực chất hơn, hạn chế dần các biểu hiện hình thức, mang tính phong trào. Đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, có sức ảnh hưởng, lan toả. Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 03, có trên 1.000 tập thể và gần 3.500 cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh được các cấp uỷ biểu dương, khen thưởng.
Trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động; ý thức, tinh thần trách nhiệm được nâng lên rõ rệt. Việc tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, khắc phục khuyết điểm, tồn tại của tập thể và cá nhân được thực hiện nghiêm túc ; tập trung giải quyết một số vấn đề nổi cộm, bức xúc của địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần ngăn chặn suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân.
Bí thư Tỉnh uỷ kiến nghị Trung ương sớm đàm phán thống nhất với phía Campuchia các vị trí cột mốc còn tồn tại của tỉnh Tây Ninh, từ cột mốc 139 đến 146, tác động với phía Campuchia xác định cột mốc 169 trên thực địa theo như bản đồ hai bên đã thống nhất. Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang đề nghị Trung ương quan tâm đến một số dự án, công trình giao thông như đường tuần tra biên giới; dự án đường cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đi Mộc Bài (đã được bổ sung vào dự án đường Xuyên Á), bổ sung vào quy hoạch và sớm triển khai tuyến đường cao tốc Gò Dầu – Xa Mát (qua thành phố Tây Ninh).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận. |
Trong việc thực hiện Kết luận số 80 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) về tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong tình hình mới, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương có văn bản quy định, hướng dẫn riêng về quy chế làm việc, chế độ hội họp, nội dung sinh hoạt chi bộ đối với tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cùng với nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng như trong vùng, Tây Ninh có bước phát triển mạnh; biểu dương những nỗ lực của Tây Ninh trong phát triển kinh tế - xã hội như tổng sản phẩm địa phương tăng hơn 11%, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo…
Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong thời gian tới, Tây Ninh cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, đặc điểm, điều kiện tự nhiên thuận lợi của tỉnh để khai thác, đẩy mạnh phát triển toàn diện, cả công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, đối ngoại… Trong những năm chống Mỹ, Tây Ninh là “thủ đô” kháng chiến, Tổng Bí thư cho rằng, truyền thống lịch sử, kiên cường trong đấu tranh cách mạng cũng là một tiềm năng lớn, là tiềm năng về tinh thần, nếu khai thác, đó cũng là một động lực phát triển rất lớn. Từ đó, đề ra chiến lược, khai thác hết những tiềm năng sẵn có.
Bên cạnh đó, Tây Ninh cần xác định đầy đủ cơ cấu chuyển dịch kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp, đồng thời với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao, coi nông nghiệp là nền tảng để phát triển công nghiệp, gắn nông nghiệp với công nghiệp, đồng thời khai thác tiềm năng lợi thế sẵn có để phát triển du lịch, dịch vụ. Gắn phát triển kinh tế với việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Anh hùng các LLVTND Phan Văn Điền (Mười Thương). |
Tổng Bí thư lưu ý, Tây Ninh phải làm tốt công tác đối ngoại, giữ vững ổn định an ninh khu vực biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác; quan tâm chăm lo đối với bà con Việt kiều từ Campuchia trở về. Cần làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động các tầng lớp nhân dân đồng tâm hợp lực tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, vấn đề quan trọng là phải làm tốt công tác đào tạo cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - một trong ba khâu đột phá chiến lược. Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chính là xây dựng tổ chức, xây dựng con người để Đảng ta thực sự trong sạch, liêm chính, được lòng dân.
Tổng Bí thư cũng đã biểu dương Tây Ninh thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, tạo chuyển biến tích cực trên thực tế. Ông nhấn mạnh đây là việc làm thường xuyên, cần thực hiện kiên trì, kiên quyết và bền bỉ, gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ngay sau khi kết thúc buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và tặng quà Anh hùng LLVTND Phan Văn Điền (Mười Thương).
Theo Báo Tây Ninh Online