Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh còn có lãnh đạo các sở, ngành, thành viên Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Quang cảnh điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Nhìn chung, thiên tai xảy ra trong năm 2018 tại Việt Nam không dồn dập và khốc liệt như năm 2017 nhưng vẫn là năm có nhiều thiên tai lớn, diễn ra trên khắp các vùng miền trong cả nước. Với sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương và các địa phương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) cùng sự tham gia hỗ trợ của người dân nên công tác PCTT và TKCN đã được triển khai đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Thiệt hại do thiên tai giảm nhiều so với trung bình nhiều năm, nhất là những năm gần đây. Tổng kết năm 2018, có 224 người chết và mất tích; 1.967 ngôi nhà bị đổ, trôi; 31.335 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp; hơn 261.377 ha lúa, hoa màu bị ngập; 884 km đê, kè, kênh mương, bờ bao và 8,4 triệu m3 đát đá đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông bị sạt, trượt, hư hỏng. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị các ngành, địa phương khắc phục một số tồn tại như cơ sở hạ tầng, nhất là công trình phòng chống thiên tai còn hạn chế; nhiều khu vực dân cư nhà ở chưa bảo đảm an toàn; đê điều, hồ đập xuống cấp chưa được đầu tư kịp thời, hệ thống giao thông thường xuyên bị sạt lở, hư hỏng khi có mưa, lũ lớn. Bên cạnh đó, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội, chưa theo kịp với diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, bất thường do biến đổi khí hậu.
Thủ tướng cũng chỉ ra một số thách thức quan trọng trong phòng chống thiên tai, kiếm cứu nạn trong thời gian tới. Theo đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện 09 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp; Rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống với thiên tai cho người dân và cộng đồng; Nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; Nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng dê điều, hồ đập, công trình kết cấu hạ tầng khác; Nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo của hệ thống cơ quan chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương; Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; Ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, đồng thời có các chính sách huy động phù hợp các nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế về phòng chống thiên tai.
Tại Tây Ninh, công tác PCTT và TKCN trên địa bàn tỉnh được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhằm chủ động phòng tránh, ứng phó với diễn biến bất thường của thiên tai, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước trong mùa mưa lũ năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân – Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh thường xuyên kiểm tra các hồ, đập chứa nước trên địa bàn tỉnh, đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng Phước Hòa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh, các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh rà soát, kiểm tra, khắc phục ngay nếu có những hạng mục có nguy cơ gây mất an toàn công trình trong mùa mưa lũ, tăng cường quản lý bảo đảm an toàn hồ đập chứa nước bảo đảm an toàn công trình thuỷ lợi trong mùa mưa lũ năm 2019.
Trọng Hữu