Tây Ninh chủ động trong thực hiện công tác phòng, chống thiên tai

Thứ sáu - 19/08/2022 23:00 425 0
Sáng ngày 19/8, Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo của do đồng chí Phạm Văn Sinh - Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh.


Các đại biểu khảo sát Cổng số 2 hồ Dầu Tiếng

 

Các đại biểu khảo sát Cổng số 1 hồ Dầu Tiếng


Các đại biểu khảo sát tại đập chính hồ Dầu Tiếng

Tiếp đoàn có đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu.

Theo Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, công tác phòng, chống thiên tai được triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời ngay từ đầu năm, công tác chuẩn bị phòng ngừa, ứng phó, tổ chức khắc phục hậu quả được kịp thời.

Trong 7 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 63 vụ thiên tai (mưa lớn, lốc), làm cho 1 người bị thương, 101 căn nhà, 10.330 ha cây trồng bị ảnh hưởng và một số thiệt hại khác. Tổng giá trị thiệt hại hơn 53,6 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ thiên tai giảm 20 vụ, giảm 8 người bị thương, không xảy ra trường hợp chết người. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng hơn 9.300 ha, thiệt hại tăng hơn 19,3 tỷ đồng.

Qua đó, tỉnh đã kịp thời chi hỗ trợ giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau thiên tai trên địa bàn với kinh phí 1 tỷ 430 triệu đồng.

Chuẩn bị ứng phó trước tình hình thiên tai, mưa bão, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, cấp xã, các sở ngành, đơn vị liên quan chủ động rà soát lực lượng, tổ chức hiệp đồng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng, chống thiên tai; thống kê nguồn lực và đánh giá năng lực dân sự trong hoạt động ứng phó thiên tai; chủ động kiểm tra công trình thủy lợi, hồ chứa nước; tổ chức kiểm tra thiệt hại, chỉ đạo khắc phục, hỗ trợ thiệt hại khi có thiên tai xảy ra; chuẩn bị phương án đảm bảo nguồn nhân lực chuyên môn, cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm và đảm bảo cung cấp điện liên tục 24/24 giờ để đáp ứng kịp thời nhu cầu trong trường hợp xảy ra thiên tai; bố trí 2 dự án tái định cư vùng thiên tai.


Quang cảnh buổi làm việc

Tỉnh đảm bảo yêu cầu chủ động về phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ. Về công tác thu Quỹ phòng chống thiên tai năm 2022, trong 7 tháng năm, đã thu được hơn 3,3 tỷ đồng. Kết quả triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống thiên tai cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chấm điểm, đánh giá tỉnh Tây Ninh hoàn thành tốt, đạt 91,81/100 điểm.

Liên quan công tác này trong ngành giáo dục, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngành giáo dục Tây Ninh quan tâm đưa kiến thức về phòng chống thiên tai lồng ghép vào chương trình giáo dục ở các cấp học; cập nhật, tích hợp, lồng ghép có chọn lọc những kiến thức về công tác phòng chống thiên tai, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu vào các môn học gắn với các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, phòng chống tai nạn thương tích; tổ chức các hoạt động ngoài giờ có liên quan đến công tác phòng chống thiên tai.

Ngoài ra, còn nâng cao nhận thức, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, kỹ năng cho cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, giảng viên, học sinh và sinh viên các cơ sở giáo dục và đào tạo về phòng chống thiên tai; 100% cơ sở giáo dục được xây dựng thiết kế phòng học nhà cấp 4 và kiên cố bảo đảm cho việc phòng, chống thiên tai.

Đại diện Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Miền Nam (trước đây là Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa) cũng thông tin thêm về công tác vận hành hồ Dầu Tiếng đảm bảo an toàn, thực hiện hiệu quả phòng chống thiên tai.

Tỉnh đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, bộ ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ cho Tây Ninh tập huấn, hội thảo chuyên đề về nâng cao năng lực cho Ban Chỉ huy, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; hỗ trợ tỉnh tiếp cận các mô hình công nghệ về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai phù hợp từng vùng; hướng dẫn quy trình xử lý vi các vi phạm của các doanh nghiệp về đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai; chỉ đạo các cơ quan liên quan yêu cầu các đơn vị khai thác thực hiện đúng theo nội dung giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi (hồ Dầu Tiếng) đã được Tổng cục Thuỷ lợi cấp.


Đồng chí Phạm Văn Sinh - Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí Phạm Văn Sinh - Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao công tác chủ động phòng, chống thiên tai của tỉnh Tây Ninh không để bị động, bất ngờ, đúng theo hướng phòng là chính và luôn chủ động trong công tác phòng chống; đồng thời, đồng chí chia sẻ với khó khăn, do các thành viên Ban chỉ huy đều kiêm nhiệm, phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ.

Đồng chí Phạm Văn Sinh đề nghị trong công tác phòng chống thiên tai, tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến an toàn hồ Dầu Tiếng, do ảnh hưởng rất lớn đến các tỉnh lân cận. Hiện nay, tỉnh cũng đã có sự chủ động chuẩn bị trong công tác quản lý, bảo vệ an toàn hồ đập, tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới; tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương kịp thời trao đổi thông tin, ứng phó khi có thiên tai xảy ra.

Đồng thời, cần tiếp tục duy trì việc lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các chương trình học trong chương trình giáo dục phổ thông với 20% chương trình thuộc giáo dục địa phương; đồng thời nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên trong phòng chống thiên tai để chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra; đầu tư kiên cố hóa trường học, lớp học, trước hết nhằm an toàn cho học sinh và sẽ trở thành nơi tránh trú khi mưa bão cũng là nhằm xây dựng nông thôn mới.

Các ý kiến của tỉnh, đoàn tiếp thu và tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai để có hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này trong thời gian tới.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến tiếp thu các ý kiến của Đoàn công tác, thống nhất quan điểm tập trung vào công tác phòng là chính, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Tỉnh sẽ có kịch bản cho từng tình huống, rà soát từng hạng mục công trình đảm bảo công tác phòng chống thiên tai.

Qua đó, tỉnh cũng kiến nghị Trung ương quan tâm đến Quy trình vận hành hồ Dầu Tiếng nhằm đảm bảo không lãng phí nguồn nước, vừa cung cấp nước trong mùa khô; đảm bảo thực hiện quy chế phối hợp đồng nhất quản lý nguồn nước hồ Dầu Tiếng giữa các tỉnh có diện tích hồ, vừa khai thác khoáng sản vừa bảo vệ chất lượng, an toàn nguồn nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị kiểm tra các phương án, kiểm tra cụ thể từng điểm xung yếu của hồ để có giải pháp phòng chống thiên tai hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ, hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu thiên tai xảy ra.

Nhã Khôi


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây