Đến dự có đồng chí Nguyễn Bá Cường - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng chí Phạm Viết Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, đồng chí Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thành phố cùng hơn 150 doanh nghiệp FDI trên địa bàn.
Năm 1993 đánh dấu là năm đầu tiên tỉnh Tây Ninh có 2 dự án đầu tiên đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký 3,85 triệu USD. Qua từng giai đoạn, số lượng nhà đầu tư nước ngoài tìm đến với Tây Ninh ngày càng nhiều. Từ 2 dự án ban đầu, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 291 dự án FDI với số vốn đăng ký 5.782,15 triệu USD của các nhà đầu tư đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vốn thực hiện lũy kế đạt khoảng 3.149,16 triệu USD, chiếm 54,46% tổng vốn đăng ký. Có những dự án đầu tư giai đoạn đầu đến nay vẫn còn hoạt động như Dự án Nhà máy sản xuất tinh bột khoai mì, đường glucoza (mạch nha), đường fructose, kẹo của Công ty Cổ phần khoai mì Tây Ninh, Dự án sản xuất tinh bột sắn cao cấp của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Vi, Dự án sản xuất dây thừng, dây cáp, dây đai của Công ty trách nhiệm hữu hạn công nghiệp PENRO.
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp là lĩnh vực có số lượng dự án đầu tư nhiều nhất với 271 dự án (chiếm tỷ lệ 96,17%), tiếp đến là các lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp, xây dựng. Các nhà đầu tư đến từ các nước Châu Á chiếm hơn 90%. Trong đó Trung Quốc là quốc gia có vốn đầu tư cao nhất vào Tây Ninh với 2,9 tỷ USD, chiếm 50,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, thứ hai là Hàn Quốc với 872,9 triệu USD. Trong khi đó, Đài Loan lại đứng thứ nhất về số dự án đầu tư với 72 dự án, thứ hai Hàn Quốc với 56 dự án.
Kim ngạch xuất khẩu của các dự án FDI ổn định, tăng dần theo từng năm và luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị xuất khẩu, nhập khẩu toàn tỉnh. Nếu năm 2002, kim ngạch xuất nhập khẩu FDI trên địa bàn là 88,55 triệu USD thì đến năm 2018, con số này lên đến 6.894,5 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh (dệt may, giày dép, xơ sợi dệt.)
Qua hoạt động năng động của khối doanh nghiệp FDI, khối này đã đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước. Cụ thể, năm 2000, khu vực FDI nộp ngân sách nhà nước 17,29 tỷ đồng đến năm 2018, khu vực FDI đóng góp cho ngân sách 727,95 tỷ đồng. Vốn phát triển hàng năm của khu vực này chiếm khoảng 21% - 31% tổng vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh. Các dự án đi vào hoạt động góp phần đáng kể trong giải quyết việc làm cho lực lượng lao động địa phương, từ hơn 4.000 lao động có việc làm năm 2000, lên đến trên 135.000 lao động năm 2018. Chất lượng lao động cũng ngày càng được nâng cao.
Đại diện của các doanh nghiệp cũng thông tin thêm về tình hình sản xuất kinh doanh, khẳng định sự thành công của doanh nghiệp luôn có sự đồng hành của chính quyền địa phương. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đề xuất tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh trong những năm tới.
Đồng chí Nguyễn Bá Cường, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Bá Cường, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Tây Ninh trong thu hút đầu tư FDI, luôn nằm trong nhóm các địa phương đạt khá về đầu tư nước ngoài, nhất là từ năm 2015 đến nay Tây Ninh là tỉnh trong top 10 các tỉnh, thành thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất tại Việt Nam.
Với những thuận lợi và khó khăn đã được phân tích tại hội nghị, đồng chí Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đề nghị Tây Ninh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là thu hút nhà đầu tư từ các nước phát triển, chủ động thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, có chính sách thu hút các tập đoàn lớn vào đầu tư ở địa phương; đồng thời, phát huy nội lực và lợi thế so sánh của tỉnh, các thành tựu khoa học công nghệ mới vào những lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Đồng chí hy vọng rằng trong thời gian tới, các tập đoàn lớn của nước ngoài sẽ tìm đến Tây Ninh đầu tư, biến vùng đất nơi đây trở thành một trong những điểm đến ấn tượng cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, 25 năm thu hút FDI là cả một chặng đường phát triển, đánh dấu sự đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế của đất nước, của tỉnh nhà. Từ một tỉnh thuần nông, còn gặp nhiều khó khăn sau giải phóng, xuất phát điểm kinh tế gần như không có gì đến nay đã vươn lên thành tỉnh có cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ trong GRDP hiện nay chiếm 75%. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2018 của tỉnh tăng 5 bậc so với năm 2017, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố. Đây là một con số ấn tượng thể hiện quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong cải cách hành chính và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi và cùng doanh nghiệp phát triển.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, năng động, minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cũng như tạo bước đột phá trong phong cách, thái độ phục vụ, tạo uy tín, niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, nhất là phấn đấu nâng cao hơn nữa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu vào tốp dẫn đầu trong năm tới; đồng thời, thường xuyên đối thoại kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để bảo đảm doanh nghiệp FDI thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi và phát triển sản xuất kinh doanh thuận lợi.
Với thông điệp "Tây Ninh luôn là bạn, là đối tác tốt, là điểm đến đầu tư hấp dẫn - thân thiện - an toàn - thịnh vượng và phát triển", lãnh đạo tỉnh Tây Ninh luôn tin tưởng và mong muốn các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Tây Ninh tiếp tục đổi mới công nghệ, đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh đồng hành cùng địa phương trong quá trình phát triển.
Đồng chí Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Dịp này, đồng chí Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (vốn đăng ký đầu tư 280 triệu USD), Dự án nhà máy số 2 sản xuất cỏ nhân tạo COCREATION GRASS CORPORATION Việt Nam (vốn đăng ký đầu tư 40 triệu USD) và Dự án nhà máy sản xuất vải SHENGHONG TEXTILE (Việt Nam) (vốn đầu tư 3 triệu USD).
XV