Tham dự phiên họp có đồng chí Nguyễn Thanh Phong - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, Tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan.
Quang cảnh phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 6/2023
Tại phiên họp, đồng chí Kiều Công Minh – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm. Đồng chí Trịnh Ngọc Phương – Giám đốc Sở Tài chính báo cáo tình hình thực hiện ngân sách 6 tháng đầu năm.
Đồng chí Kiều Công Minh – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm
Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong tỉnh ước thực hiện 26.898 tỷ đồng, tăng 4,07% so với cùng kỳ. Tỷ trọng nông - lâm - thủy sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ trong GRDP theo giá hiện hành ước đạt 17,7% - 45,3% - 32,1% so với kế hoạch năm 2023 là 18-19%; 46-47%; 29 - 30%).
Tỉnh đã tích cực triển khai các nhiệm vụ trong kế hoạch hành động về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến trình thời gian năm học; tuyển sinh vào lớp 6, tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2023-2024 và chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh cho người dân, tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế cơ bản đã được khắc phục. Một số bệnh truyền nhiễm có số ca mắc giảm so cùng kỳ. Thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công; Xây tặng 109 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức sôi nổi, hiệu quả, đi vào chiều sâu, gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương và xây dựng văn hóa, con người Tây Ninh, đồng thời giới thiệu và quảng bá hình ảnh tỉnh Tây Ninh đến với du khách trong nước và quốc tế.
Về tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023, Tây Ninh giải ngân 1.430,9 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 31% kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao (tăng 8,32% so với cùng kỳ - giải ngân đến 31/5/2022 là 1.321 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch TTCP giao, đạt 32% kế hoạch HĐND tỉnh giao). Ước giải ngân đến 30/6/2023 là 1.918,4 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 42% kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh tỉnh giao.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, kinh tế trong tỉnh tăng trưởng tích cực hơn trong quý II/2023 và đạt mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm là 4,07%. So với vùng Đông Nam Bộ, Tây Ninh đứng thứ 2 về tăng trưởng kinh tế trong vùng. Công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch được tích cực triển khai, mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Nguồn vốn thu hút đầu tư nước ngoài tăng khá so với cùng kỳ (tăng 126,5%). Lượng khách tham quan khu điểm du lịch đạt gần 3,5 triệu lượt với tổng doanh thu đạt gần 1.450 tỷ đồng. Các chính sách về an sinh xã hội chăm lo đời sống cho người dân được quan tâm nhất là các đối tượng gặp khó khăn, thiếu hoặc mất việc làm. Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, không để xảy ra điểm nóng trên khu vực biên giới. Công tác ngoại giao kinh tế đóng góp thiết thực vào thúc đẩy hợp tác.
Đồng chí Trịnh Ngọc Phương – Giám đốc Sở Tài chính báo cáo tình hình thực hiện ngân sách 6 tháng đầu năm
Ước thực hiện thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5.781,5 tỷ đồng, đạt 52,6% dự toán. Trong đó, thu nội địa 5.078,4 tỷ đồng, đạt 52,9% dự toán. Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 703,1 tỷ đồng, đạt 50,2% dự toán. Ước thực hiện chi ngân sách địa phương 5.786,2 tỷ đồng, đạt 51,8% dự toán.
Kết quả 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và tổng thu nội địa đạt trên 50% so dự toán, vượt tiến độ. Có 9/15 khoản thu đạt từ 50% trở lên so với dự toán, gồm: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 68,2%; Lệ phí trước bạ đạt 50,0%; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 60,6%; Thuế thu nhập cá nhân đạt 53,5%; Thu phí và lệ phí đạt 54,9%; Thu tiền sử dụng đất đạt 60,3%; Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 54,9%; Thu khác ngân sách đạt 58,0%; Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 63,0%. Nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau khi bị ảnh hưởng của dịch bệnh đã dần khôi phục hoạt động trở lại. Có 7/9 huyện, thị xã, thành phố có số thu đạt trên 50% dự toán, gồm: Hòa Thành đạt 51,6%; Châu Thành đạt 78,4%, Dương Minh Châu đạt 54,8%; Trảng Bàng đạt 52,0%; Gò Dầu đạt 72,1%; Bến Cầu đạt 59,5%; Tân Biên đạt 60,2%.
Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023, tuy nhiên còn một số chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch đề ra. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị từng ngành, từng địa phương xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, khẩn trương triển khai thực hiện giải pháp khắc phục.
Song song đó, các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, phục hồi kinh tế; nhất là lĩnh vực đất đai, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các công trình trọng điểm năm 2023. Tiếp tục đẩy mạnh thu ngân sách, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Thúc đẩy chuyển đổi số trên toàn tỉnh, tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả trung tâm giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội IOC. Hoàn thiện chất lượng dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính qua mạng nhằm tăng cường triển khai thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thực hiện đánh giá chất lượng điều hành, quản lý, thực hiện nhiệm vụ được phân công đối với cán bộ lãnh đạo, cán bộ tham mưu, phân công, bố trí chuyển đổi vị trí cho phù hợp; Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, nhũng nhiễu.
LN