Tài liệu "Hỏi – đáp về Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn" do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh biên soạn.
HỎI – ĐÁP VỀ CÔNG ƯỚC CHỐNG TRA TẤN VÀ CÁC HÌNH THỨC TRỪNG PHẠT HAY ĐỐI XỬ TÀN ÁC, VÔ NHÂN ĐẠO HOẶC HẠ THẤP NHÂN PHẨM VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ PHÒNG, CHỐNG TRA TẤN
1. Hỏi: Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm (sau đây gọi tắt là Công ước) được thông qua ngày tháng năm nào? Công ước có hiệu lực từ ngày tháng năm nào?
Đáp: Công ước được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987.
2. Hỏi: Việt Nam thông qua Công ước vào ngày tháng năm nào?
Đáp:
Ngày 07/11/2013, tại trụ sở Liên hợp quốc (Mỹ), Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ Lê Hoài Trung đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Công ước.
Ngày 28/11/2014, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 về việc phê chuẩn Công ước.
3. Hỏi: Công ước quy định những nội dung cơ bản gì?
Đáp: Nội dung cơ bản của Công ước bao gồm 03 phần:
- Phần I (từ Điều 1 đến Điều 16): Quy định các nghĩa vụ của quốc gia là thành viên Công ước cần áp dụng trong pháp luật quốc gia. Đây là những nội dung quan trọng nhất của Công ước.
- Phần II (từ Điều 17 đến Điều 24): Quy định thẩm quyền và các phương thức hoạt động của Ủy ban chống tra tấn, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi Công ước (thông qua việc xem xét báo cáo định kỳ của các quốc gia là thành viên, nhận khiếu nại của các nạn nhân bị tra tấn, điều tra tình hình thực tế…).
- Phần III (từ Điều 25 đến Điều 33): Quy định về các khía cạnh kỹ thuật về ký kết, phê chuẩn Công ước, thủ tục sửa đổi, việc bảo lưu Công ước.
4. Hỏi: Theo mục đích của Công ước, thuật ngữ "tra tấn" có nghĩa là gì?
Đáp: Điều 1 của Công ước quy định: Theo mục đích của Công ước, thuật ngữ "tra tấn" có nghĩa là bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện, hoặc để đe doạ hay ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi nỗi đau đớn và đau khổ đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức.
Khái niệm tra tấn không bao gồm những đau đớn hoặc đau khổ xuất phát từ, gắn liền với hoặc có liên quan đến các biện pháp trừng phạt hợp pháp.
5. Hỏi: Công ước quy định các quốc gia thành viên phải thực hiện nghĩa vụ gì để ngăn chặn, trừng trị mọi hành vi tra tấn và hỗ trợ nạn nhân?
Đáp: Điều 2, Điều 4 và Điều 9 của Công ước quy định các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp cụ thể về lập pháp, hành pháp, tư pháp hoặc các biện pháp hiệu quả khác nhằm ngăn chặn mọi hành vi tra tấn, thông qua các biện pháp phổ biến thông tin, đào tạo các lực lượng thực thi pháp luật, thường xuyên rà soát các quy định về thẩm vấn và giam giữ.
Các quốc gia tham gia Công ước có nghĩa vụ trừng trị những hành vi tra tấn bằng các hình phạt thích đáng, đồng thời có các biện pháp hỗ trợ nạn nhân.
Công ước cũng khuyến khích các quốc gia thành viên hỗ trợ lẫn nhau về thủ tục tố tụng hình sự đối với những hành vi phạm tội nói trên, kể cả việc cung cấp các bằng chứng cần thiết nếu có.
6. Hỏi: Hiến pháp năm 2013 quy định quyền bất khả xâm phạm như thế nào?
Đáp: Khoản 1 Điều 20 của Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
7. Hỏi: Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể như thế nào?
Đáp: Điều 10 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định:
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.
Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của Bộ luật này. Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người.
8. Hỏi: Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định việc bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của cá nhân như thế nào?
Đáp: Điều 11 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đều bị xử lý theo pháp luật. Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác.
9. Hỏi: Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với bị can thì bị xử lý như thế nào?
Đáp: Khoản 5 Điều 183 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với bị can thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
10. Hỏi: Việc khám xét người được quy định như thế nào?
Đáp: Khoản 2 Điều 194 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định việc khám xét người phải do người cùng giới thực hiện và có người khác cùng giới chứng kiến. Việc khám xét không được xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị khám xét.
11. Hỏi: Việc xem xét dấu vết trên thân thể được quy định như thế nào?
Đáp: Khoản 2 Điều 203 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định việc xem xét dấu vết trên thân thể phải do người cùng giới tiến hành và phải có người cùng giới chứng kiến. Trường hợp cần thiết thì có thể mời bác sĩ tham gia.
Nghiêm cấm xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xem xét dấu vết trên thân thể.
12. Hỏi: Nghiêm cấm việc thực nghiệm điều tra như thế nào?
Đáp: Khoản 1 Điều 204 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định nghiêm cấm việc thực nghiệm điều tra xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia thực nghiệm điều tra và người khác.
13. Hỏi: Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định hành vi nào bị nghiêm cấm liên quan đến tra tấn?
Đáp: Khoản 2 Điều 14 của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
14. Hỏi: Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trong trường hợp "tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam" thì bị xử phạt như thế nào?
Đáp: Điểm b Khoản 3 Điều 157 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trong trường hợp "tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam" thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
15. Hỏi: Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định phạm tội dùng nhục hình thì bị xử phạt như thế nào?
Đáp: Điều 373 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định phạm tội dùng nhục hình bị xử phạt như sau:
1. Người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm người bị nhục hình tự sát.
4. Phạm tội làm người bị nhục hình chết, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
16. Hỏi: Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định phạm tội bức cung trong trường hợp "dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung" thì bị xử phạt như thế nào?
Đáp: Điểm d Khoản 2 Điều 374 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định phạm tội bức cung trong trường hợp dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm