Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự có đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản những tháng đầu năm 2021, cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của các đợt dịch bệnh Covid-19, song với tinh thần không được phép chủ quan, kịp thời đánh giá, tổng kết những bài học kinh nghiệm để tiếp tục đưa ra các giải pháp hiệu quả trong bối cảnh mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo và phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh sản xuất, phương thức kinh doanh để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản, vừa đảm bảo phòng tránh dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Bộ đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành khác, các địa phương theo dõi, bám sát tình hình giá cả, lưu thông hàng hóa, kịp thời triển khai các biện pháp, kế hoạch để đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, cùng với những điều kiện thuận lợi về thời tiết, khí hậu, sản xuất nông lâm thủy sản đang dần hồi phục, thị trường tiêu thụ đối với nhiều mặt hàng vẫn được khơi thông, mở rộng với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với năm 2020 và tăng ở các nhóm ngành hàng chính, nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trước bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản xuất và kinh doanh của ngành Nông nghiệp còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là việc các gói tín dụng hiện nay tuy có lãi suất thấp nhưng chưa đảm bảo được mọi doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng, nhất là đối tượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã nông nghiệp để có khả năng phục hồi sản xuất nhanh và xuất khẩu ngay vào các thị trường khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và suy giảm.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh bị đứt đoạn, lợi nhuận các doanh nghiệp suy giảm trong thời kỳ dịch bệnh và thương mại gián đoạn, do đó, áp lực chi phí, phí, thuế với doanh nghiệp rất lớn. Đi cùng với đó, khi đơn hàng xuất khẩu giảm dần dẫn đến áp lực ngày càng cao đối với chi phí lưu kho, chi phí điện duy trì và vốn tồn ứ đọng hàng hóa.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam yêu cầu các địa phương, nhất là những tỉnh, thành có vùng nguyên liệu lớn, sắp vào vụ thu hoạch phải bám sát chỉ đạo sản xuất, xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể trong tiêu thụ, không để tình trạng ứ đọng hàng hóa cục bộ. Cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bố trí cán bộ trong hoạt động kiểm dịch động, thực vật, hỗ trợ giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp.
Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tiếp thu ý kiến của các địa phương để tham mưu các giải pháp, đặc biệt là việc mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường chính ngạch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thành lập Tổ công tác liên ngành để giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là ở các cửa khẩu biên giới.
ML