Thường trực Chính phủ họp trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch bệnh Covid-19: Thần tốc, kiên quyết dập dịch, tranh thủ từng giờ, từng phút truy vết nguồn bệnh

Thứ hai - 03/08/2020 07:00 141 0
Chiều ngày 02/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp. Cùng tham dự còn có các phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng.


Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tây Ninh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, có đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh và các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh.


Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương (Ảnh: chinhphu.vn)

Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận sự nỗ lực của các y bác sĩ trong cuộc chiến phòng chống dịch, đặc biệt là ở Đà Nẵng. Hà Nội với các chuyên gia đầu ngành đã đến hỗ trợ Đà Nẵng. Thủ tướng nhắc lại nhiều lần quyết tâm kiên quyết khoanh vùng dập dịch, chỉ thực hiện giãn cách xã hội ở vùng nào có dịch để thực hiện được mục tiêu kép. Thủ tướng cho rằng TP.HCM, Hà Nội đã dừng một số loại hình dịch vụ, còn lại vẫn giữ được sản xuất kinh doanh bình thường là hợp lý. Để tập trung công tác phòng chống dịch, Thủ tướng lưu ý không tụ tập quá đông người khi không cần thiết, đặc biệt là truy vết dịch bệnh; đồng thời biểu dương những tấm lòng chia sẻ, hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ đang căng mình chống dịch. Để thực hiện mục tiêu kép Vừa chống dịch vừa đảm bảo kinh tế, Thủ tướng đề nghị “mỗi gia đình trong phòng dịch như một pháo đài, mỗi người dân trong vùng dịch là một chiến sĩ trong pháo đài ấy”.

Đồng chí Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho biết, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới. Việt Nam ghi nhận 590 trường hợp mắc Covid-19 (trong đó có 323 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam), 5 trường hợp tử vong. Sau khi dịch bệnh quay lại tại Đà Nẵng từ ngày 24/7/2020, số trường hợp mắc gia tăng và lây nhiễm rất nhanh trong cộng đồng. Do dịch bệnh tại Đà Nẵng có khả năng xuất hiện từ đầu tháng 7 và đã qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm với 2 thời điểm có thể gây bùng phát dịch là từ 5-8/7/2020 và từ 16-20/7/2020. Tại Đà Nẵng, có khả năng có nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau và còn nhiều trường hợp mắc bệnh khác hiện đang ở ngoài cộng đồng đồng thời việc truy vết F0 đầu tiên là rất khó khăn. Các trường hợp đến Đà Nẵng từ tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước trong đó tập trung nhiều nhất từ Hà Nội và TP.HCM. Do vậy, nguy cơ xuất hiện các trường hợp mắc tại các địa phương khác là rất cao, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, có thể sẽ có thêm các trường hợp tử vong do có nhiều bệnh nhân đã có bệnh lý nền rất nặng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, công tác chuẩn bị kỳ thi THPT cơ bản đã hoàn tất, các địa phương cũng đã sẵn sàng cho kỳ thi. Công tác tổ chức kỳ thi phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về chuyên môn và sức khỏe của đội ngũ cán bộ coi thi, chấm thi và thí sinh. Bộ trưởng đề xuất chia kỳ thi làm 2 đợt, đợt 1 các tỉnh, thành phố an toàn, không có nguy cơ cao, vẫn tổ chức thi theo kế hoạch; đợt 2 là những tỉnh, thành (như Đà Nẵng, Quảng Nam), các tỉnh có dịch bệnh, vẫn đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh thi đợt 2 trong xét tuyển vào đại học.

Bàn về biện pháp phòng chống dịch trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cần tập trung cho Đà Nẵng, Quảng Nam; thực hiện thật nghiêm hướng dẫn của Thủ tướng, Bộ Y tế, quản lý phân luồng công tác khám chữa bệnh, quản lý nghiêm người cao tuổi, nhất là người có bệnh nền. Ngoài cộng đồng thì tăng cường công tác phòng chống dịch, tuyệt đối không chủ quan. Để phù hợp với tình hình mới, Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị mới về phòng chống dịch bệnh.

Về vấn đề thi THPT, theo Phó Thủ tướng cần phải đặt kỳ thi trong trường hợp tập trung đông người trên cả nước, thi và vẫn đảm bảo biện pháp phòng chống dịch với tinh thần tuyệt đối an toàn, rà soát tất cả mọi tình huống, đảm bảo thi là phải an toàn.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao báo cáo, quan điểm, định hướng, biện pháp của ngành y tế, lãnh đạo các địa phương, ngành với những giải pháp cụ thể. Đây sẽ là cơ sở để các cơ quan tiếp thu, hoàn thiện chỉ thị mới thay thế cho Chỉ thị 16, Chỉ thị 19 để phù hợp hoàn cảnh dịch trở lại lần hai ở Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, khi dịch trở lại, các ngành, địa phương đã có nhiều biện pháp chủ động, quyết liệt phòng chống, nhất là Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội, Đắc Lắc, khoanh vùng ca dương tính kịp thời. Thủ tướng biểu dương sự cố gắng của ngành y tế Đà Nẵng đã tích cực khoanh vùng với biện pháp mạnh mẽ, giãn cách xã hội kịp thời tại khu vực những ổ dịch.

Với dự báo dịch sẽ phức tạp lan rộng nếu không khoanh vùng quyết liệt cộng với việc chưa có vacxin, cần xác định trung tâm dịch tại Đà Nẵng (các bệnh viện) và Quảng Nam, dịch sẽ lan rộng nếu không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt, kịp thời một cách kiên quyết; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. Cả hệ thống chính trị cần tập trung lãnh đạo; khởi động hệ thống y tế để sẵn sàng phòng chống dịch một cách chủ động; quản lý chặt chẽ biên giới.

Thủ tướng nhấn mạnh cần phải “Thần tốc, kiên quyết dập dịch, tranh thủ từng giờ từng phút truy vết nguồn bệnh”, bằng nhiều biện pháp kêu gọi người dân khai báo y tế. Thủ tướng yêu cầu mọi người cần bình tĩnh, chủ động, kiên quyết ngăn chặn làn sóng thứ 2 của Covid-19 vào Việt Nam, với tinh thần là không để lây lan ra diện rộng, không để phát sinh ổ dịch mới, không hoang mang, dao động. Những địa phương không thực hiện giãn cách xã hội thì duy trì sản xuất kinh doanh không để đứt gãy nền kinh tế.

Thủ tướng nhắc lại, cần phải tập trung chống dịch với tinh thần: “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn, xóm là pháo đài bảo vệ sức khỏe cộng đồng”; cần giữ vệ sinh, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách; xử lý nghiêm minh hành vi tung tin đồn, tin giả về dịch bệnh, nhất là các địa phương không làm thái quá, không ngăn sông cấm chợ, không giãn cách khi chưa thực hiện hết các biện pháp; đảm bảo an toàn cho kỳ thi THPT, đảm bảo việc thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học đúng quy định; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân tiếp tục tin tưởng vào các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cùng nghiêm túc chấp hành, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.

XV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây