Quang cảnh buổi làm việc
Làm việc với Đoàn giám sát, về phía UBND tỉnh có đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan. Cùng tham gia còn có đồng chí Huỳnh Thanh Phương - Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Trần Thị Lan báo cáo tại buổi làm việc
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, qua việc đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các cấp, các ngành trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững. Người dân cơ bản đã nắm được các chính sách của Nhà nước về giảm nghèo, ý thức được trách nhiệm của bản thân trong công tác giảm nghèo, ý thức, nghị lực để vươn lên thoát nghèo.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2019, hiện toàn tỉnh còn 5.269 hộ nghèo chung, chiếm tỷ lệ 1,69% tổng số hộ gia đình. Tỷ lệ hộ nghèo chung (hộ nghèo và hộ cận nghèo chuẩn Trung ương) giảm 2,63% so với năm 2015.
Qua 4 năm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, kết quả có 6.252 hộ thoát nghèo, 129 hộ tái nghèo, 1.936 hộ nghèo phát sinh; 8.859 hộ thoát cận nghèo, 303 hộ tái cận nghèo, 5.428 hộ cận nghèo phát sinh. Toàn tỉnh đã giảm được 7.315 hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm 2,63%.
Sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo được các địa phương quan tâm thực hiện, góp phần cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho người nghèo; tạo cơ hội cho người nghèo, hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định thông qua thực hiện các dự án như hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ sinh kế, bảo hiểm y tế, giáo dục… Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, giai đoạn 2016-2020 là 6.915 hộ với 221,6 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo trên địa bàn tỉnh cao hơn 1,78 lần so với mức chuẩn nghèo cuối năm 2015.
Đồng chí Lê Quang Tuấn - Phó trưởng Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh thông báo kết quả qua khảo sát
Đồng chí Lê Quang Tuấn - Phó trưởng Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh cho biết, thời gian qua, Đoàn giám sát tổ chức 2 Đoàn công tác đến làm việc với UBND 9 huyện, thị xã, thành phố và UBND 9 xã, phường, đồng thời, khảo sát thực tế tại 36 hộ nghèo, hộ thoát nghèo. Qua khảo sát thực tế một số hộ nghèo cho thấy, công tác rà soát hộ nghèo hàng năm đã được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Đa số tại các địa phương, các hộ thoát nghèo tương đối bền vững, không có tình trạng hộ thoát nghèo nhưng đời sống còn quá khó khăn, hoặc địa phương vì chạy theo chỉ tiêu mà đưa các hộ còn nghèo ra khỏi danh sách hộ nghèo. Tỷ lệ bình quân hộ nghèo tại các huyện, thị xã, thành phố qua rà soát năm 2019 là 1,86%, giảm 2,48% so với năm 2016, trong đó, tỷ lệ cao nhất là Bến cầu (4,28%), thấp nhất là thành phố Tây Ninh (0,41%).
Việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình giảm nghèo cơ bản đạt kế hoạch, tiến độ đề ra, riêng chỉ tiêu giảm hộ nghèo, có 4 huyện đạt kế hoạch theo Nghị quyết HĐND đề ra, 5 huyện, thị xã, thành phố không đạt. Nhìn chung, đa số các hô nghèo đã nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách, góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo của các địa phương giảm hàng năm; chất lượng cuộc sống, thu nhập bình quân cho hộ nghèo ngày càng được nâng lên; các chính sách hỗ trợ sản xuất và vay vốn để sản xuất, hỗ trợ tiền điện, cấp thẻ BHYT, hỗ trợ miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo cơ bản đúng đối tượng. Hầu hết hộ gia đình thuộc đối tượng người có công đã thoát nghèo.
Qua khảo sát, Đoàn cũng nhận thấy hoạt động của Ban chỉ đạo giảm nghèo tại một số huyện, xã chưa hiệu quả, còn hình thức, chưa có phân công giám sát chặt chẽ việc thực hiện các dự án thuộc. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chưa nghiên cứu lựa chọn mô hình mới; mô hình hỗ trợ chưa phù hợp, việc lựa chọn đối tượng chưa phù hợp. Các địa phương triển khai một số chương trình, dự án còn chậm, đến những tháng cuối năm mới giải ngân gây sự chậm trễ…
Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho rằng công tác giảm nghèo của tỉnh có sự kế thừa liên tục nên đến nay đã đạt nhiều thành tựu, Tây Ninh thuộc top 5 tỉnh, thành có tỷ lệ giảm nghèo thấp nhất cả nước. Các chính sách trong thực hiện Chương trình giảm nghèo đã được triển khai thực hiện đầy đủ, huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân cùng tham gia thực hiện. Có thể khẳng định, đa số người dân đã hưởng ứng và hết sức nỗ lực, quyết tâm vượt qua cái nghèo. Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cũng cho rằng tuy đạt một số kết quả nhưng có mặt chưa bền vững; một số chương trình chính sách triển khai chậm, hiệu quả chưa cao, thiếu tính bền vững; một số mô hình hỗ trợ chưa rõ nét, chưa được nhân rộng kịp thời, còn rập khuôn, chưa đa dạng mô hình; việc định hướng, hướng dẫn người nghèo xây dựng mô hình thoát nghèo chưa kịp thời; huy động nguồn lực xã hội chưa thường xuyên. Với những góp ý của đoàn giám sát, lãnh đạo UBND tỉnh tiếp thu, sẽ có phân tích, đánh giá cụ thể hơn và sẽ chỉ đạo các ngành liên quan chấn chỉnh, để hướng đến giảm nghèo bền vững hơn trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thống nhất với những ý kiến của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và ghi nhận, UBND tỉnh đã ban hành đầy đủ các chương trình, kế hoạch phân bổ và quản lý các nguồn lực để thực hiện các chính sách dự án thuộc về Chương trình giảm nghèo và các chương trình có liên quan khác phục vụ cho công tác giảm nghèo tại địa phương; đánh giá chung là kết quả tiến độ đạt theo yêu cầu đề ra, nổi bật là tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương đạt rất thấp.
Để công tác giảm nghèo ở địa phương đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đề nghị UBND tỉnh tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG các cấp, nên có một bộ phận riêng điều hành các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình giảm nghèo để có đầu mối chỉ đạo tập trung hơn.
Đổi mới phương thức phân công nhiệm vụ theo thành viên Ban Chỉ đạo khi thực hiện các dự án giảm nghèo, tăng cường cơ chế phối hợp trong triển khai các chương trình dự án trong việc theo dõi, đánh giá, kịp thời điều chỉnh kế hoạch triển khai nhất là ở cấp tỉnh, cấp huyện cũng như nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn giúp đỡ các hộ nghèo tại cộng đồng vươn lên thoát nghèo,
Kiểm tra chấn chỉnh hoạt động của Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình giảm nghèo trong điều tra, rà soát, phân loại hộ nghèo; xây dựng quy chế cụ thể, phân công rõ trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện chương trình, làm cơ sở đánh giá và xác định trách nhiệm, từ đó nâng cao hiệu quả công tác triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo; Làm tốt hơn công tác phân loại, đánh giá từng hộ nghèo, xác định rõ điều kiện thực tế của từng đối tượng để có phương án hỗ trợ phù hợp và khả thi; nghiên cứu giao cho một đơn vị làm đầu mối để tập hợp nguồn lực thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế cho hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
XV