Các đại biểu góp nhiếu ý kiến đối với Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)

Thứ năm - 28/05/2020 16:00 79 0
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, sáng ngày 28/5, Quốc hội thực hiện các nội dung làm việc của ngày dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

QH_2805.jpg

Quang cảnh phiên họp. (ảnh quochoi.vn)

Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tiếp đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến trình bày Báo cáo thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Kỳ họp nghe Báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), sau đó tiến hành thảo luận trực tuyến một số nội dung còn ý kiến khác nhau về dự án Luật này.

Thảo luận tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An quan tâm cho ý kiến về lĩnh vực đầu tư. Cụ thể, đối với quy định nhà máy điện, đại biểu tán thành lựa chọn Phương án 1. Theo đó, chính sách thu hút đầu tư tư nhân thông qua phương thức PPP vào lĩnh vực năng lượng nói chung và nhà máy điện, lưới điện nói riêng là phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hơn nữa, thực tế hiện nay có nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo phương thức PPP.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, những quy định về lĩnh vực đầu tư dự án PPP mục tiêu chính là nhằm huy động những nguồn lực to lớn đang tiềm ẩn trong dân khi nguồn ngân sách nhà nước còn eo hẹp. Do đó, không nên hạn chế đầu tư trong lĩnh vực đầu tư PPP, nhất là lĩnh vực nhà máy điện. 

Đại biểu của tỉnh Ninh Bình lại quan tâm đến vấn đề kiểm toán giá trị công trình; hiệu lực, hiệu quả của dự án cần được công khai. Đại biểu cũng nhấn mạnh đến tính minh bạch, công khai trong thực hiện các dự án đầu tư có liên quan đến đầu tư công còn chưa được thực hiện tốt, dẫn đến việc nghi kỵ trong nhân dân.

Kết luận Phiên làm việc buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, sau thời gian thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, tập trung vào các vấn đề cần làm rõ, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung của báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đối với các nội dung còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu, cân nhắc kỹ và gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội. Đề nghị Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa các ý kiến thảo luận, hoàn thiện Dự án Luật trình các đại biểu Quốc hội xem xét thông qua.

QH_2805_1.jpg

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Trịnh Ngọc Phương trả lời phỏng vấn của cơ quan báo chí

Về ý kiến còn khác nhau đối với dự án Luật này, trả lời phỏng vấn của cơ quan báo chí tỉnh nhà, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Trịnh Ngọc Phương cũng đồng tình chọn phương án 1 như giải trình của ban soạn thảo. Bởi theo Đại biểu Phương, trước giờ nhà đầu tư đã đầu tư nhiều, đảm bảo nguồn vốn, hành trình đi đầu tư đã quen, không nên tạo nên sự xáo trộn. Với tỉnh Tây Ninh có tiềm năng lớn về điện mặt trời, đã có nhiều nhà đầu tư đến đầu tư, có như thế mới kết hợp lưới điện được; ngược lại, nếu chỉ đầu tư lưới điện thì sẽ không ổn.

Trả lời câu hỏi "Khi thực hiện đầu tư theo hình thức PPP về năng lượng, ai sẽ là người hưởng lợi?" đại biểu Trịnh Ngọc Phương cho rằng, khi nhà nước không đầu tư về hạ tầng hết được thì doanh nghiệp có khả năng sẽ đầu tư thực hiện, do đó điều có lợi đầu tiên là về nguồn vốn - nguồn vốn chính là đòn bẩy, thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội. Riêng ở Tây Ninh, với nguồn năng lượng mặt trời rất lớn, khi nhà đầu tư thực hiện các dự án năng lượng, giá thành điện họ bán cho nhà nước rẻ cộng với việc kết hợp với lưới điện cho công suất cao. Khi công suất đủ sẽ giảm tải cho nguồn điện thì hưởng lợi nhất chính là người dân (do giá điện thấp).

Chính Thuần


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây