Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc

Thứ tư - 13/06/2018 15:00 239 0

Vừa qua, Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức Hội nghị Sơ kết 02 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (Khóa XII) về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018).

Tại Hội nghị này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân đã có bài phát biểu quan trọng ôn lại truyền thống thi đua yêu nước 70 năm qua.

Cổng Thông tin Điện tử tỉnh trân trọng đăng toàn văn phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh.

70 năm qua, phong trào thi đua yêu nước của Nhân dân ta đã trở thành cao trào cách mạng của quần chúng. Mỗi một thời kỳ cách mạng, đều gắn liền với những phong trào thi đua yêu nước, được Nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực, mang lại những hiệu quả to lớn, để lại những dấu ấn sâu đậm, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước. Ngoài chiến trường, các chiến sĩ thi đua giết giặc lập công; ở hậu phương, Nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi, diệt giặc đói, diệt giặc dốt… Khẩu hiệu "Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ, hậu phương thi đua với tiền phương" và "Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua"…

Với khí thế của các phong trào thi đua yêu nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã thực hiện tốt Chỉ thị của Trung ương Đảng, kháng chiến chống Pháp thắng lợi với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quân và dân miền Bắc: đẩy mạnh phong trào thi đua "Mỗi người làm việc bằng hai" Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, cả nước dấy lên phong trào thi đua: "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", "Tay búa, tay súng", phong trào "Ba sẵn sàng", "5 xung phong" trong thanh niên, "Ba đảm đang" trong phụ nữ…

Cùng với các phong trào thi đua xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ở miền Nam các phong trào thi đua "Bám đất giữ làng" "Một tấc không đi, một ly không rời", phong trào "Giết giặc lập công" cũng đã phát triển rộng khắp. Kết quả của sự nỗ lực thực hiện phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các Mặt trận, cả nước hoàn thành xuất sắc quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược với đại thắng mùa xuân 1975 - giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, các phong trào thi đua của Tây Ninh cùng cả nước hướng vào các nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội. Tiêu biểu là các phong trào: "Tất cả vì Chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân"; "Tất cả vì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa". Nổi bật ở Tây Ninh là sự hồ hởi ra quân của hàng vạn chiến sĩ, cán bộ và Nhân dân với khẩu hiệu "Ta đi xây dựng công trường, công trường xây dựng ta" xây dựng thành công công trình thủy lợi Hồ Dầu Tiếng - công trình thủy lợi lớn nhất Đông Nam Á, với tổng diện tích mặt hồ 27.000 héc ta, có sức chứa 1,5 tỷ m³ nước phục vụ sinh hoạt tiêu dùng, thâm canh, tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển.

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước (1986), từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, khẩu hiệu thi đua của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là "Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Nhiều phong trào được phát động và thực hiện có hiệu quả như: "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế", "Xóa đói, giảm nghèo", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Tuổi trẻ sáng tạo", "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Vì an ninh của Tổ quốc", "Thi đua quyết thắng"… và hiện nay, cùng với cả nước Tây Ninh đang thực hiện các phong trào thi đua "Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và Phát triển"; "Tây Ninh chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau";"Đoàn kết, sáng tạo"... bước đầu đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức và sự hưởng ứng tích cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân như: thi đua xây dựng đường giao thông nông thôn, liên ấp, liên xã; thi đua nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ để hội nhập quốc tế,…được các doanh nghiệp và đông đảo quần chúng Nhân dân đồng tình, hưởng ứng tích cực, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân đã đóng góp tiền, hiến đất và ngày công lao động tập trung ở các công trình văn hóa, giáo dục, giao thông nông thôn, điển hình như: gia đình ông Đặng Hữu Nghĩa ở huyện Hòa Thành đóng góp 8 tỷ đồng để xây dựng trường học; ông Lê Tài Hòa ở thành phố Tây Ninh đã tự nguyện hiến gần 24.000m2 trị giá đất khoảng 4,5 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm Trợ giúp xã hội; Ni Trưởng Thích nữ Diệu Nghĩa - Viện Chủ hệ thống các chùa Núi Bà hỗ trợ hơn 53 tỉ đồng để chính quyền các cấp thực hiện công tác an sinh xã hội; ông Vũ Văn Thiều ở huyện Tân Châu đóng góp gần 7,5 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng hạ tầng thiết yếu và an sinh xã hội trên địa bàn huyện; DNTN Hùng Diệp đóng góp trên 7,4 tỷ đồng, công ty TNHH Hùng Duy đóng góp trên 6 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội.

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 03/6/1998 của Bộ Chính trị "Về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới" năm 2000 Tây Ninh đã long trọng tổ chức Đại hội thi đua yêu nước thời kỳ đổi mới lần thứ I, năm 2005; 2010 và năm 2015 trong không khí phấn khởi chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, lần thứ IX và lần thứ X, Tây Ninh tiếp tục tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước lần thứ II, thứ III và lần thứ IV theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/5/2014 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đổi mới công tác Thi đua - Khen thưởng".

Qua các kỳ Đại hội thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình mới, nhiều điển hình tiên tiến, nhiều tổ chức, cá nhân xuất sắc được các cấp, các ngành tuyên dương khen thưởng. Những thành tích về công tác thi đua, khen thưởng đã góp phần vào việc phát huy truyền thống, cổ vũ và khơi dậy sức mạnh to lớn của toàn Đảng bộ, toàn quân và dân ta; tạo tiền đề cho bước phát triển mới, thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh đề ra.

Nhiều tập thể, cá nhân thuộc tỉnh đã được Đảng, Nhà nước khen thưởng qua các kỳ Đại hội, cụ thể: 593 Huân chương các loại, 573 Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, 52 Cờ thi đua Chính phủ, 23 Chiến sĩ thi đua toàn quốc... vì đã có nhiều thành tích trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lao động sản xuất, nghiên cứu khoa học, bảo vệ an ninh Tổ quốc, UBND tỉnh đã tặng 49.530 Bằng khen và công nhận 16.123 danh hiệu thi đua cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Trong phong trào thi đua Cụm các tỉnh miền Đông Nam bộ, nhiều năm liền Tây Ninh được xếp thứ hạng cao trong cụm và được Thủ tướng chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc - đây là kết quả phấn đấu tích cực của của thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.

Kính thưa các đồng chí!

Qua 70 năm thực hiện phong trào thi đua yêu nước, chúng ta cần tiếp tục khẳng định rằng thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới. Vì vậy, thi đua phải được tạo dựng từ phong trào của quần chúng và được quần chúng tích cực hưởng ứng, tham gia. Tổ chức phong trào thi đua yêu nước phải thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức.

Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch". Khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục.

Mục tiêu của phong trào thi đua và công tác khen thưởng phải nhằm động viên được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, phải thực sự trở thành động lực to lớn, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020.

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, chúng ta cần tập trung:

+ Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp đối với công tác thi đua, khen thưởng; tiếp tục quán triệt, tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay.

+ Phong trào thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị để làm nội dung thi đua, tập trung vào mục tiêu phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong chương trình, kế hoạch đề ra.

+ Gắn kết các phong trào thi đua yêu nước với việc Đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó cần đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước: 

+ Mỗi phong trào thi đua phải xác định được mục tiêu, nội dung cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm, tình hình của từng cơ quan, đơn vị. Phong trào thi đua cần tập trung về cơ sở và được tổ chức, phát động với những hình thức phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí thi đua cụ thể.

+ Phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề để hướng phong trào thi đua vào việc giải quyết những khó khăn vướng mắc, những mặc còn tồn tại, yếu kém, những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của từng sở, ngành, địa phương, đơn vị.

+ Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong đổi mới phương thức tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua hiện nay.

+ Bên cạnh việc đề nghị khen thưởng theo thủ tục hành chính các cấp như hiện nay cần chú trọng việc đề nghị khen thưởng thông qua phát hiện, lựa chọn các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng kịp thời, chính xác. Đề cao vai trò của đơn vị, cá nhân trong phát hiện, giới thiệu những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng. Quan tâm khen thưởng cho vùng nông thôn, biên giới, khen thưởng cho đối tượng là tập thể, công nhân, nông dân, đoàn viên, hội viên, người trực tiếp sản xuất, công tác, người lao động sáng tạo….

Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước gắn với việc Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh – đó là giải pháp quan trong nhằm thực hiện nội dung đổi mới về công tác thi đua khen thưởng trong bối cảnh hiện nay, qua đó nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, ý thức gương mẫu của cán bộ, đảng viên, xây dựng thói quen và ý thức chấp hành nghiêm túc pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Đổi mới hoạt động của các cơ quan truyền thông, định hướng dư luận, tôn vinh tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến; hạn chế, đẩy lùi các mặt tiêu cực trong xã hội. Định kỳ tổ chức các hình thức tôn vinh, gặp mặt các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới.

Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống tổ chức thi đua, khen thưởng các cấp; thông tin các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, làm cho hoạt động của toàn hệ thống tổ chức thi đua, khen thưởng các cấp năng động và hiệu quả hơn.

Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp. Đổi mới nội dung hoạt động và chú trọng việc kiểm tra, giám sát các hoạt động về thi đua, khen thưởng, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, chính xác trong việc xét khen thưởng.

Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng về chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng.

Kính thưa các đồng chí!

Nhân ngày truyền thống thi đua yêu nước hôm nay, tôi xin thay mặt Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Tây Ninh kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua lập thành tích hoàn thành xuất sắc mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, góp phần đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển, phồn vinh.

Xin cảm ơn!

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây