Trong mọi tình huống phải đặt an toàn của người dân lên hàng đầu

Thứ sáu - 15/05/2020 19:00 108 0
Chiều ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiến cứu nạn chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019, những tháng đầu năm 2020, triển khai những nhiệm vụ trọng tâm thời gian còn lại của năm 2020.

Các đồng chí lãnh đạo trung ương chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Tham dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các thành viên ban chỉ huy, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể tỉnh.


Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên cho biết: năm 2019, thiên tai trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoàn, bất thường với tổng số 600 đợt thiên tai quy mô cấp quốc gia và khu vực. Trong khi đó, ở trong nước, thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước; đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 222 trận dông, lốc sét; nhiều trận lũ quét, sạt lở đất, rét đậm, rét hại… Tuy nhiên, dù thiên tai năm 2019 có nhiều diễn biến phức tạp, song thiệt hại đã được giảm nhiều, đặc biệt là về người, cụ thể có 133 người chết và mất tích; 1.319 nhà bị đổ, trôi; 40.276 nhà bị hư hỏng và phải di dời; trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ngập; 24.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị gãy đổ. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường trên cả nước đã xảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại đồng bằng sông Cửu Long. Tính đến hết tháng 4/2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập, đổ, hư hại, tốc mái; trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.


Gió lốc gây thiệt hại trên địa bàn huyện Bến Cầu. (ảnh tư liệu)

Riêng với tỉnh Tây Ninh, trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 120 vụ thiên tai, tác động đến dân sinh, kinh tế - xã hội của tỉnh, gây thiệt hại 1 người chết, 14 người bị thương; 1.500 căn nhà bị ngập, sập và tốc mái; 2.359 ha cây trồng bị ảnh hưởng và một số thiệt hại khác. Tổng giá trị thiệt hại 32,39 tỷ đồng (so với năm 2018 tăng 7 vụ thiên tai và 12,32 tỷ đồng). Công tác dự báo, cảnh báo sớm so với diễn biến thiên tai thực tế tại địa phương kịp thời, chính xác, cụ thể và sâu rộng đến các cơ quan chức năng, người dân để chủ động ứng phó. Công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai được UBND, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn các cấp chỉ đạo kịp thời, tổ chức kiểm tra hiện trường, huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ khắc phục thiệt hại, với kinh phí đã hỗ trợ 26,25 tỷ đồng.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, sẽ xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía nam trong những tháng nửa cuối năm 2020. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm nay cũng đã tạo ra một lịch sử mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp.

Các tham luận của Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiến cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương, đại biểu quốc tế phân tích làm rõ thêm, minh chứng thêm sự diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, những khó khăn trong công tác phòng chống cũng như những kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị để chủ động hơn trong công tác này trong năm 2020.

Trong phát biểu kết luận, Thủ tướng dành thời gian điểm lại một số kết quả nổi bật trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát tốt, cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh.

Theo Thủ tướng, Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đối khí hậu. Thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, dị thường và trái quy luật. Bão mạnh, siêu bão, mưa đặc biệt lớn, ngập lụt diện rộng, lũ quét, lở đất, rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn, dông lốc, sét đánh xảy ra khắp vùng miền cả nước, suốt cả năm và ngày càng trầm trọng. Trung bình mỗi năm, thiên tai gây thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP. Do đó, Thủ tướng khẳng định: Công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, hết sức khó khăn, phức tạp và chưa bao giờ kết thúc trong lịch sử Việt Nam. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm công tác này, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho các công trình phòng, chống thiên tai; đưa ra nhiều biện pháp phòng, chống hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác quốc tế… Đặc biệt là nhờ sự vào cuộc của chính những người dân, công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua đạt kết quả tích cực hơn, nhất là các địa phương và người dân thực hiện rất tốt phương châm 4 tại chỗ. Năm qua, số người chết do thiên tai giảm mạnh; không ai bị đứt bữa, thiếu cơm lạt muối, màn trời chiếu đất do thiên tai.

Sau khi nêu những bất cập trong thực hiện công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua, Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương và người dân cần tổ chức nghiên cứu, quán triệt và có kế hoạch triển khai Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư (ban hành tháng 3/2020) một cách đồng bộ, hiệu quả, theo dõi chặt chẽ dự báo, không được để tình trạng chủ quan ở bất kỳ cấp nào, khâu nào. Trong mọi tình huống phải đặt an toàn của người dân lên hàng đầu. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các cơ quan phòng chống thiên tai; nâng cao chất lượng công tác dự báo; đầu tư nâng cao chất lượng các công trình thủy lợi, công trình phục vụ phòng, chống thiên tai. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế, kể cả công tác tìm kiếm cứu nạn.

Thủ tướng mong muốn các cấp, các ngành và nhân dân luôn nỗ lực, chủ động tiếp tục nêu cao tinh thần chống thiên tai, “chứ không phải mình thấy thiên tai là đầu hàng, không được đầu hàng với bất cứ tình hình nào, nhất là thời tiết biến đổi này. Chúng ta phải thích nghi và phát triển”.

XV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây