- 05/07/2019 03:00:00 PM
- Đã xem: 221
Nội dung chất vấn của ĐBQH Huỳnh Thanh Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV:
Phát triển ngành mía đường là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phù hợp với quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu lại ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa của nước ta hiện nay.
Niên vụ mía đường 2018-2019 là năm thứ ba liên tiếp chịu sự tác động tiêu cực của thời tiết, khí hậu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế; tình hình tiêu thụ đường rất chậm do tồn kho trong nước lớn, giá đường tuy được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp. Hiện nay, các doanh nghiệp mía đường đang gặp khó khăn, thách thức nhiều mặt; người trồng mía không còn mặn mà, thiết tha với cây mía mà quay sang đầu tư cho cây trồng khác có lãi hơn đã làm cho diện tích trồng mía giảm mạnh, nhiều nhà máy sản xuất mía đường đã phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu.
Trong khi đó, mặc dù các chính sách phát triển, hỗ trợ cho ngành mía đường của Nhà nước tuy có nhưng không kịp thời, còn rời rạc, chưa cụ thể, còn chung chung với các chính sách nông nghiệp khác, thiếu tập trung nguồn lực, nặng về xử lý tình huống, chưa tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để ngành mía đường vươn lên và làm cho người trồng mía an tâm đầu tư cho sản xuất cây mía.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết đâu là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những hạn chế nêu trên, giải pháp nào và bao giờ Chính phủ ban hành một cơ chế, chính sách phù hợp để tạo niềm tin và động lực cho ngành mía đường nước ta phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh và hội nhập với thị trường thế giới?