Cần nâng cao kỹ năng cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Thứ ba - 25/09/2012 00:00 60 0
Vừa qua, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, tiến hành kiểm tra hoạt động tại Hội đồng của cấp huyện và xã.

 Kết quả kiểm tra tại hầu hết các Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hai cấp cho thấy, hội đồng hai cấp đều có tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền cùng cấp ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương và tổ chức triển khai, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tủ sách pháp luật cho nhân dân

Hằng năm, UBND huyện đều tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ Hoà giải cơ sở và kỹ năng tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật và Hoà giải viên.

Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng còn tồn tại một số mặt hạn chế như: Chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật chưa cao, do kỹ năng tuyên truyền còn hạn chế nên chưa tạo sự hấp dẫn và thu hút người nghe, từ đó dẫn đến kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật không cao; các đơn vị kiểm tra chưa thực hiện chế độ bồi dưỡng cho tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở do ngân sách hạn hẹp, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc ít nghiên cứu, đầu tư của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; tài liệu tuyên truyền chủ yếu do Sở Tư pháp cung cấp, các huyện, xã chưa chủ động trong việc biên soạn, in ấn và cấp phát theo nhu cầu của từng địa bàn. Ngoài ra, đa số các địa phương cũng chưa thực hiện nghiêm túc chế độ bồi dưỡng theo quy định cho hoạt động hoà giải ở cơ sở (100.000 đồng/vụ hoà giải thành, 50.000 đồng/vụ hoà giải không thành), riêng Hoà thành chưa bố trí kinh phí bồi dưỡng cho công tác hoà giải ở cơ sở.

Các hội đồng tập trung tuyên truyền các Luật mới được Quốc hội thông qua và những văn bản Luật có liên quan đến đời sống, công việc của cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn.

Việc phổ biến, giáo dục pháp luật được tiến hành bằng nhiều hình thức như: thông qua hội nghị, cuộc họp, tập huấn trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đài truyền thanh cơ sở, thông qua sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, các phiên toà lưu động, trong trường học, trợ giúp pháp lý, qua hoạt động hoà giải ở cơ sở… Tuy nhiên, hình thức tuyên truyền vẫn còn đơn điệu, chưa phong phú, đa dạng, chủ yếu tập trung tuyên truyền miệng.

Nhìn chung, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được sự quan tâm của các cấp nên phần nào đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ đặt ra. Để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ngay từ đầu năm, các huyện, xã, phường, thị trấn đã chủ động xây dựng, ban hành các văn bản để triển khai như: Quyết định củng cố Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Quyết định ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, các văn bản chỉ đạo về củng cố, kiện toàn Tổ hoà giải ở cơ sở.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội đồng hai cấp vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Sự phối kết hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với các ban, ngành, đoàn thể ở cấp huyện và cấp xã trong thời gian qua chưa thực sự thường xuyên, chưa có sự gắn kết chặt chẽ; Nội dung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật tuy có được sự quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao, trình độ kiến thức pháp luật và kỹ năng, kinh nghiệm còn hạn chế. Việc trang bị cơ sở vật chất chưa được các địa phương quan tâm, đầu tư trang bị như: máy vi tính, máy chiếu, sách pháp luật nên ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây