Công an tỉnh Tây Ninh: Tự hào truyền thống anh hùng

Thứ hai - 17/08/2015 16:00 186 0
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân và kỷ niệm 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Ban biên tập Cổng Thông tin điện tử giới thiệu sơ lược về truyền thống anh hùng của lực lượng Công an tỉnh Tây Ninh và những thành tích, chiến công của lực lượng Công an Tây Ninh trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

truyengthongca.jpg

Công an Tây Ninh biểu dương gương điển hình tiên tiến trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Tỉnh Tây Ninh thuộc miền Đông Nam Bộ, có đường biên giới 240 Km giáp với 3 tỉnh Prây Veng, Svay Riêng và Tbong Khnum của Vương quốc Campuchia. Giáp với các tỉnh Long An, Bình Phước, Bình Dương và là cửa ngõ của Sài Gòn. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tỉnh Tây Ninh được Xứ ủy, Sở Công an phân liên khu miền Đông chọn để xây dựng căn cứ và trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Tây Ninh tiếp tục được Trung ương chọn xây dựng căn cứ Trung ương Cục miền Nam để chỉ đạo cuộc kháng chiến toàn miền Nam.

Tiếp bước cha anh, ghi dấu lịch sử

Sau khi Cách mạng tháng tám thành công. Tháng 9/1945, Công an Tây Ninh được thành lập với tên gọi Quốc gia tự vệ Cuộc. Để tự lực sản xuất vũ khí chiến đấu, năm 1946, Công an tỉnh thành lập Ban Rờ-sạt, lấy vỏ đạn cũ - chiến lợi phẩm thu được của địch, chế lại đạn và sản xuất các khẩu súng, giải quyết được nhu cầu trước mắt về vũ khí trong buổi đầu kháng chiến. Tháng 6/1951, tỉnh Tây Ninh sáp nhập tỉnh Gia Định thành Gia Định Ninh, Công an xưởng Tây Ninh được đưa về hợp nhất với Công an xưởng Gia Định, lấy tên Công an xưởng Nguyễn Văn Lượng.

Ngay từ đầu mới thành lập, bằng nhiều biện pháp sáng tạo, mưu trí dũng cảm, lực lượng Công an Tây Ninh đã tổ chức diệt tề, trừ gian, giải tán các đảng phái phản động, phối hợp cùng Quân đội phục kích đánh địch, đánh đồn, chống càn quét hàng trăm trận, diệt và bắt sống 530 tên địch, thu 131 súng các loại. Trong đó có những trận đánh vang dội như cuối năm 1947 đánh bót Thầy Phỉ (Cầy Xuyên, huyện Châu Thành), bót An Thạnh (huyện Bến Cầu), phục kích đánh đoàn Công - voa của Pháp ở Cầu Khởi (huyện Dương Minh Châu), đánh bót Oconel (Thanh Điền, huyện Châu Thành). Tổ chức bắt, trừng trị tên quan tư ác ôn của Nhật và nhiều tên ác ôn làm tay sai, mật thám cho Pháp. Tổ chức giải thoát gần 100 cán bộ là tù chính trị bị Pháp bắt ở một số tỉnh đem về giam giữ ở Cẩm Giang (huyện Gò Dầu).

Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, phần lớn cán bộ, chiến sĩ Công an Tây Ninh được Đảng bố trí ở lại miền Nam làm công tác "địch tình", chiến đấu với địch trong hoàn cảnh mới đầy gian nan, thử thách. Trong thời kỳ đấu tranh chính trị 1954 -1960, để bảo toàn lực lượng, bảo vệ Đảng, bảo vệ lực lượng cách mạng, Công an các cấp đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tổ chức diệt ác, trừ gian, trừng trị 266 tên tề, tình báo, ác ôn các loại. Nổi bật là việc Ban địch tình Tây Ninh chủ trương diệt tên Tổng thống Ngô Đình Diệm tại lễ khai mạc hội chợ triển lãm kinh tế Tây Nguyên tại Buôn Ma Thuột ngày 22/02/1957, đồng chí Phạm Công Phú (Hà Minh Trí, Mười Thương) thực hiện nhiệm vụ này. Mặc dù cuộc ám sát không thành (tên Bộ trưởng Canh nông đã đỡ đạn chết thay cho Diệm), nhưng gây được tiếng vang lớn, làm ly gián trong nội bộ chính quyền Trung ương của địch.

Chiến lược "chiến tranh đặc biệt" (năm 1961-1965), Mỹ - ngụy triển khai chiến thuật "trực thăng vận", "thiết xa vận", đẩy mạnh bình định lấn chiếm, gom dân lập "ấp chiến lược" để kìm kẹp quần chúng, tìm diệt cơ sở cách mạng. Ở Tây Ninh, chúng tiến hành nhiều cuộc càn quét, đánh phá ác liệt vào các vùng căn cứ và vùng giải phóng như: An Phú, An Tịnh, Đôn Thuận, Gia Lộc, Phước Lưu, Bình Thạnh huyện Trảng Bàng; Phước Trạch, Thanh Phước, Hiệp Thạnh huyện Gò Dầu; Hảo Đước, Hòa Hội, Tà Păng huyện Châu Thành. Tháng 5/1961, Ban An ninh tỉnh Tây Ninh và Ban An  ninh các huyện nhanh chóng được thành lập. Nhiệm vụ của lực lượng An ninh là bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ nội bộ và cơ quan, đánh phá bình địch, diệt ác, phá kìm. Trong thời gian này, lực lượng An ninh các cấp đã dũng cảm, kiên cường bám trụ, tổ chức đánh địch ở các địa bàn trọng điểm, phát hiện, bóc gỡ hàng chục tổ chức tình báo, gián điệp đánh vào vùng giải phóng, vùng căn cứ của ta, làm rõ xử lý 17 vụ nội gián, bắt 33 tên. Luồn sâu đánh địch trong vùng tranh chấp và trong lòng địch, trừng trị và bắt sống gần 600 tên; Vận động quần chúng đấu tranh phá lỏng, phá rã nhiều ấp chiến lược, trong đó phá rã ấp chiến lược lớn như: Năm Ngọn và Phan (Dương Minh Châu), Bàu Chẻ Hai (Gò Dầu), Hai Châu (Trảng Bàng); An ninh Gò Dầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở lại bám trụ đầu tiên ở các địa bàn "vùng ruột Gò Dầu", cùng quân và dân Gò Dầu thực hiện thắng lợi "Quyết tử giữ Gò Dầu" (lần thứ nhất tháng 5/1964).

Trong giai đoạn "chiến tranh cục bộ" (1965-1968), Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam, chúng áp dụng chiến lược "tìm diệt và bình định", tăng cường hoạt động của cảnh sát ngụy, đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, gián điệp, đánh phá ác liệt vùng giải phóng, căn cứ. Mở các cuộc phản công mùa khô trên toàn tỉnh. Lần thứ nhất, chúng đánh phá bằng đại pháo một cách ác liệt và ném bom hủy diệt các vùng giải phóng và căn cứ như Đôn Thuận (Trảng Bàng), Tà Păng, Hảo Đước, Ninh Điền, Thanh Điều (Châu Thành). Đến cuộc càn mùa khô lần thứ hai, chúng tiến hành 3 cuộc hành quân then chốt nhằm tiêu diệt quân chủ lực và cơ quan đầu não của ta. Đó là cuộc hành quân Áttơnborơ đánh vào chiến khu Dương Minh Châu, cuộc hành quân Xeđaphôn đánh vào "tam giác sắt" (Trảng Bàng - Bến Súc - Củ Chi) và đỉnh cao là cuộc càn Juncion city đánh vào căn cứ Trung ương cục miền Nam ở Bắc Tây Ninh, là cuộc càn lớn nhất và dài nhất, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4-1967. Thời kỳ này, lực lượng An ninh tích cực đấu tranh chống gom tát dân của địch, phá thủ đoạn "tình báo đại chúng" của địch, đẩy mạnh hoạt động điệp báo trong địa bàn thị xã, đô thị. An ninh huyện Châu Thành cùng quân đội và các ngành triển khai các mặt công tác đánh địch trên "vành đai diệt Mỹ Trảng lớn". Lực lượng An ninh các cấp kiên cường bám địa bàn trọng điểm, chiến đấu bảo vệ an toàn cơ quan; đẩy mạnh hoạt động vùng địch tạm chiếm và trong lòng địch để diệt ác ôn, vùng giải phóng để bắt những tên tình báo, gián điệp; phục kích, đánh diệt trên 500 tên địch, trong đó có tên Trưởng ty Nội an tỉnh Hậu Nghĩa, 01 tên quận phó tỉnh Kiên Giang làm việc tại Trảng Bàng,… An ninh Châu Thành bắn rơi 1 máy bay trực thăng và 1 máy bay sâu róm ở Bàu 5 Thé. Đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa, trinh sát bảo vệ chính trị dũng cảm dùng súng K54 bắn rơi 1 máy bay trực thăng làm chết 2 tên Mỹ.

Trong trận càn Junction City, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, lực lượng An ninh Tây Ninh đã chuẩn bị mọi mặt trước khi địch càn, góp phần "chia lửa" với chiến trường chính bằng đánh xe, phá hoại giao thông, bắn pháo vào sân bay Trảng Lớn, tăng cường diệt ác, phục kích…từ đó gây mất ổn định trong lòng địch hỗ trợ cho bộ đội chủ lực tập trung tấn công vào Sư đoàn 9 Mỹ đang đóng chốt, bảo vệ cho cuộc hành quân. Cùng các lực lượng chống càn hơn 50 ngày đêm ròng rã, bảo vệ được cơ quan, bảo vệ tuyệt đối an toàn cán bộ lãnh đạo, bảo vệ tài liệu. Phối hợp Trinh sát Ban An ninh Trung ương Cục đánh chốt công binh Mỹ ở Sân Bia, diệt một Trung đội thu nhiều súng, góp phần đánh bại cuộc càn Juncion city của Mỹ, cuộc càn lớn nhất trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. 

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, An ninh Tây Ninh cùng các lực lượng vũ trang đã tiến công đồng loạt vào các căn cứ quân sự, kho tàng, hệ thống giao thông của địch từ cơ sở ấp, xã, quận lỵ đến trại giam, sân bay và cả tiểu khu Tây Ninh, các địa bàn trọng điểm, tiêu diệt và bắt sống 277 tên. Thất bại nặng nề, trên địa bàn Tây Ninh, Mỹ triển khai các kế hoạch "Tràn ngập lãnh thổ" năm 1973, "Kiện toàn an ninh lãnh thổ" năm 1974, tiếp đó triển khai các kế hoạch "bình định đặc biệt" và "bình định tái thiết"... Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, tháng 9/1969, Ban An ninh tỉnh thành lập Tiểu đoàn An ninh vũ trang với quân số 147 đồng chí, đây là lực lượng vũ trang công khai trực tiếp đánh địch, diệt tề. Chỉ trong 1 tháng sau khi thành lập, Tiểu đoàn đã có 137 lần phối hợp với lực lượng địa phương và quân chủ lực đột nhập các ấp chiến lược tiêu diệt trên 200 tên địch và được tặng thưởng 02 Huân chương Giải phóng hạng ba.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975, Ban An ninh tỉnh phối hợp lực lượng vũ trang cách mạng tấn công chiếm lĩnh Ty Cảnh sát quốc gia, các cơ quan, tổ chức tình báo, khám đường, Ty chiêu hồi của địch, đập tan bộ máy chiến tranh và kìm kẹp của Mỹ - ngụy, góp phần xứng đáng vào công cuộc giải phóng hoàn toàn tỉnh Tây Ninh.

Tự hào truyền thống anh hùng

Kết thúc 21 năm chống Mỹ, quân và dân Tây Ninh tiếp tục cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam suốt 4 năm liền. Lực lượng Công an vũ trang Tây Ninh phối hợp cùng quân đội đánh trả hơn 300 đợt tấn công, đánh phá của Khơme đỏ vào biên giới. Tiêu biểu là đồn Biên phòng Xa Mát, đồn Phước Tân được Đảng, Nhà nước xét tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Công an Tây Ninh đã có hơn 500 người con ưu tú mãi nằm xuống lòng đất mẹ. Đó là sự đóng góp to lớn, sự hi sinh vẻ vang của cán bộ, chiến sĩ Công an Tây Ninh. Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, cán bộ, chiến sĩ Công an Tây Ninh đã cùng nhau đóng góp để khắc đá, dựng bia lưu danh các anh hùng liệt sỹ của ngành tại khu di tích lịch sử Ban An ninh tỉnh, cùng chung tay xây dựng trên 60 căn nhà tình nghĩa trao tặng cho các gia đình thương binh liệt sỹ, hơn 100 căn nhà đại đoàn kết cho lực lượng Công an xã, tuần tra nhân dân và nhân dân có nhiều đóng góp trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", thăm tặng quà, hỗ trợ các gia đình chính sách nghèo.

Thời kỳ đổi mới đất nước, thực hiện chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước, Công an Tây Ninh làm tốt công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế với lực lượng Cảnh sát của các tỉnh Vương quốc Campuchia, thường xuyên tổ chức gặp gỡ, phối hợp giữa hai bên để giải quyết các vấn đề có liên quan đến an ninh trật tự biên giới và phân giới cắm mốc, góp phần xây dựng quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa 2 lực lượng, 2 dân tộc. 

Cho đến thời điểm hiện nay, thành tích của Công an Tây Ninh đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng 8 danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cho tập thể và 4 danh hiệu anh hùng cho cá nhân; 01 Huân chương Hồ Chí Minh, 24 Huân chương Quân công, 223 Huân chương chiến công, 05 Huân chương chiến công giải phóng, 03 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc các hạng, 37 Huân chương Độc lập, 313 Huân, Huy chương kháng chiến chống Mỹ các hạng, 03 cờ luân lưu Chính phủ và 25 cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công an, và nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành.

Tâm Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây