Gia đình cùng tham gia phòng ngừa mua bán người

Thứ năm - 14/08/2014 00:00 32 0
Đó là một nội dung được quy định tại Luật Phòng, chống mua bán người. Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29 tháng 3 năm 2011.

 

Đầu tiên, gia đình tham gia phòng ngừa mua bán người bằng cách cung cấp thông tin cho thành viên trong gia đình về thủ đoạn mua bán người và các biện pháp phòng, chống mua bán người. Gia đình là nơi gần gũi, gắn bó các thành viên với nhau nên việc quan tâm, chia sẻ các kiến thức về phòng, chống mua bán người sẽ giúp mỗi thành viên biết và tránh được việc bị mua bán khi tiếp xúc ngoài xã hội.

Hiện nay, mua bán người diễn ra với nhiều cách thức mà ngay cả gia đình và nạn nhân đều không nhận ra. Với thủ đoạn tinh vi, những kẻ buôn người có thể mua phụ nữ dưới hình thức môi giới hôn nhân, du lịch…và bán tại nước ngoài để kiếm lời.

Theo Công an tỉnh Tây Ninh, từ đầu năm 2014 đến nay, tỉnh đã khám phá 5 vụ môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái pháp luật, bắt 34 đối tượng, giải cứu và tiếp nhận 21 nạn nhân bị bán để làm vợ (chủ yếu là bán sang Trung Quốc). Cụ thể, ngày 04-6, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM), Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp Bộ Công an bắt quả tang Ka Thùy Linh, Dai Chang Sheng và Yang Yue Kun đang làm thủ tục cho 3 phụ nữ xuất cảnh sang Trung Quốc.

Tại cơ quan công an, các đối tượng này khai nhận từ năm 2013, Trần Đình Nhân, Phạm Thị Ngọc Tuyết (ngụ TP HCM) móc nối với các đối tượng ở Trung Quốc để đưa đàn ông nước này sang Việt Nam tìm mua phụ nữ về bán cho những người đàn ông làm vợ với giá từ 150 - 250 triệu đồng/người, tùy theo ngoại hình và độ tuổi.

Khi đến Việt Nam, Linh, Sheng và Kun giao những người đàn ông Trung Quốc cho Nhân và Tuyết dẫn xem mắt các cô gái. Nếu tuyển được một cô gái thì Nhân và Tuyết sẽ được trả 110 triệu đồng. Sau đó, Tuyết và Nhân phân công Dương Văn Chánh, Dương Quốc Nghĩa, Nguyễn Thị Lan và Trương Thị Minh Hiền đi Tây Ninh làm đầu mối tuyển phụ nữ rồi giao lại cho chúng tổ chức cho người Trung Quốc chọn mua làm vợ và đưa sang nước này dưới hình thức du lịch.

Các cô gái không hề biết mình bị bán mà chỉ nghe nói sang Trung Quốc để chọn chồng trẻ, giàu. Khi đến Trung Quốc, các cô gái bị lấy hết giấy tờ tùy thân và bán cho đàn ông vùng sâu, vùng xa. Từ năm 2013 đến khi bị bắt, các đối tượng trên đã bán được 7 phụ nữ sang Trung Quốc.

Từ những việc trên cho thấy, việc cung cấp thông tin về thủ đoạn mua bán người và các biện pháp phòng, chống mua bán người là việc làm đầu tiên, quan trọng để gia đình cùng tham gia phòng ngừa mua bán người.

Ngoài ra, gia đình cũng phối hợp với nhà trường, cơ quan, tổ chức và các đoàn thể xã hội trong phòng, chống mua bán người. Điều này đặc biệt quan trọng khi gia đình có thành viên là các em học sinh, sinh viên. Do tính “nhẹ dạ cả tin” hay bị ảnh hưởng của lối sống thích hưởng thụ, lười học tập nhiều em gái đã giao lưu với người xấu trên mạng và vô tình biến mình thành nạn nhân của các vụ mua bán người. Tương lai mù mịt khi các em nhận ra được bản chất vấn đề mà bấy lâu nay mình từng ảo tưởng. Có những em gái tự trốn thoát hoặc được giải cứu. Nhưng cũng có trường hợp gia đình không thể biết tin tức gì về người thân của mình nơi phương xa.

Bên cạnh đó, gia đình còn tham gia phòng ngừa mua bán người qua việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là thành viên của gia đình để họ hòa nhập cuộc sống gia đình và cộng đồng.

Các nạn nhân bị mua bán thường mặc cảm, sợ hãi,…nên bằng tình yêu thương, gia đình chăm sóc giúp đỡ để họ vượt qua được quá khứ đau đớn và có đủ niềm tin để tiếp tục sống, làm việc hòa nhập cùng gia đình và xã hội.

Để đẩy lùi nạn mua bán người, gia đình còn động viên nạn nhân là thành viên của gia đình hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống mua bán người.

Trải qua những tháng ngày tăm tối, tủi nhục đã có những nạn nhân tự ty, mất niềm tin đối với các cơ quan chức năng, thậm chí có thái độ hằn học, giận dữ, bất hợp tác với những người đang giúp đỡ, bảo vệ mình nên việc gia đình động viên nạn nhân là thành viên của gia đình hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống mua bán người là việc làm cần thiết.

Gia đình luôn là điểm tựa cho nạn nhân, luôn là nơi yên bình giúp nạn nhân tĩnh tâm hồi tưởng lại những gì đã xảy ra. Vì hơn ai hết, các nạn nhân là người trực tiếp bị mua bán, họ sẽ cung cấp những bằng chứng trung thực, khách quan để các cơ quan chức năng nghiên cứu, điều tra và phá án.

Công tác phòng, chống mua bán người đầy phức tạp, khó khăn, diễn ra ở nhiều địa phương. Vì vậy, việc các nạn nhân hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền là có ý nghĩa quan trọng, góp phần hạn chế tình trạng mua bán người tại Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung.

Hoàng Mai

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây