Hiệu quả từ việc thay thế cây có chất ma túy ở Thái Lan

Thứ sáu - 18/10/2013 00:00 50 0
Xóa bỏ và phát triển thay thế các loại cây có chất ma túy từ lâu đã được các nước xác định là một trong những nhiệm vụ then chốt nhằm chặn đứng nguồn cung cấp bất hợp pháp các chất ma túy có nguồn gốc tự nhiên. Từ hàng chục năm nay, việc xóa bỏ và phát triển thay thế cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa đã trở thành mối quan tâm hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế – xã hội của nhiều nước.

 

Người dân Thái Lan chuyển đổi từ trồng cây có chứa chất ma túy sang trồng dâu Tây.

Các chương trình xóa cây có chất ma túy được triển khai ở nhiều nước, đặc biệt là tại ba khu vực hiện đang là điểm nóng của thế giới về ma túy, đó là khu vực “Tam giác Vàng”, “Trăng lưỡi liềm Vàng” và khu vực “Nam Mỹ”. Với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân, thời gian qua đã có hàng chục tỷ đô la được tài trợ cho các hoạt động xóa cây có chất ma túy. Tuy nhiên nhiều dự án thay cây không mang tính bền vững, ngay sau khi dự án kết thúc người dân địa phương lại quay trở lại với cây có chất ma túy như một nguồn thu không thể thiếu được. Do vậy diện tích trồng cây có chất ma túy ở nhiều khu vực giảm chưa đáng kể.

Trong muôn vàn khó khăn và khi mà nhiều dự án thay cây có chất ma túy ít thành công thì Thái Lan nổi lên như một điểm sáng của thế giới về công tác xóa bỏ và phát triển thay thế bền vững cây thuốc phiện. Dự án dùng cây Đào thay thế cây Anh túc do nhà vua Thái Lan khởi xướng từ năm 1969 (tại Đồi Angkhang, của tỉnh Chiềng Mai) và dự án Đồi Tung khởi xướng từ năm 1988 là những mô hình thành công nhất đang được “xuất khẩu” sang các nước như Afghanixtan, Myanma, Indonesia,...

Trong hơn 40 năm qua, chính phủ Thái Lan với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đã đầu tư hơn 1 tỷ đô la để triển khai đồng bộ các giải pháp, ví như: phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, đưa các loại cây trồng có năng xuất cao được thị trường chấp nhận thay thế cây thuốc phiện... Sự thành công của các dự án có nhiều nguyên nhân song nguyên nhân cơ bản đó là sự cam kết mạnh mẽ của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, sự đầu tư lâu dài, liên tục trong suốt hơn 40 năm qua. Các chính sách luôn lấy mục tiêu phát triển con người làm trung tâm, tôn trọng quyền lợi hợp pháp của người dân, chú trọng đến đặc thù dân tộc, văn hóa...

Để tạo được sự bền vững, chính phủ Thái Lan đã vận động các trường đại học, các viện nghiên cứu tham gia nghiên cứu trong thời gian dài nhằm đưa các loại giống cây trồng có hiệu quả như: cà phê, cao su, nhãn, mận Nhật Bản, đào Trung Quốc, các loại rau, củ, quả... vào địa bàn dự án. Tính phù hợp và tính hiệu quả của các mô hình phát triển thay thế luôn được đánh giá, rút kinh nghiệm nên dự án ngày càng hoàn thiện. Nhờ sự hỗ trợ của các viện nghiên cứu mà các dự án thay cây của Thái Lan đã tìm được các loại cây hợp với thổ nhưỡng, có sự phát triển tốt trên vùng đất trước đây trồng cây thuốc phiện.

Các sản phẩm được tiếp thị rộng rãi trên thị trường thế giới nên các sản phẩm nông nghiệp từ các dự án đã đem lại nguồn thu rất lớn cho người dân địa phương. Thu nhập của người dân từ các sản phẩm nông nghiệp đã cao gấp 8 lần so với thu nhập từ cây thuốc phiện trước đây. Vì có thu nhập cao nên các dự án thay cây đã thu hút con em của họ trở về sinh sống và làm việc cho dự án sau khi tốt nghiệp đại học ở các thành phố lớn. Giai đoạn đầu, để giải quyết tình trạng người nghiện tại địa bàn trồng cây thuốc phiện, chính quyền địa phương đã tổ chức chương trình cai nghiện 1000 ngày cho người nghiện ma túy ở địa phương.

Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp kể trên mà Thái Lan từ một nước trước đây có hàng ngàn héc ta cây thuốc phiện đến cuối năm 2011 chỉ còn phát hiện 130 héc ta. Từ hàng chục năm nay, trên địa bàn triển khai dự án Đồi Tung và Đồi Angkhang không còn phát hiện cây thuốc phiện. Người nghiện thuốc phiện, heroin đã cơ bản giảm. Hiện tượng người địa phương tham gia các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy từ Myanmar hầu như không còn nữa. Các ngành nghề như chế biến cà phê, làm giấy dó, thổ cẩm, đồ gốm, trồng hoa phong lan… đã tự hạch toán mà không cần sự trợ giúp của chính phủ.

Nhiều người dân địa phương trước đây từng tham gia trồng cây thuốc phiện, buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, buôn lậu vũ khí qua biên giới Myanma – Thái Lan đồng thời là người nghiện ma túy nay đang là thành viên tích cực của hai dự án xóa bỏ và phát triển thay thế cây thuốc phiện ở khu vực này. Hiện nay Thái Lan đang trong giai đoạn chuyển giao công nghệ từ người làm chương trình cho người dân địa phương tự điều hành và quảng bá mô hình này cho các nước khác.

Có thể thấy nguyên nhân cơ bản của tình trạng tái trồng cây có chất ma túy là do nghèo đói và bất bình đẳng trong thực thi pháp luật. Vì vậy các chương trình phát triển thay thế cây có chất ma túy phải được coi là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển chung của mỗi quốc gia. Sự trợ giúp phát triển ở khu vực có nhiều tiềm năng tái trồng cây có chất ma túy cần được triển khai thực hiện tuân thủ theo các mục tiêu chung về bảo vệ nhân quyền. Đánh giá tác động của các chương trình xóa bỏ và phát triển thay thế cây có chứa chất ma túy dựa trên các khía cạnh về số lượng, chất lượng của chương trình cần phải bao gồm các chỉ số về phát triển nhân lực và phản ánh các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Cần bố trí đủ nguồn tài chính cho các chương trình phát triển thay thế cây có chất ma túy. Phải có các định hướng tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm thay thế, giai đoạn đầu cần chú trọng đến nhu cầu tiêu thụ nội địa trước khi hướng tới thị trường quốc gia, quốc tế. Các chương trình phát triển thay thế cây có chất ma túy cần tính toán đến việc tăng quyền điều hành và khuyến khích sự tham gia từ phía cộng đồng dân cư. Quyền sử dụng đất và việc quản lý các nguồn tài nguyên có liên quan là những yếu tố then chốt cho việc thiết lập một cuộc sống bền vững.

Mặc dù các thành tựu mà chính phủ Thái Lan đạt được trong việc xóa bỏ cây thuốc phiện là rất đáng ca ngợi song vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết. Cụ thể là, vấn đề bảo vệ nhân quyền, xóa đói, giảm nghèo, hòa giải dân tộc trong quá trình thực hiện các chương trình phát triển thay thế cây có chất ma túy cũng cần được quan tâm. Theo đó, quyền, giá trị, phong tục, tập quán của người dân bản địa cần được quan tâm một cách thích đáng. Bởi lẽ khu vực tái trồng cây thuốc phiện là khu vực hẻo lánh, nhiều người di cư bất hợp pháp từ Trung Quốc, Myanma,... Vì vậy, các chương trình xóa bỏ và phát triển thay thế cây có chất ma túy cần quan tâm đến việc đảm bảo an ninh cho người dân địa phương mới đảm bảo tính bền vững.

                                                                     Thành Hưng (theo phongchongmatuy.com.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây