Ngành Toà án: Hạn chế đến mức thấp nhất án bị huỷ, sửa

Thứ năm - 11/07/2013 00:00 31 0
Tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh vừa khai mạc sáng 10.7, TAND tỉnh cũng đã có ý kiến trả lời chất vấn của cử tri xung quanh những kiến nghị về “chất lượng xét xử của ngành Toà án chưa cao, án huỷ, sửa còn nhiều”.

Một phiên xét xử của TAND tỉnh (ảnh minh hoạ)

TAND tỉnh cho biết, theo số liệu thống kê công tác thụ lý giải quyết án, năm 2012 toàn ngành đã thụ lý 11.041 vụ án các loại, giải quyết 10.736 vụ án – đạt tỷ lệ 97,24%. So với cùng kỳ tăng 1.094 vụ, giải quyết tăng 776 vụ, số án tồn 305 vụ (cấp tỉnh tồn 30 vụ, cấp huyện tồn 275 vụ). Trong đó, Toà án tỉnh thủ lý 1.137 vụ, giải quyết 1.107 vụ - đạt 97,36%; toà án cấp huyện thụ lý 9.904 vụ, giải quyết 9.629 vụ - đạt tỷ lệ 97,22%.

Năm 2012, số án bị huỷ của toàn ngành là 104,5 vụ (cấp tỉnh 17,5 vụ, cấp huyện 87 vụ) – tỷ lệ 0,97%. Trong đó, án bị huỷ do lỗi khách quan là 31,5 vụ (cấp tỉnh 10,5 vụ, cấp huyện 21 vụ); án bị huỷ do lỗi chủ quan là 73 vụ (cấp tỉnh 7 vụ, cấp huyện 66 vụ). Số án bị sửa do lỗi khách quan 120 vụ (hầu hết ở cấp huyện); án sửa do lỗi chủ quan 31 vụ (cấp tỉnh 4 vụ, cấp huyện 27 vụ).

Trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn ngành đã thụ lý 6.459 vụ, giải quyết 4.500 vụ - đạt 69,67%. So với cùng kỳ, giải quyết tăng 287 vụ, tồn 1.959 vụ (tỉnh 177 vụ, huyện 1.782 vụ). Trong đó, Toà án tỉnh thụ lý các loại án 609 vụ, giải quyết 432 vụ - đạt 70,94%; toà án cấp huyện, thị thụ lý các loại án 5.850 vụ, giải quyết 4.068 vụ - đạt 69,54%.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng số án bị huỷ 41 vụ, chiếm tỷ lệ 0,91% - giảm 8 vụ so cùng kỳ năm 2012; án bị sửa là 55 vụ, chiếm tỷ lệ 1,22% - giảm 15 vụ so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, Toà án tỉnh bị huỷ 07 vụ - chiếm tỷ lệ 1,62%, sửa 01 vụ - 0,23%; Toà án cấp huyện bị huỷ 34 vụ - chiếm tỷ lệ 0,83%, sửa 54 vụ - chiếm tỷ lệ 1,33%.

So sánh bảng thống kê cho thấy, tỷ lệ thụ lý và giải quyết của ngành Toà án Tây Ninh ngày càng tăng về số lượng; tỷ lệ án bị huỷ, sửa có giảm hơn. Nguyên nhân chủ yếu của việc án bị huỷ, sửa là do tình hình thụ lý tăng nhanh, phức tạp hơn (nhất là loại án tranh chấp dân sự). Lực lượng thẩm phán hiện nay còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của công việc (theo chỉ tiêu thì một thẩm phán chỉ giải quyết 48 vụ án/ năm, trong khi hiện nay một thẩm phán tại Tây Ninh phải giải quyết trên 100 vụ án/ năm). Áp lực công việc quá nhiều nên việc nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa sâu, việc tập trung nghiên cứu, cập nhật văn bản quy định của pháp luật chưa được kịp thời.

Một số thẩm phán mới được bổ nhiệm chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên khi giải quyết vụ án, việc đánh giá chứng cứ chưa chặt chẽ, chưa toàn diện, nặng về ý chí chủ quan của thẩm phán. Văn bản hướng dẫn và các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có những quy định còn chồng chéo, làm cho cách hiểu và nhận thức chưa được thống nhất nên khi vận dụng thẩm phán còn lúng túng.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây