Nguyên nhân của tội phạm mua bán người và giải pháp về phòng, chống mua bán người

Thứ ba - 16/09/2014 00:00 29 0
Hiện nay, bọn tội phạm mua bán người có rất nhiều thủ đoạn để thực hiện lừa đảo các nạn nhân và cũng có rất nhiều nguyên nhân để dẫn đến nhiều người trở thành nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người. Sau đây là một số nguyên nhân mà các nạn nhân thường gặp như:

 

 

Thứ nhất, do điều kiện kinh tế ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, sự phân hóa giàu nghèo, tình trạng thiếu việc làm vẫn còn xảy ra ở một số nơi, do vậy nhiều người có nhu cầu tìm việc làm để tăng thêm thu nhập cho gia đình và bản thân, nắm bắt được yêu cầu này, tội phạm mua bán người đã lừa nhiều người với những lời hứa tìm việc làm có thu nhập cao, thậm chí chúng còn ứng tiền trước để nạn nhân đưa tiền cho gia đình để lấy lòng tin. Bên cạnh đó, một bộ phận trẻ em thất học, thiếu việc làm dễ bị bọn tội phạm dụ dỗ, lừa gạt, sau đó bị lừa bán ra nước ngoài làm vợ bất hợp pháp, trở thành gái mại dâm tại các động mại dâm ở nước ngoài, trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán nội tạng, bị bóc lột sức lao động ở nước ngoài…

Thứ hai, do vẫn còn một số chị em phụ nữ bị bạo lực gia đình, có người bị bạo lực gia đình về kinh tế, có người về tinh thần, có người về thể chất....cá biệt có người bị cả bốn nhóm bạo lực gia đình như bạo lực về: tinh thần, thể chất, kinh tế, tình dục, do đó bản thân họ muốn thoát khỏi gia đình mình, mái ấm gia đình mình, bỏ đi khỏi nơi cư trú, dễ rơi vào cạm bẫy của tội phạm mua bán người.

Thứ ba, việc giáo dục trong phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội chưa được chú trọng đúng mức, một bộ phận thanh thiếu niên bị cuốn hút vào đời sống vật chất, xem thường đạo lý, bất chấp pháp luật. Công tác truyền truyền pháp luật nói chung và tuyên truyền về âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng mà chỉ mới dừng lại ở một số địa bàn trọng điểm và vào các đợt cao điểm, đôi lúc còn dàn trải, chưa lồng ghép với thực hiện chương trình kinh tế, xã hội ở địa phương, chưa chú ý phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống mua bán người.

Thứ tư, công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội còn bất cập, sơ hở nhất là trong quản lý người nước ngoài, quản lý hộ khẩu, quản lý an ninh biên giới, xuất nhập cảnh, hôn nhân và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài… Công tác điều tra cơ bản nắm tình hình đôi khi chưa kịp thời, do địa bàn biên giới rộng, bọn tội phạm có nhiều thủ đoạn tinh vi, hơn nữa gia đình các nạn nhân khi phát hiện ra vụ việc muộn, hoặc không muốn nhiều người biết chuyệt nên không trình báo cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan có thẩm quyền ở các huyện, thành phố biên giới phối hợp ngăn chặn, bắt giữ, giải cứu các nạn nhân kịp thời...

Thứ năm, việc hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người còn nhiều hạn chế, nhất là thiếu các hiệp định, thỏa thuận quốc tế trong phòng, chống tội phạm mua bán người, nên rất khó khăn trong phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ điều tra xác minh, truy bắt tội phạm, cũng như giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về.

Thứ sáu, hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành về phòng, chống mua bán người của nước ta tuy đã được ban hành xong công tác tuyên truyền đối với vùng sâu, vùng xa còn hạn chế do trình độ dân trí thấp, còn nhiều  người không biết chữ, trong đó có cả phụ nữ không biết tiếng phổ thông...

 Chính vì vậy, để ngăn chặn nạn mua bán người thì chúng ta cần phải có những giải pháp cấp thiết để phòng chống, mua bán người:

Tuyên truyền pháp luật phải đồng bộ giữa pháp luật về hình sự, mua bán người, bình đẳng giới, bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình và các thủ đoạn, nguyên nhân, hậu quả về tình trạng mua bán người. Trong đó chú trọng  xây dựng những phóng sự nêu rõ những hậu quả của các nạn nhân của các vụ mua bán người mắc phải và vạch rõ các thủ đoạn của tội phạm mua bán người, những câu chuyện do các nạn nhân được giải cứu trở về kể lại thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cần coi phụ nữ, trẻ em là nhóm nguy cơ cao trong mọi biện pháp phòng ngừa và áp dụng hình phạt tăng nặng đối với tội phạm mua bán người mà nạn nhân là phụ nữ, trẻ em để tăng tính răn đe, tuy nhiên cũng tăng cường tuyên truyền pháp luật về mua bán người mà không loại trừ nạn nhân là nam giới.

 Nâng cao trình độ văn hóa nói chung, trình độ hiểu biết pháp luật nói riêng, tuyên truyền tại các điểm nóng của nạn mua bán người, hoặc những địa bàn có phụ nữ bỏ đi khỏi nơi cư trú,  thường đi kèm với các hành vi đặc trưng như việc đưa nữ giới đi bán làm vợ và trẻ em đi làm con nuôi, du lịch tình dục hay lừa bán nữ sinh qua Internet ở các đô thị , môi giới lấy chồng nước ngoài thu lợi bất chính ...do đó cần xác định đối tượng cụ thể cho các biện pháp tuyên truyền phù hợp từng địa bàn vừa tăng hiệu quả lại vừa tới được đối tượng có nguy cơ cao.

 Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, trong đó gắn xây dựng nông thôn mới với công tác xóa đói giảm nghèo cho các điểm nóng nói chung trong đó tập trung vào đối tượng phụ nữ nhất là phụ nữ dân tộc, dạy nghề và tạo việc làm cho nam nữ thanh niên có nhu cầu bức thiết, trợ giúp khẩn cấp với các gia đình lâm nạn đột xuất, hỗ trợ và tư vấn cho các gia đình đông con nghèo khó...

Phòng chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới là một trong những biện pháp phòng ngừa tích cực; lồng ghép yếu tố giới trong các chương trình phát triển kinh tế-xã hội các ngành các cấp tại các địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, dạy nghề và tạo việc làm cho nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Áp dụng các biện pháp quyết liệt và hiệu quả hơn nữa để triệt phá tệ mại dâm có liên quan đặc biệt với nạn mua bán người.

 Ngoài các cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần quan tâm thêm tới các cơ sở y tế như nhà hộ sinh, bệnh viện và các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em mồ côi,tàn tật…để xác định trách nhiệm trong phòng chống mua bán người mà đặc biệt nạn nhân là trẻ em.

Tăng cường thu hút các lực lượng xã hội, kể cả các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức hoạt động tại cộng đồng tham gia công tác phòng chống mua bán người. Nhiều nước có kinh nghiệm đã tạo điều kiện cho các tổ chức này tham gia phát hiện các vụ đưa người qua biên giới trái phép thông qua nghi vấn, động viên nạn nhân tố giác tội phạm, hỗ trợ nạn nhân…

Đầu tư kinh phí, phương tiện để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người. Tăng cường thi hành pháp luật trong đó có pháp luật về hình sự, phòng, chống mua bán người của các lực lượng Công an, Biên phòng đã điều tra và cơ quan kiểm sát truy tố, tòa án các cấp đưa các vụ án về mua, bán người ra xét xử lưu động tại các địa bàn xảy ra vụ án nhằm răn đe hiệu quả loại tội phạm này đồng thời tuyên truyền mạnh mẽ các thủ đoạn của tội phạm mua bán người cho người dân.

Nhà nước cần phải tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp, như: các biện pháp về kinh tế, xã hội; các biện pháp tuyên truyền, giáo dục trong hệ thống nhà trường và trong cộng đồng; biện pháp phục hồi, hỗ trợ nạn nhân hoà nhập cộng đồng, các chương trình quốc gia về xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm, phòng chống tội phạm, ... nhằm phòng ngừa tội phạm mua bán người.

                                                                                                  Kim Hà

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây