Phụ nữ bị bán ra nước ngoài trở về: Gian nan tái hoà nhập cộng đồng

Thứ năm - 11/07/2013 00:00 40 0
Tây Ninh là một trong những tỉnh có khá nhiều phụ nữ bị buôn bán ra nước ngoài. Thời gian qua, ngành chức năng đã tích cực triệt phá nhiều vụ buôn người, đưa nạn nhân trở về địa phương. Một số nạn nhân khác không nằm trong diện được phát hiện, nhưng cũng đã tự tìm cách trốn thoát trở về lại quê hương. Tuy nhiên, con đường tái hoà nhập cộng đồng của họ hết sức gian nan.

Nguyễn Thị H.G mở quán nước tại nhà để kiếm tiền nuôi con

Chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị H.G ở xã Thanh Điền, huyện Châu Thành - một người từng bị dụ dỗ bán ra nước ngoài. Trở về, chị H.G mượn tiền bạn bè, người thân để mở một quán giải khát nhỏ. Dù quán không được đông khách nhưng đó là niềm hạnh phúc của chị H.G, vì chị được gần gia đình, chăm sóc đứa con nhỏ và nhất là được sống ngay tại quê nhà. Nhắc lại chuyện cũ, chị H.G không thể quên được những ngày sống trong “động quỷ” nơi xứ người. Hoàn cảnh nghèo khó, đưa đẩy chị H.G đến một quyết định sai lầm nghiêm trọng, suýt tí nữa là không có ngày trở về nước. Cũng may, chị đã “liều mạng” chạy thoát và tìm được đường về quê hương.

Chỉ tính riêng năm 2012, tỉnh Tây Ninh có 100 nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài được trở về nước an toàn. Trong đó có 49 người tự trở về và 51 người được công an giải cứu. Trong quý I năm 2013, tiếp tục có thêm 16 nạn nhân trở về. Trong 5 năm qua, tỉnh đã chi hơn 600 triệu đồng để giúp các nạn nhân trở về địa phương tái hoà nhập cộng đồng. Trong đó, có hỗ trợ đào tạo nghề với mức chi 1 triệu đồng/người/nghề được đào tạo. Thế nhưng, rất ít người mặn mà với việc học nghề. Chị Đặng Thị K.T, một trong những nạn nhân nằm trong diện được hỗ trợ học nghề nhưng lại không đi, cho biết: “Khó khăn đủ thứ, học hành ít nên xin việc làm không dễ. Em còn lo cho con, đi học không có thu nhập nên em không thể đi”.

Thực tế, đa số phụ nữ bị buôn bán ra nước ngoài có hoàn cảnh khó khăn, học hành dở dang, nên khi được giải cứu hoặc tự trở về địa phương đã gặp không ít trở ngại khi tái hoà nhập cộng đồng vì không có nghề nghiệp ổn định. Một số ít thì đi làm mướn, phụ bán cà phê, bán trái cây ngoài chợ hoặc làm công nhân tại các khu công nghiệp. Còn phần lớn vẫn lông bông, việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh lại bị gia đình trách mắng, chồng con xa lánh, hàng xóm dị nghị nên rất dễ quay trở lại đường cũ. Điển hình như tại huyện Châu Thành, năm 2012 tiếp nhận 41 nạn nhân buôn bán phụ nữ ra nước ngoài trở về, nhưng việc tái hoà nhập cộng đồng gặp khó khăn, nên trong số này có 1 người quay về nghề mại dâm, buôn bán ma tuý và bị ở tù; 1 người theo chồng ra nước ngoài; 6 người mất thông tin liên lạc; số còn lại chính quyền địa phương cũng như Hội Phụ nữ cũng không xác định rõ họ đang ở đâu và làm gì.

Chị Nguyễn Thị Thu Ba- Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Châu Thành cho biết: “Trước khi đi nước ngoài, họ cũng ít ở tại địa phương, nhiều người chỉ đăng ký tạm vắng để đi làm ăn xa. Họ làm hộ chiếu đi nước ngoài, khi họ về lại không thường xuyên có mặt tại địa phương nên không quản lý được. Đối với các cô bị buôn bán ra nước ngoài, đa số trình độ văn hoá thấp, các cấp Hội khó mà giới thiệu vào các công ty, xí nghiệp được, nên khi chúng tôi vận động đi học nghề, dù các dự án có tài trợ tiền ăn ở, nhưng các cô không đi với lý do không có tiền tiêu xài cá nhân, không có tiền phụ giúp gia đình, tiền đi lại… Cũng có trường hợp các cô chịu học nghề, nhưng khi về thì cũng không sống bằng nghề đó được vì cần vốn lớn. Việc quản lý phụ nữ bị buôn bán ra nước ngoài trở về của địa phương đang gặp khó khăn như thế”.

Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, công tác tiếp nhận, quản lý và hỗ trợ nạn nhân là phụ nữ bị buôn bán ra nước ngoài trở về hiện còn nhiều hạn chế. Một số địa phương thiếu quan tâm chỉ đạo trong việc rà soát, thống kê và hỗ trợ nạn nhân. Chưa có cán bộ chuyên trách cho việc theo dõi số nạn nhân này ở cấp huyện, nên công tác xác minh, lập hồ sơ hỗ trợ còn chậm; kinh phí bố trí cho đề án còn thấp, nên mức chi hỗ trợ nạn nhân chưa theo kịp giá cả thị trường. Bên cạnh đó, những phụ nữ bị buôn bán ra nước ngoài khi trở về địa phương còn có tâm lý mặc cảm, tự ti, bị láng giềng và cả người thân, gia đình dè bỉu nên rất dễ buông xuôi, phó mặc cuộc đời.

Nhằm tháo gỡ một phần khó khăn trên, tỉnh Tây Ninh đã ký kết với Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) thực hiện “Dự án mở rộng và áp dụng mô hình nhóm tự lực trong phòng chống mua bán người tại Tây Ninh” với tổng kinh phí trên 680 triệu đồng. Trong quý I năm 2013, có 10 nạn nhân được hỗ trợ vay vốn với mức vay 5 triệu đồng/người, nhằm giải quyết khó khăn, tạo nguồn vốn ổn định việc làm cho nạn nhân. Trong giai đoạn 2012 - 2013, tỉnh sẽ giải ngân gần 360 triệu đồng để giúp các nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, đây là bước đi trước mắt, về lâu dài, ngành chức năng tỉnh cần có thêm nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ cho các nạn nhân, đồng thời ngăn chặn triệt để tình trạng buôn bán người ra nước ngoài xảy ra.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây