Tệ nạn ma túy chưa được đẩy lùi: Do luật và người thực thi ?

Thứ năm - 11/07/2013 00:00 46 0
Số vụ án thụ lý liên quan tới ma túy năm sau đều cao hơn năm trước. Nạn buôn bán và tệ nạn nghiện hút ma túy đang phát triển mạnh mẽ là mối lo của toàn xã hội, nhưng công tác phòng chống ma túy vẫn còn nhiều bất cập khi pháp luật vẫn còn những kẽ hở, trong đó có cả sự tiếp tay của một số cán bộ thực thi pháp luật.

Các đối tượng tàng trữ ma túy bị lực lượng 141 Hà Nội bắt giữ Ảnh: Hoàng Long

Những vấn đề trên đã được phân tích, mổ xẻ tại buổi tọa đàm "Nâng cao hiệu quả tuyên truyền phòng chống ma túy” do Viện KSND tối cao tổ chức mới đây.

Khi luật tạo ra "kẽ hở”

Số liệu thông kê của Viện KSND tối cao cho thấy, từ năm 2006 đến năm 2012, số vụ án thụ lý về ma túy năm sau đều cao hơn năm trước. Theo điều tra của các cơ quan chức năng, nguồn ma túy được đưa vào Việt Nam nhiều nhất từ khu vực "Tam giác vàng”, hoặc tập trung qua các tuyến biên giới Việt Nam-Lào; Việt Nam-Trung Quốc; Việt Nam-Campuchia. Điều đáng nói, lượng ma túy xâm nhập không chỉ qua cửa khẩu đường bộ, mà các sân bay quốc tế đều đã phát hiện tội phạm hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy.

Tội phạm ma túy đang phát triển, nhưng trong công tác phòng chống lại tội phạm này đang bộc lộ những "kẽ hở”, có phần tạo điều kiện cho ma túy phát triển, trong đó có sự "tiếp tay” từ chính các văn bản quy phạm pháp luật. Theo ông Lưu Văn Mẫn, Trưởng phòng 1A, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc, từ khi Bộ luật hình sự bỏ tội "Sử dụng trái phép chất ma túy”, thì việc các con nghiện sử dụng ma túy trở nên tự do hơn, đòi hỏi nguồn cung nhiều hơn. Chính lợi dụng "kẽ hở” đó mà tại một số địa phương đã hình thành các tụ điểm cung cấp ma túy nhỏ lẻ, di động và sau đó hình thành các đường dây ma túy nhỏ từ các thôn đến các xã. Phó Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy, Viện KSND tối cao Bùi Sơn Cường cho rằng "các quy định của pháp luật về phòng, chống ma tuý tuy đang từng bước được hoàn thiện, nhưng qua thực tiễn thực hiện đã thể hiện nhiều bất cập. Một số lĩnh vực còn thiếu các quy định cụ thể. Đặc biệt, vấn đề áp dụng pháp luật để xử lý tội phạm ma tuý hiện nay còn có những quan điểm khác nhau về nhận thức dẫn đến áp dụng pháp luật chưa thống nhất cần tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi”.

Có sự tiếp tay của cán bộ thực thi pháp luật

Một vấn đề "nhức nhối” khiến công tác phòng chống ma túy còn gặp nhiều khó khăn chính là sự tiếp tay của các cán bộ chiến sĩ tại các trại tạm giam. Hiện nay, trên toàn quốc có 70 trại giam. Theo thống kê của Bộ Công an số bị bắt đưa vào trại tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử chiếm trên 40% phạm các tội phạm về ma túy và liên quan đến ma túy, trong đó nhiều đối tượng bị tạm giữ, tạm giam đã nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Phúc Tuy, Trưởng phòng 2, Viện KSND tối cao, thì công tác đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm về ma túy ở nhà tạm giữ, trại tạm giam và trại giam nói chung vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. "Công tác quản lý, nắm tình hình có nơi, có việc còn chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, còn sơ hở để thẩm lậu ma túy vào trại tạm giam. Cá biệt có nơi, có lúc cán bộ, chiến sỹ thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm kỷ luật thậm chí tiếp tay cho người bị giam giữ mang ma túy vào trại tạm giam”-ông Tuy nói.

Một vấn đề cũng khó khăn không kém đó là cai nghiện tại cộng đồng. Đánh giá về công tác cai nghiện tại cộng đồng, ông Nguyễn Quang Thành, Viện trưởng Viện KSND TP. Hà Nội chỉ rõ, việc cai nghiện tại cộng đồng và cai nghiện bắt buộc không hiệu quả, tỷ lệ tái nghiện còn rất cao. Ông Thành cũng chỉ rõ thực tế công tác nắm và quản lý người nghiện còn chưa chính xác. "Hiệu quả của công tác cai nghiện và quản lý sau cai còn thấp, lượng tái nghiện cao, trên 90%. Việc đưa những người nghiện sau cai tái hòa nhập cộng đồng, trên thực tế không triển khai được theo kế hoạch, nên nguồn cầu rất lớn”- ông Thành chỉ rõ.

Xác định trách nhiệm của người đứng đầu

Làm thế nào để ngăn chặn và làm giảm bớt tình trạng buôn bán, sử dụng ma túy? Đó là điều mà các cơ quan chức năng đang "đau đầu”, nhưng chưa tìm ra phương thuốc hữu hiệu. Đó cũng là sự băn khoăn lo lắng của người dân. Theo ông Giáp Văn Thơ, Trưởng phòng 2, Viện KSND tỉnh Bắc Giang, thì cần phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng chống ma tuý. Ông Thơ cho rằng, Nhà nước cần nhanh chóng nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống ma túy, sửa đổi một số điều luật quy định về tội phạm ma túy không còn phù hợp với thực tế. Ông Thơ kiến nghị, cần sửa đổi Điều 192, 196 Bộ luật hình sự. Trong khi đó, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Phú Thọ Đỗ Mạnh Bổng thì cho rằng, cần xây dựng Nghị quyết liên ngành, quy chế phối hợp để phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn cụ thể của mỗi cơ quan trong công tác phòng, chống ma tuý. Theo ông Lưu Văn Mẫn, Trưởng phòng 1A, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc, vấn đề quan trọng là phải tăng cường nhân lực cho lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ở cơ sở và cán bộ làm công tác thường trực, tham mưu và quản lý Nhà nước về phòng chống ma túy. Cũng như tăng cường trang thiết bị chuyên dùng cho các lực lượng phòng chống ma túy. Cùng với đó là những biện pháp tăng cường sự giám sát của nhân dân, tố giác tội phạm ma tuý.

Theo http://www.xaluan.com

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây