Tỉnh ủy Tây Ninh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số năm 2022

Thứ hai - 17/10/2022 08:00 293 0
Sáng ngày 17/10, Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức hội nghị Quán triệt, tuyên truyền và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số năm 2022.

chuyendoiso-1.jpg

Quang cảnh hội nghị

chuyendoiso-2.jpg 

chuyendoiso-3.jpg

Các đại biểu tham dự hội nghị

Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh.

Tham dự hội nghị có các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, các công ty, doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.

 chuyendoiso-4.jpg

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng, được tổ chức lần đầu tiên, thể hiện quyết tâm của Tỉnh ủy, của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà trong đẩy mạnh chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; đồng thời nhằm triển khai thực hiện thành công Nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến 2025, định hướng 2030 với mục tiêu “Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội”.

“Chuyển đổi số là thay đổi mô hình mới, phương thức mới, là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức, nhất là vai trò của người đứng đầu phải có khát vọng thay đổi, tiên phong, có quyết tâm chính trị cao” - Phó Bí thư Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Xác định từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, để công tác chuyển đổi số đạt kết quả cao, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh quan tâm chỉ đạo và tổ chức các hoạt động chuyển đổi số thiết thực tại địa bàn, địa phương, lĩnh vực phụ trách.

Mỗi cơ quan, tổ chức cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng của tỉnh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông phối hợp tích cực với các đơn vị chức năng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa, vai trò, lợi ích và tầm quan trọng của chuyển đổi số, tập trung thường xuyên tuyên truyền các giải pháp đã được triển khai trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân.

chuyendoiso-5.jpg 

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Tấn Đức triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TU

Các đại biểu tham dự hội nghị được triển khai nội dung chính của Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 26/01/2021 của Tỉnh ủy; Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh, hướng đến mục tiêu đến năm 2025: Phấn đấu vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số khá; phát triển bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ, tăng năng suất lao động, tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng Chính quyền số; Phát triển kinh tế số, xã hội số; Khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp số trong tỉnh; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Đến năm 2030 có tối thiểu 2 huyện, thị xã, thành phố đạt cơ bản nền tảng về đô thị thông minh (thành phố Tây Ninh và thị xã Hòa Thành); Mỗi huyện, thị xã, thành phố có tối thiểu 01 xã hoàn thành nền tảng chuyển đổi số.

 chuyendoiso-6.jpg

Đồng chí Đinh Quang Huy - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin - Cơ yếu, Văn phòng Trung ương Đảng phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, đồng chí Đinh Quang Huy - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin - Cơ yếu, Văn phòng Trung ương Đảng triển khai một số định hướng cho chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh, nhấn mạnh vào việc liên thông dữ liệu, chuyển thông tin lên môi trường số cần chú trọng bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; quan tâm đổi mới quy trình làm việc, thay đổi thói quen cách thức làm việc cũ; kịp thời ban hành quy định thúc đẩy chuyển đổi số, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc để giải quyết, đồng thời có những đột phá, sáng tạo trong chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn lực đảm bảo cho chuyển đổi số.

 chuyendoiso-7.jpg

Đồng chí Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội nghị

Sau khi triển khai một số định hướng về chuyển đổi số của Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia, đồng chí Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao Tây Ninh trong thực hiện chuyển đổi số, đi đầu trong triển khai và cụ thể là ứng dụng trong phòng chống dịch Covid-19. Với tiềm năng, kinh nghiệm trong thời gian qua, tỉnh cần mạnh dạn ứng dụng để tạo bước phát triển cho tỉnh về chuyển đổi số. Năm 2021, ba trụ cột của Chỉ số Chuyển đổi số (DTI) 2021 Tây Ninh đều tăng. Chỉ số chính quyền số tăng 19,6%; chỉ số kinh tế số tăng 59,6%; chỉ số xã hội số tăng 37,6%. Tuy nhiên, năm 2021, DTI Tây Ninh vẫn thấp hơn trung bình DTI cấp tỉnh 2021.

 chuyendoiso-8.jpg

Đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam phát biểu tham luận

Hội nghị còn có các tham luận của trường Đại học Bách Khoa (Đại học quốc gia Hồ Chí Minh) về giải pháp xây dựng làng xã thông minh trên địa bàn tỉnh. Các công ty, doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông như Viettel, VNPT, Mobifone, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam, Công ty Cổ phần BKAV mang đến hội nghị những giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số cho tỉnh Tây Ninh trên 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Theo Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, đến nay, tỉnh đã đạt một số kết quả bước đầu khi triển khai chuyển đổi số trên địa bàn. Một số nền tảng dùng chung đã triển khai như Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; Hệ thống quản lý văn bản điện tử và điều hành (Egov); Hệ thống họp không giấy tờ; Hệ thống liên thông dữ liệu từ Trung ương về tỉnh, các hệ thống thông tin của tỉnh (LGSP); Hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng kết nối với Hệ thống an toàn thông tin Quốc gia (SOC); Hệ thống giám sát, điều hành thông minh (IOC); Trung tâm dữ liệu theo mô hình điện toán đám mây; Hệ thống hội nghị truyền hình từ tỉnh tới huyện, xã, và người dùng thiết bị di động (hệ thống mềm hiện tại có thể kết nối tới khoảng 1000 điểm)

“Tây Ninh Smart” là ứng dụng dùng chung mà Tây Ninh triển khai cho toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. đến nay, Tây Ninh Smart đã có hơn 132.000 tài khoản đăng ký.

 chuyendoiso-9.jpg

Các đại biểu tham quan các mô hình giải pháp công nghệ

Trong ngày, tỉnh còn tổ chức triển lãm các mô hình giải pháp công nghệ (ứng dụng Tây Ninh Smart; hệ thống phân tích dữ liệu DMP; phần mềm eGov; phản ánh hiện trường; Cổng thông tin điện tử chung toàn tỉnh; khung kiến trúc dữ liệu trong chuyển đổi số; hệ sinh thái nhận diện thông minh; hệ thống quản lý công tác Đảng và đảng viên; giải pháp phòng họp thông minh…).

Chính Thuần


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây