Tây Ninh: sau 04 năm triển khai ứng dụng chữ ký số

Thứ sáu - 13/10/2017 10:00 71 0
Thời gian qua UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo phát triển hạ tầng, triển khai các hệ thống thông tin dùng chung, đồng bộ đến các cơ quan nhà nước của tỉnh và với mục tiêu nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử, nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo điều hành, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cơ quan nhà nước.

Trong đó, tỉnh đã triển khai ứng dụng chữ ký số trong hoạt động quản lý. Đến nay, trong toàn tỉnh đã cấp phát bàn giao 942 thiết bị ký số (token) cho 240 đơn vị (bao gồm các sở, ban ngành tỉnh; đơn vị trực thuộc các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố và một số đơn vị cấp xã), 649 thiết bị ký số cho cá nhân là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan nhà nước trong tỉnh và 53 thiết bị ký số cho dịch vụ phần mềm. Hiện tại, đã thu hồi 05 thiết bị của đơn vị do giải thể, sáp nhập và 67 thiết bị của cá nhân do nghỉ hưu, chuyển công tác.

Hệ thống chứng thư số và chứng thực chữ ký số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp đã được vào các ứng dụng, phần mềm điều hành tác nghiệp và các hệ thống thông tin như phần mềm Văn phòng điện tử và phần mềm một cửa điện tử.

Kết quả của việc tích hợp chữ ký số vào phần mềm Văn phòng điện tử - eOffice tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng trong thao tác cho người sử dụng. Từ tháng 01/2017 đến nay, theo thống kê thì đã có 29.178 các loại văn bản được ký số trao đổi trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện trên phần mềm này. Kết quả triển khai và sử dụng bước đầu đã có tác động rất tích cực trong việc rút ngắn thời gian chuyển, nhận văn bản, giảm thiểu chi phí trong phát hành văn bản giấy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần hiện đại hóa nền hành chính công, từng bước nâng cao trình độ ứng dụng CNTT của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, đồng thời hỗ trợ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo và nâng cao hiệu quả trong quá trình cải cách thủ tục hành chính. Giảm văn bản giấy tờ, việc gửi nhận văn bản nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo gửi nhận an toàn và xác thực góp phần tăng cường công tác an toàn thông tin. Ký số trên văn bản điện tử giúp cho lãnh đạo cơ quan có thể giải quyết công việc ở mọi lúc, mọi nơi không phải buộc ở tại cơ quan giúp tăng cường năng lực điều hành.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chưa có quy định về việc lưu trữ văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số nên gây khó khăn cho ban hành danh mục gửi/nhận văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số không văn bản giấy toàn tỉnh; Quy trình cấp phát, thu hồi chứng thư số bị hạn chế về mặt thời gian do công tác thay đổi, luân chuyển cán bộ lãnh đạo là thường xuyên.

Vì vậy, để củng cố, phát triển nhằm thúc đẩy ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp trong thời gian tới cần có những giải pháp sau:

Một là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của chữ ký số; phổ biến các văn bản hướng dẫn, quy định, quy trình ứng dụng và triển khai chữ ký số cho các đơn vị trong hệ thống chính trị.

Hai là tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị chưa ứng dụng tốt chữ ký số. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số tại các đơn vị để thúc đẩy việc ứng dụng chữ số, đây là một trong những tiêu chí đánh giá ứng dụng CNTT và chấm điểm cải cách hành chính của tỉnh.

Ba là phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục triển khai tích hợp chữ ký số cho các dịch vụ ứng dụng dùng chung tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu.

Kiều Oanh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây