Đường giao thông nông thôn ở xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu |
Về giao thông nông thôn, từ nguồn vốn ngân sách, đến nay trên địa bàn huyện đã xây mới và láng nhựa được 7 tuyến đường, với giá trị 117,88 tỷ đồng. Đặc biệt, các xã đã tiến hành vận động nhân dân chỉnh trang nâng cấp, dặm vá các tuyến đường nông thôn tổng cộng 60 tuyến đường với tổng chiều dài 38.667 mét, tổng vốn huy động từ dân là 2,569 tỷ đồng. Trong đó xã Bàu Đồn thực hiện được 7 tuyến đường, tổng chiều dài 3.180 mét, với số vốn vận động là 137 triệu đồng. Xã Phước Đông huy động người dân đóng góp nâng cấp sỏi đỏ các tuyến đường ngõ xóm được 2.200 mét, với số vốn huy động 33 triệu đồng. Xã Phước Trạch thực hiện 13 con đường có tổng chiều dài là 5.500 mét, vốn huy động là 88,18 triệu đồng. Xã Thanh Phước làm mới nền hạ giao thông nông thôn được 2.300 mét, trị giá 64,1 triệu đồng. Đặc biệt là xã Cẩm Giang xây mới, láng nhựa và nâng cấp sửa chữa các tuyến đường trên địa bàn xã với mức huy động cao nhất huyện là 1,412 tỷ đồng.
Về thuỷ lợi, trong 2 năm 2011-2012, huyện đã thực hiện dự án tiêu thoát nước các vùng ngập úng thuộc ấp Bông Trang và nạo vét kênh tiêu Rạch Nhọc, với tổng vốn đầu tư 4,258 tỷ đồng. Ở xã Phước Trạch, nhân dân tham gia nạo vét tuyến kênh dài 5.900 mét, với kinh phí 58,75 triệu đồng. Trong hai năm 2011-2012, trên địa bàn huyện khởi công xây mới và hoàn thành 10 trường học theo hướng trường chuẩn quốc gia; 8/8 xã của huyện đã xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng trạm y tế theo hướng chuẩn quốc gia. Trong năm 2012, 4 xã Phước Đông, Bàu Đồn, Thạnh Đức, Phước Thạnh khởi công xây dựng trụ sở làm việc UBND xã.
Ngoài ra, thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Gò Dầu tiếp tục triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã. Cụ thể như hỗ trợ thực hiện 20 ha nhân giống lúa tại các xã Bàu Đồn, Phước Trạch, Cẩm Giang, qua đó đã cung ứng được 120 tấn lúa giống tốt cho sản xuất địa phương. Hiện huyện đang tiếp tục triển khai thực hiện 35 ha nhân giống lúa vụ mùa 2012 và vụ Đông Xuân 2012-2013, để chuẩn bị nguồn lúa giống cho vụ sản xuất tiếp theo. Huyện còn hỗ trợ phát triển 17 điểm mô hình chăn nuôi, một tổ hợp tác trồng nấm và một hợp tác xã rau an toàn. Trong năm 2012, ngành chức năng huyện phối hợp với các xã mở được 34 lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, với 1.112 người tham dự. Từ những hoạt động trên đã làm cho chương trình MTQG XD NTM ở các xã trên địa bàn huyện Gò Dầu có nhiều chuyển biến tích cực, số TC các xã đạt được ngày càng tăng. Đến nay, huyện đã có một xã đạt được 11 TC (Phước Trạch), ba xã đạt 10 TC (Thanh Phước, Phước Đông, Bàu Đồn), một xã đạt 8 TC (Phước Thạnh), hai xã đạt 7 TC (Cẩm Giang, Hiệp Thạnh) và một xã đạt 6 TC (Thạnh Đức).
Tuy nhiên việc triển khai XD NTM ở huyện Gò Dầu vẫn còn một số hạn chế nhất định, như: Công tác lập đề án NTM trên các xã còn chậm, chất lượng quy hoạch vẫn còn nhiều hạn chế; Chưa tổ chức được mạng lưới báo cáo viên về NTM của huyện, xã, nên việc tổ chức triển khai công tác này còn lúng túng; Chỉ tiêu đạt TC về XD NTM ở một số xã có xu hướng tăng cao. So với thực tế tuy nhiên vẫn còn một số TC chưa ổn định, những TC đạt được tương đối dễ, ít vốn, hoặc không cần vốn đầu tư; Sự phối hợp giữa các ban ngành chuyên môn huyện và các xã vẫn chưa được đồng bộ, nhịp nhàng…
Từ những kết quả đạt được và những hạn chế nêu trên, BCĐ XD NTM huyện Gò Dầu kiến nghị cấp trên bổ sung nhân sự chuyên trách về XD NTM cấp huyện để đảm bảo điều hành công việc hiệu quả hơn; bổ sung kinh phí hoạt động của BCĐ XD NTM từ nguồn ngân sách huyện.
Theo BTNO