Ông Kha sắp bánh nấm vào nhà kín |
Ông Lê Văn Kha, ngụ tại ấp Phước Thành là một trong những nông dân trồng nấm rơm trong nhà kín đạt hiệu quả cao ở xã Phước Lưu. Ông cho biết, dù đã có hơn 20 năm kinh nghiệm với nghề trồng nấm rơm, nhưng ông vẫn rất ngán ngại với tình hình thời tiết thất thường như hiện nay- điều khiến cho người trồng nấm rơm nào cũng phải thấp thỏm lo âu. Qua tìm hiểu trên sách báo, ông Kha nhận thấy trồng nấm rơm trong nhà kín có khả năng khắc phục được những bất lợi do thời tiết đem đến, từ đó ông quyết định chuyển sang mô hình này.
Theo ông Kha, trồng nấm rơm trong nhà kín chi phí đầu tư ban đầu khá cao; với 3 căn nhà kín loại 30m2 thì phải tốn khoảng 60 triệu đồng. Với kinh nghiệm của mình, ông Kha chia sẻ: tốt nhất phải luôn giữ nhà kín ở nhiệt độ 28-320C. Nên xây dựng nhà kín theo phương Đông - Tây, để ánh sáng có thể phân bố đều khắp trong phòng. Khi trời trở lạnh, để giữ nhiệt độ ổn định cho phòng kín, nhiều người trồng nấm thường dùng đèn chiếu sáng, nhưng ông Kha thì dùng hơi nước nóng dẫn qua đường ống để sưởi đều vào toàn bộ nhà kín. Theo ông Kha, cách này tuy có cực hơn nhưng bù lại, hơi ấm có thể phân bố đồng đều cả phòng kín, giúp nấm ra đều và chất lượng hơn.
Sau 3 năm chuyển sang trồng nấm rơm trong nhà kín, ông Kha nhận định: so với cách làm truyền thống thì trồng nấm rơm trong nhà kín đạt năng suất cao hơn rất nhiều. Nấm rơm cũng đẹp hơn, giá thành cao hơn nấm trồng ngoài trời khoảng 5.000 đồng/kg. Mỗi tháng ông Kha thu hoạch 3 đợt, với giá nấm dao động từ 40.000-60.000 đồng/kg, ông có thu nhập hơn 9 triệu đồng/tháng. Ông cho biết thêm, hiện nay không chỉ có nông dân trong xã Phước Lưu, mà nhiều người ở tận các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang cũng đến tham quan, học hỏi mô hình trồng nấm trong nhà kín của ông.
Anh Nguyễn Minh Thái, 36 tuổi, ngụ tại ấp Phước Tân có hơn 15 năm kinh nghiệm trong nghề trồng nấm rơm cũng đã nhận ra ưu điểm của mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín. Chịu khó đến huyện Châu Thành để học hỏi kỹ thuật, năm 2009 anh bắt đầu thực hiện trồng nấm rơm trong nhà kín. Điểm thuận lợi của mô hình này là không tốn nhiều diện tích đất, anh Thái chỉ tận dụng không gian khiêm tốn xung quanh nhà để xây dựng nhà kín. Anh nhận xét, nấm trồng trong nhà kín cho năng suất cao gấp 2-3 lần, đồng thời tiết kiệm được hơn 50% lượng rơm so với cách làm cũ. Việc chăm sóc cũng ít tốn công sức hơn, bởi không lo chuyện thời tiết. Trồng nấm rơm trong nhà kín, mỗi tháng anh Thái thu về khoảng 6 triệu đồng (đã trừ chi phí).
Thấy được hiệu quả của mô hình trên, anh Nguyễn Sinh Thật, ngụ cùng ấp anh Thái, trước nay chuyên nghề trồng lúa cũng lân la học hỏi, rồi bắt tay xây dựng 2 căn nhà kín. Trồng nấm rơm trong nhà kín có thể chủ động được thời gian, nên anh Thật vẫn có điều kiện để tiếp tục nghề trồng lúa. Đều đều mỗi tháng, nghề làm nấm theo mô hình mới đã đem lại cho anh Thật khoảng 3 triệu đồng.
Anh Phạm Văn Trung- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Lưu cho biết, mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín đã giúp nhiều bà con nông dân ở xã có thêm việc làm mới để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nhiều hộ mong muốn tham gia mô hình này, nhưng vì vốn đầu tư ban đầu khá cao nên bà con chưa có điều kiện thực hiện. Hội Nông dân xã đang tiến hành việc tham mưu xây dựng tổ liên kết trồng nấm rơm trong nhà kín, đồng thời đề ra một số chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật, đầu ra cho những hộ trồng đang có ý định mở rộng quy mô mô hình.
Theo BTNO