Thứ trưởng Trần Đức Lai phát biểu kết luận tại Hội nghị |
Qua hai ngày diễn ra Hội nghị, các đại điểu đã được nghe giảng viên giảng các chuyên đề: Quy định chung về xây dựng, quản lý Chương trình Mục tiêu quốc gia và phương hướng kế hoạch năm 2014 (do giảng viên Vụ Kế hoạch Tài chính tiền tệ - Bộ Kế hoạch Đầu tư) trình bày; Quy định về đấu thầu mua sắm hàng hoá, dịch vụ sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước (do giảng viên Vụ Hành chính sự nghiệp - Bộ Tài chính); Thanh quyết toán vốn đầu tư thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (do giảng viên Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính) truyền đạt; chuyên đề Chương trình Mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở - cơ chế quản lý; Công tác triển khai thực hiện Chương trình năm 2014 - 2015; Quản lý dự án Chương trình Mục tiêu quốc gia; quy định về giám sát, đánh giá dự án đầu tư; Kinh nghiệm quản lý đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực thông tin truyền thông (do giảng viên Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Thông tin và Truyền thông) thuyết trình.
Tại Hội nghị tập huấn, nhiều ý kiến của các Sở Thông tin Truyền thông các tỉnh, thành phố đã thẳng thắn trao đổi những vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn tại địa phương. Đồng thời, đề nghị Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, các Bộ ngành có liên quan, giảng viên trao đổi rõ hơn từ việc xây dựng, phương thức triển khai, phạm vi cho phép, phê duyệt kế hoạch, đánh giá dự án đầu tư, quản lý dự án, bàn giao, thanh quyết toán vốn đầu tư thực hiện Chương trình; lồng ghép các Chương trình Mục tiêu....
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng đã ghi nhận những ý kiến phát biểu tại Hội nghị tập huấn và tinh thần cầu thị của các đại biểu đại diện cho 54 Sở Thông tin và Truyền thông trong cả nước. Thông qua Hội nghị toàn quốc này, cũng là dịp để các Sở Thông tin và Truyền thông có thêm kinh nghiệm trong việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo phù hợp với thực tiễn hoạt động tại địa phương sao cho có hiệu quả. Để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả Thứ trưởng nhấn mạnh: Trên cơ sở Quyết định phê duyệt Chương trình của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét đảm bảo nguồn lực cho Chương trình như Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình năm 2014 - 2015, đảm bảo hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra khi kết thúc Chương trình. Ưu tiên cho việc đầu tư xây dựng các đài, trạm phát sóng truyền thanh cấp xã nhằm đưa thông tin đến với nhân dân một cách tốt nhất và hiệu quả nhất. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng đặt ra cho toàn bộ Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan cần phân bổ nguồn vốn cho phù hợp với từng dự án; lồng ghép Chương trình Mục tiêu quốc gia cùng với những mục tiêu khác đang triển khai nhằm tiết kiệm chi phí ngân sách, nâng cao hiệu quả hoạt động của các chương trình, phù hợp với tiêu chuẩn, vùng miền góp phần thúc đẩy sự phát triển đồng bộ và bền vững về hoạt động thông tin và truyền thông cơ sở nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nói chung. Chú trọng công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tập trung đào tạo đội ngũ thông tin truyền thông cơ sở cần đúng đối tượng, đúng nhiệm vụ. Trong đó, tập trung đào tạo cán bộ vận hành cho đài truyền thanh cấp xã. Đồng thời, chú ý phân bổ những đầu sách có nội dung phù hợp với các đối tượng đồng bào ở các địa phương, nâng cao hiệu quả chất lượng phục vụ và bảo quản sách báo ở cơ sở... Trong năm 2013 và các năm tiếp theo cần đẩy nhanh tiến đội sản xuất chương trình phát thanh để phát sóng trên hệ thống truyền thanh cơ sở; khuyến khích địa phương tự xây dựng chương trình, kịch bản phát thanh phù hợp với đặc thù địa phương...
Ngoài ra, Ban quản lý cần tiếp tục hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia theo đúng các quy định quản lý (từ xây dựng, phê duyệt kế hoạch, dự án đến tổ chức triển khai thực hiện, nghiệm thu, bàn giao, quyết toán...). Đặc biệt, Ban quản lý Chương trình Mục tiêu quốc gia của Bộ cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; kịp thời phát hiện, đề xuất các biện pháp sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý cho phù hợp; đảm bảo Chương trình triển khai có hiệu quả, đúng quy định. Bên cạnh đó, Ban quản lý Chương trình cần nghiên cứu, xem xét và đề xuất phương án về cán bộ và chế độ cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở để đảm bảo tính ổn định và hiệu quả trong hoạt động.
Theo http://mic.gov.vn