Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn

Thứ sáu - 11/11/2016 11:00 76 0
Đó là một trong những nội dung chính được quan tâm trong việc triên khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tronng thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trình UBND tỉnh Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; 04 đề án phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh (Phát triển vùng lúa chất lượng cao và lúa đặc sản tỉnh Tây Ninh; Sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau an toàn; Lai tạo nâng cao chất lượng bò thịt; Phát triển chăn nuôi heo nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng VietGAHP) nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Các dự án khuyến nông gắn với mô hình trình diễn, thông tin tuyên truyền đã được triển khai đạt chất lượng như: Xây dựng cánh đồng lớn (lúa, mía, mì...).Trồng thâm canh thanh long, mãng cầu theo VietGAP, Nuôi cá thát lát trong ao bằng thức ăn viên công nghiệp, Nuôi ba ba trong ao bể, Khí sinh học,...Qua đó, đã góp phần nâng cao dân trí, trình độ sản xuất của nông dân Tây Ninh; tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, đáp ứng tốt các mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp.

 Tỉnh đang triển khai 08 dự án khuyến nông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 – 2018 theo hướng VietGAP và VietGAHP: Sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau an toàn; Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và xây dựng vùng lúa chất lượng cao; Chăn nuôi heo thịt an toàn sinh học theo hướng VietGAHP; Nâng cao hiệu quả sản xuất cây khoai mì; Ứng dụng và chuyển giao các biện pháp tưới nước tiên tiến hiệu quả trên cây trồng cạn; Chăn nuôi gà ta (lông màu) theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và áp dụng VietGAP; Cải tạo đàn bò lai hướng thịt, Sản xuất mãng cầu theo hướng VietGAP gắn với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Ngoài ra, phát triển trên 200 ha hoa lan, cây cảnh, rau quả nông nghiệp công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao; bình quân suất đầu tư 02 tỷ đồng/ha, lợi nhuận 01 tỷ đồng/ha/năm, tập trung ở các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Châu Thành, Thành phố Tây Ninh.

Về chuyển giao khoa học công nghệ trong chăn nuôi: cải tạo đàn bò hướng Zêbu, phát triển bò sữa tại các vùng có điều kiện thuận lợi; trên đàn heo công tác chuyển giao được thực hiện toàn diện từ khâu giống (đã chuyển giao hiệu quả các giống Yorkshire, Landrat, Duroc, Pietrain, Heo lai 2 máu, 3 máu), kỹ thuật, vật tư, thiết bị, quy trình nuôi theo hướng GAHP áp dụng lịch tiêm phòng, bảo vệ môi trường, phòng tránh dịch bệnh,…nhiều tiến bộ kỹ thuật mới khác đã được chuyển giao như: Gieo tinh nhân tạo, sử dụng nái lai 02 máu, heo thịt 03 máu năng suất cao, áp dụng chương trình khí sinh học biogas để xử lý chất thải, sử dụng đệm lót sinh học. Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ đã góp phần cải thiện di truyền, nâng cao chất lượng, tạo những điển hình về năng suất, hiệu quả, an toàn sinh học, làm chuyển biến thói quen, tập quán người chăn nuôi, góp phần quản lý khống chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Công tác kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao được đặc biệt quan tâm, đến nay đã có 30 dự án (trong đó: 24 dự án đang đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 23,5 triệu USD và 541,9 tỷ đồng; 06 dự án đang triển khai với tổng vốn đầu tư 752 tỷ đồng).

Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phục vụ sản xuất: Mía trồng mới (đã hỗ trợ 17.957 triệu đồng với diện tích 16.202 ha); Phát triển sản xuất (hỗ trợ mua 8.406 con giống gia súc, gia cầm cho 882 hộ tham gia dự án đã góp phần tạo thêm việc làm, từng bước cải thiện đời sống cho hộ nghèo, cận nghèo xã biên giới. Trong đó hỗ trợ giống chăn nuôi gia súc 1.221 con giống (55 con bò, 1.158 con heo, 08 con dê)/746 hộ; hỗ trợ mua giống gia cầm (gà giống) 7.185 con/136 hộ); Miễn thu thủy lợi phí (đã cấp bù miễn thủy lợi phí là 297.791 triệu đồng); Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (dư nợ tín dụng trong nông nghiệp và PTNT đến tháng 6 năm 2015 là 14.177 tỷ đồng); Giảm tổn thất trong nông nghiệp (kết quả có 03 hộ gia đình được vay 1.180 triệu đồng mua 03 máy gặt đập liên hợp).

Xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ khác như: Hỗ trợ, khuyến khích đầu tư cho người sản xuất, sơ chế, chế biến và kinh doanh rau an toàn trên địa bàn tỉnh; Sản xuất, tiêu thụ lúa giống cấp xác nhận; Hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại do thiên tai gây ra; Quy định tiêu chí quy mô diện tích tối thiểu và nội dung ưu đãi, mức hỗ trợ về xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP. Với các cơ chế, chính sách đang thực hiện, Tỉnh đang chuẩn bị tổ chức tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới

Trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 46 hợp tác xã (HTX), 80 Tổ hợp tác (THT) nông nghiệp hoạt động theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2017 của Chính phủ. Riêng giai đoạn 2013-2015 đã thành lập mới 15 HTX theo Luật HTX năm 2012 và 30 THT theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP, trong đó có 25 HTX và 30 THT có hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, nhà máy để cung ứng đầu vào hoặc tiêu thụ nông sản cho các thành viên và các hộ nông dân tại địa phương trên các lĩnh vực: thủy lợi, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, mô hình liên kết sản xuất lúa, mía, bắp giống, thuốc lá, chuối xuất khẩu, rau an toàn,...Về hỗ trợ tín dụng, tính đến nay có 06 HTX được vay 570 triệu đồng, 02 HTX được vay 1.100 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; 08 THT được vay 983 triệu đồng tư các chương trình, dự án khác để phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cũng được Tỉnh hỗ trợ để tạo điều kiện cho HTX hoạt động hiệu quả: xúc tiến thương mại với Công ty cổ phần Giống cây trồng con nuôi Ninh Bình, Công ty phân bón Bình Điền; hỗ trợ hình thành chuỗi của hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh,..

Tỉnh đã xây dựng các mô hình liên kết cánh đồng lớn canh lúa theo hướng VietGAP và mô hình liên kết 4 nhà tiêu thụ sản phảm đối với một số sản phẩm chủ lực đạt chất lượng, góp phần ổn định sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Cụ thể: Cao su (đầu tư, tiêu thụ 30%), mía (có hợp đồng đầu tư, tiêu thụ 95% diện tích), sản xuất bắp giống và sản xuất thuốc lá (hợp đồng tiêu thụ 100%); sữa bò tươi (hợp đồng tiêu thụ 95% sản lượng sữa), chăn nuôi heo thịt (hợp đồng đầu tư, tiêu thụ 41%), chăn nuôi gà thịt, trứng công nghiệp (hợp đồng đầu tư, tiêu thụ 54%).

Đã giới thiệu 02 Hợp tác xã sản xuất rau an toàn vào hệ thống siêu thị CoopMart nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giúp ổn định đầu ra mặt hàng rau (Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Long Mỹ; Tổ hợp tác Hưng Việt). Đồng thời làm việc với các nhà đầu tư trồng, thu mua chuối xuất khẩu; bước đầu đã có công ty Chuối Việt, Việt Mã đã thống nhất hợp tác thực hiện đầu tư trồng mới và bao tiêu sản phẩm chuối Cavendish với diện tích dự kiến năm 2016 khoảng 500 ha.

UBND tỉnh đang đề xuất các nội dung hợp tác trong chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất với các tỉnh của Hàn Quốc, Isarel trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đề xuất các tiêu chí mời gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đối với diện tích 560 ha đất Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh giao trả về địa phương quản lý.

Ngành nông nghiệp đang khảo sát, hỗ trợ vùng sản xuất rau rừng đặc sản dùng với bánh canh Trảng Bàng tại xã Gia Lộc, Lộc Hưng huyện Trảng Bàng và vùng rau xung quanh chân núi Bà Đen tiến đến xây dựng thương hiệu cho 2 vùng này và sản xuất theo hướng hữu cơ phục vụ cho nhu cầu du lịch sinh thái.

QP

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây