Tập huấn công tác quản lý Chương trình Mục tiêu Quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo

Thứ sáu - 12/07/2013 00:00 35 0
Ngày 11/7/2013, tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn Công tác quản lý chương trình Mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo (gọi tắt là Chương trình Mục tiêu quốc gia). Tham dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Đinh Viết Hồng, Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; các cục, vụ chức năng thuộc Bộ và các đại biểu Sở Thông tin và Truyền thông của 54 tỉnh, thành trong cả nước.

Thứ trưởng Trần Đức Lai và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng chủ trì buổi tập huấn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Đức Lai nhấn mạnh: Chương trình Mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở là chương trình mới của giai đoạn 2011 - 2015, với tính đặc thù chuyên ngành, việc triển khai thực hiện trong thời kỳ đầu vừa qua đã nhận được sự ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân. Trong hơn 2 năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia đã được triển khai từng bước, năm đầu làm điểm ở phạm vi hẹp tại một số tỉnh và Bộ, ngành và đến nay Chương trình Mục tiêu quốc gia đã chính thức triển khai năm 2013 và những năm tiếp theo tại 54 tỉnh và 11 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Từng bước thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ khẳng định được tính cần thiết và hiệu quả của Chương trình Mục tiêu quốc gia.

Tuy nhiên, đồng chí cũng chỉ rõ hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở hiện đang khó khăn trên cả 3 mặt: Chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo còn nhiều hạn chế; cơ sở vật chất cho hoạt động thông tin và truyền thông, thiết bị thiếu đồng bộ, thiếu kinh phí để duy trì thường xuyên...; nội dung thông tin đối với nhân dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo thời gian qua còn thiếu và chưa thực sự phù hợp với khả năng tiếp cận của đồng bào,...

 

Về định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Đức Lai nhấn mạnh cần tiếp tục tập trung giải quyết ba vấn đề khó khăn mà Chương trình đã đề ra: Tăng cường cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và tăng cường nội dung thông tin về cơ sở. Một mặt, Bộ Thông tin và Truyền thông có định hướng ưu tiên cho những nhiệm vụ quan trọng của Chương trình: Với Dự án 1, ưu tiên mục tiêu của Chương trình là đào tạo, bồi dưỡng ít nhất 11.400 cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở; Dự án 2, tập trung thiết lập hệ thống đài truyền thanh xã cho các xã chưa có đài truyền thanh; Dự án 3, ưu tiên tăng cường nội dung thông tin thông qua các hình thức báo chí truyền thanh, truyền hình cũng như các ấn phẩm truyền thanh khác phù hợp với nhu cầu đặc thù và tập quán của từng vùng, miền; đảm bảo thiết lập đủ 12 cụm thông tin đối ngoại tại khu vực biên giới mà chương trình đã đề ra...

Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu Hội nghị cần tập trung thảo luận những vấn đề như: nội dung chương trình, cơ chế quản lý vận hành, các trình tự thủ tục trong quản lý từ khâu xác định phạm vi, muc tiêu cho đến lập và phê duyệt dự án; lựa chọn nhà thầu và giải ngân; thanh quyết toán; thảo luận về công tác thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia trong thời gian qua, những kinh nghiệm quản lý, khó khăn vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ; trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện... cần được tiếp tục hoàn thiện để đảm bảo việc quản lý Chương trình Mục tiêu quốc gia được thống nhất theo các quy định đã đề ra.

Chương trình Mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là một trong 16 Chương trình Mục tiêu quốc gia của giai đoạn 2011 - 2015 đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua, phê duyệt. Thực hiện Quy chế quản lý Chương trình Mục tiêu Quốc gia ban hành kèm theo quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 4 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 5 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo (giai đoạn 2011 - 2015); với trách nhiệm được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan quản lý Chương trình Mục tiêu quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu xây dựng và hoàn thành việc ban hành các văn bản quản lý thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia có hiệu quả.

Theo báo cáo, năm 2011 (năm đầu thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia), Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất triển khai thí điểm ở một số Bộ, ngành, địa phương và phân bổ nguồn vốn cho 21 tỉnh và 5 Bộ, ngành. Với Dự án 1: Tăng cường cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở đã xây dựng, ban hành chương trình khung, tài liệu đào tạo; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thông tin và truyền thông cơ sở, gửi cho các địa phương để triển khai đào tạo; bồi dưỡng cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở. Căn cứ kế hoạch đào tạo và dự toán được giao, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đào tạo nhiều lớp giảng viên nguồn cho các tỉnh, thành và các địa phương, đã tổ chức các lớp đào tạo cho 2.956 cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở; trong đó đào tạo 21 giảng viên nguồn cho 21 tỉnh thành thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia. Năm 2012, đã hoàn thiện và ban hành bộ tài liệu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho 4.639 cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở. Trong năm 2013, dự kiến sẽ đào tạo, bồi dưỡng cho 3.200 cán bộ tại cơ sở.

Đối với Dự án 2: Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin cơ sở, chuẩn bị cho việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong việc triển khai cho các năm tiếp theo. Do thời gian triển khai dự án ngắn, địa bàn triển khai tại 8 tỉnh, phần lớn đều thuộc khu vực miền núi khó khăn, nên kết thúc năm 2011 nhiều mục tiêu của dự án chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tuy nhiên, sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tiếp tục triển khai các mục tiêu và đạt được kết quả: Trong đó, đầu tư thiết lập mới và nâng cấp 46 đài truyền thanh xã; 39 Đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện và trạm phát lại phát thanh truyền hình; cung cấp 3 bộ phương tiện tác nghiệp phục vụ hoạt động thông tin và truyền thông cơ sở (loa, đài, tăng âm, máy chiếu...) cho 3 huyện nghèo; hỗ trợ mua sắm 78 bộ thiết bị thu tín hiệu, thiết bị nghe - xem và thiết bị phụ trợ cho các điểm sinh hoạt cộng đồng và đồn biên phòng (số đồn, trạm biên phòng được cung cấp bộ thiết bị là 38 đơn vị). Năm 2012, đầu tư thiết lập mới và nâng cấp được 98 đài truyền thanh xã, đạt 153% kế hoạch được giao (kế hoạch giao 64 đài); nâng cấp 33 Đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện và trạm phát lại phát thanh - truyền hình, đạt 103,1% kế hoạch (kế hoạch giao 32 đài, trạm); cung cấp 24 bộ phương tiện tác nghiệp (loa, đài, máy chiếu...) cho các huyện, trại giam, trường giáo dưỡng. Dự kiến năm 2013, đầu tư thiết lập mới và nâng cấp 200 đài truyền thanh xã, đạt 119% kế hoạch được giao (kế hoạch giao 167 đài); nâng cấp 5 Đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện và trạm phát lại phát thanh truyền hình; mua sắm 43 bộ phương tiện tác nghiệp (loa, đài, tăng âm...) cho các huyện, đồn biên phòng, trại giam, trường giáo dưỡng...

Dự án 3: Tăng cường nội dung thông tin và truyền thông về cơ sở. Năm 2011, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã lựa chọn nội dung, chủ đề thông tin và tổ chức biên tập, sản xuất các chương trình truyền hình, sách chuyên đề, ấn phẩm truyền thông cho các xã thuộc phạm vi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia tại 21 tỉnh. Trong đó, biên tập, sản xuất được 421 chương trình truyền hình phát sóng trên hệ thống truyền hình của Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC (Kênh VTC16); đài Truyền hình Việt Nam (VTV4, VTV5) và hệ thống các đài phát thanh, truyền hình của 21 tỉnh thuộc dự án. Biên tập, sản xuất và phát sóng 618 chương trình phát thanh trên hệ thống đài phát thanh tỉnh, huyện và hệ thống đài truyền thanh xã; đặt hàng các nhà xuất bản xuất bản, in và phát hành 566.000 cuốn sách chuyên đề thông qua hệ thống điểm Bưu điện Văn hoá xã, các tổ chức đoàn thể tại thôn, bản... Trong năm 2012, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã tiến hành xuất bản các ấn phẩm truyền thông, cung cấp đến các huyện, xã của 48 tỉnh thuộc phạm vi dự án. Biên tập, sản xuất 455 chương trình truyền hình, các chương trình được phát sóng trên Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC (Kênh VTC16); đài Truyền hình Việt Nam (VTV4, VTV5) và hệ thống các đài phát thanh, truyền hình của 48 tỉnh đã được phê duyệt. Đặt hàng các nhà xuất bản, in và phát hành được 514.900 cuốn sách chuyên đề để cung cấp, quảng bá đến các xã thuộc dự án của 48 tỉnh thông qua hệ thống điểm Bưu điện Văn hoá xã, tổ chức đoàn thể tại thôn, bản và các đồn biên phòng, trạm biên phòng. Tổ chức sáng tác, in và phát hành quảng bá 871.323 ấn phẩm truyền thông (như đĩa hình, tờ rơi, tờ gấp...) đến các tỉnh nhằm tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước; phổ biến kiến thức về sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc sức khoẻ... phù hợp với phong tục, tập quán sản xuất, sinh hoạt ở từng khu vực. Năm 2013, theo dự kiến thực hiện biên tập, sản xuất và phát sóng 540 chương trình truyền hình, được phát sóng qua hệ thống các đài nêu trên và hệ thống các đài phát thanh - truyền hình của 48 tỉnh được đầu tư. Biên tập, sản xuất và phát sóng 1.845 chương trình phát thanh trên hệ thống phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam (kênh VOV1); đài phát thanh tỉnh, huyện và hệ thống đài truyền thanh xã tại các tỉnh nêu trên. Đặt hàng các nhà xuất bản in và phát hành 480.000 cuốn sách chuyên đề; tổ chức sáng tác, in và phát hành quảng bá 430.700 ấn phẩm truyền thông (VCD, DVD, tờ rơi...). Bên cạnh đó, thiết lập 2 cụm thông tin đối ngoại phục vụ việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đấ nước và con người Việt Nam ra thế giới.

Qua 3 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia, mặc dù nguồn vốn bố trí còn hạn chế, nhưng bước đầu đã mang lại sự chuyển biến đáng kể đối với hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở. Chương trình được triển khai trên phạm vi rộng 4.820 xã thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là những địa bàn khó khăn về kinh tế - xã hội. Đã đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 7.000 cán bộ thông tin tuyên truyền tại cơ sở có kỹ năng sử dụng, vận hành các thiết bị thông tin và truyền thông, kỹ năng tuyên truyền thông tin phù hợp với phong tục tập quán của người dân ở từng địa phương. Xây dựng được hệ thống hạ tầng thông tin và truyền thông cơ sở đồng bộ, hiện đại, từng bước xoá trắng các xã chưa có đài truyền thanh. Thông qua các sản phẩm truyền thông của Chương trình góp phần rút ngắn khoảng các về thông tin giữa các vùng miền; từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, tinh thần cho nhân dân ở khu vực khó khăn và nâng cao dân trí cho mọi tầng lớp nhân dân. Tăng cường tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng - chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn; từng bước tạo kênh thông tin hai chiều giữa chính quyền và người dân tại những vùng khó khăn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực Chương trình Mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ như: Công tác lập kế hoạch, phân bổ nguồn vốn trong hơn 2 năm qua còn rất hạn chế, hiện nay mới thực hiện đạt 19,7% so với phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 với tổng nguồn vốn thực hiện chương trình là 1.730 tỷ, trong đó Ngân sách Trung ương là 1.170 tỷ; Việc huy động các nguồn vốn của địa phương, nguồn lực xã hội tham gia thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia; công tác hướng dẫn, triển khai thực hiện; việc báo cáo kết quả...

Hội nghị tập huấn công tác quản lý Chương trình Mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo diễn ra trong hai ngày 11 và 12/7/2013.

Theo http://mic.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây