Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm còn lắm khó khăn

Thứ hai - 16/09/2013 00:00 84 0
Trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền và đoàn thể, các tầng lớp nhân dân ở địa bàn dân cư đã tích cực tham gia vào hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn hoá, giữ vững bình yên trong cuộc sống cộng đồng, tạo môi trường tốt để phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của tỉnh. Công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma tuý và mại dâm đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu “4 giảm” của tỉnh. Vì vậy việc xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh trong giai đoạn hiện nay được xác định vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

 

 

Đặc biệt là tệ nạn ma tuý và mại dâm tại địa bàn xã, phường, thị trấn trong tỉnh là sự cần thiết khách quan tạo động lực thúc đẩy kinh tế - văn hoá xã hội phát triển toàn diện, bền vững. Trên cơ sở đó UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma tuý, mại dâm” giai đoạn 2008-2010 và giai đoạn 2011-2015 nhằm cụ thể hoá việc thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 14/5/2008 của Tỉnh uỷ về thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới.

Báo cáo tham luận của ông Nguyễn Văn Quá, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh, tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị, do Ban thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức ngày 13/9/20013 đã nêu: Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma tuý, mại dâm” Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ trì phối hợp với với sở, ngành, đoàn thể tỉnh ký kết các kế hoạch liên tịch “Phát động toàn dân tham gia vận động, giúp đỡ người nghiện ma tuý cai nghiện và quản lý hỗ trợ người sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng”; thực hiện nội dung phân loại đánh giá công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma tuý, mại dâm; lồng ghép việc thực hiện Đề án với chương trình mục tiêu “4 giảm của tỉnh”. Với các biện pháp kiên quyết, đồng bộ Đội kiểm tra liên ngành Văn hoá - xã hội đã tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra nên bước đầu đã ngăn chặn được nạn mại dâm công khai tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm; tổ chức cai nghiện cho 932 lượt học viên theo đúng quy trình và đã có 508 học viên tái hoà nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, ông Quá cũng cho biết thêm: Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án còn có một số khó khăn, trở ngại như: Mục tiêu của Đề án giai đoạn 2011-2015 đưa ra “Phấn đấu xây dựng và duy trì ít nhất 60% xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma tuý, mại dâm hoặc kéo giảm tỷ lệ tệ nạn ma tuý, mại dâm so với cùng kỳ”, nhưng mục tiêu này đến nay không đạt được vì đã có 84/95  xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma tuý (chiếm tỷ lệ 88,42%); Công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng chưa thực hiện được do thiếu y, bác sĩ công tác cắt cơn cai nghiện, thiếu cơ sở vật chất; sự phối hợp giữa các ngành chuyên môn chưa chặt chẽ; cấp xã không có kinh phí hoạt động cai nghiện tại cộng đồng; người nghiện và gia đình chưa tự nguyện tham gia phối hợp với các ngành chức năng trong công tác cai nghiện. Hoạt động quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện chủ yếu do cán bộ địa phương thực hiện việc giám sát, nhắc nhở, quản lý cư trú. Cai nghiện tại cộng đồng còn khó khăn không đảm bảo đúng quy định về cơ sở vật chất, không đủ cán bộ thực hiện, chế độ chính sách hỗ trợ còn có nhiều bất cập; Việc cai nghiện tại Trung tâm chưa có mô hình chuẩn trong khi cơ sở vật chất chưa được trang bị đồng bộ và đã xuống cấp, chế độ tiền ăn còn thấp, chưa huy động được sự đóng góp từ phía gia đình học viên. Việc thực hiện quy trình cai nghiện còn nhiều hạn chế. Từ đó dẫn đến việc học viên sau khi hoàn thành cai nghiện tại Trung tâm trở về cộng đồng từ 1 đến 2 năm tái nghiện; Người sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng còn nhiều trở ngại; Nhiều địa phương chưa xây dựng mô hình cai nghiện phục hồi rõ nét và có hiệu quả, chỉ dừng lại ở công tác quản lý hành chính đối với người nghiện ma tuý trên địa bàn; Việc lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với cai nghiện và quản lý sau cai còn hạn chế. Đặc biệt là sự phối hợp giữa cơ quan Y tế , Lao động, Thương binh và Xã hội trong tổ chức các hoạt động cai nghiện tại Trung tâm, gia đình, cộng đồng chưa chặt chẽ.

Mục tiêu của Đề án xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội về ma tuý, mại dâm không đạt được mục tiêu đề ra còn có nguyên nhân do một số cấp uỷ đảng, chính quyền xã phường, thị trấn chưa thực sự coi trọng đúng mức công tác này, chưa đặt công tác phòng, chống tệ nạn xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, nên chưa xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, lãnh đạo chỉ đạo thiếu kiên quyết, lúng túng trong phương pháp tổ chức triển khai; một số xã, phường, thị trấn đã đạt các tiêu chí xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh nhưng thiếu biện pháp duy trì, nên sau một thời gian thì tệ nạn xã hội phát triển trở lại. Bên cạnh đó sự phối hợp giữa chính quyền, mặt trận, đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc chỉ đạo thực hiện hoạt động phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm ở một số địa phương chưa thường xuyên, chưa đồng bộ chưa sát thực tế địa bàn, chưa vận động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia phong trào phòng chống tệ nạn xã hội.

Xã, phường, thị trấn lành mạnh là nhân tố góp phần quan trọng vào kết quả phòng, chống tệ nạn xã hội, nhưng đây là nhiệm vụ khó khăn cần có sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Xây dựng xã , phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma tuý, mại dâm lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, gắn với chương trình giảm nghèo, xúc tiến việc làm và các chương trình an sinh xã hội khác mới phát huy được hiệu quả. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục với những nội dung và hình thức phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức để mọi người tham gia tố giác, lên án, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma tuý, mại dâm. Quản lý chặt chẽ đi đôi với việc tạo việc làm cho người nghiện ma tuý, người bán dâm, tạo điều kiện giúp họ làm lại cuộc đời, hoà nhập cộng đồng là giải pháp tốt nhất để hạn chế tỷ lệ tái nghiện, tái phạm.   

Nhật Quang

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây