Phiên thứ ba của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Chính phủ: tạo đột phá mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính

Thứ sáu - 03/02/2023 18:00 390 0
Chiều ngày 03/02, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Chính phủ chủ trì họp Phiên thứ ba Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Chính phủ tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham dự Hội nghị.

BCD CCHC CP03022023_1.jpg

Hội nghị tại điểm cầu tỉnh

Theo báo cáo, công tác cải cách hành chính trên cả nước năm 2022 đã đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng thể chế, chính sách pháp  luật; cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; cải cách chế độ công vụ, chuyển đổi số... Chính phủ đã ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 24 bộ, cơ quan. Kết quả sau sắp xếp giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục chưa đáp ứng đủ tiêu chí thành lập; giảm 08 cục; giảm 145 Vụ và tương đương; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập. Tại địa phương tiếp tục giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Lũy kế đến nay, 63 tỉnh/thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay, cả nước đã giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Riêng năm 2022, ở bộ, ngành Trung ương đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành; ở địa phương giảm 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập. Về tinh giản biên chế, đến nay cả nước giảm 79.057 người, trong đó các bộ, ngành là 5.510 người và địa phương là 73.547 người. Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đã được khai trương, đi vào hoạt động. Theo đó, Hệ thống cơ sở dữ liệu dự kiến quản lý gần 2,5 triệu bộ hồ sơ điện tử về cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước.

Đến nay, 100% bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số; 63/63 địa phương đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng; 46/63 địa phương đã triển khai xây dựng mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp cơ sở; tổng số Tổ công nghệ số cộng đồng cả nước đạt 68.933 tổ, thu hút hơn 320 nghìn thành viên tham gia. Đã có 22/22 bộ, cơ quan ngang bộ; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đạt tỷ lệ 100%.

Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp 4.419 dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021; có khoảng 3,9 triệu tài khoản đăng ký trên Cổng; hơn 156 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng 1,7 lần so vời cùng kỳ năm ngoái); hơn 3,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến và hơn 7,9 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Đã có 19/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 62/63 tỉnh, thành phố hoàn thành việc xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết đúng hạn tại các bộ, ngành là 99,96%; tại địa phương, tỷ lệ hồ sơ đúng hạn tại cấp tỉnh là 99,33%; cấp huyện là 98,27% và cấp xã là 99,56%.

Tuy nhiên vẫn tồn tại một số hạn chế, việc rà soát, đồng bộ kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia ở một số nơi chưa kịp thời. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương với các cơ sở dữ liệu quốc gia còn nhiều vướng mắc, do mức độ sẵn sàng từ phía hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương là khác nhau, dẫn đến chưa giải quyết hiệu quả việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Tỷ lệ các cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở còn rất ít, mới đạt 9%. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc nhất là ngành y tế, giáo dục là vấn đề tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng, đãi ngộ nhân lực ở khu vực công.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2022, đã góp phần quan trọng vào thành công chung của cả nước.

 

BCD CCHC CP03022023_2.jpg

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh rà soát, ban hành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tạo đột phá trong công tác cải cách hành chính; Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trọng tâm là cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tăng cường mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp; Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; Hoàn thiện, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các ngành, địa phương tích cực, chủ động, sáng tạo, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện cải cách hành chính hiệu quả, đảm bảo lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

LN

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây