Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: Nhấn mạnh vai trò của nông dân và tập trung đầu tư cho xây dựng nông thôn mới

Chủ nhật - 24/01/2016 16:00 88 0
Sáng 23/01, Đại hội bước sang ngày thứ tư, các đại biểu tiếp tục thảo luận các văn kiện tại hội trường. Phiên họp do Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XI, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng điều hành.

dai hoi_3.jpg

Đại biểu tỉnh Tây Ninh vào Hội trường.

Trong phiên họp này, Đại hội nghe tham luận của các đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Phạm Bình Minh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Thào Xuân Sùng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; Phạm S - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; Nguyễn Quốc Cường - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Sơn Thị Ánh Hồng - Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh; Nguyễn Thị Thanh Hòa - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Phạm Xuân Đương - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Cao Đức Phát - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Đặng Ngọc Tùng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế; Phạm Thị Hải Chuyền - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trong tham luận "Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh trong khối đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Quốc Cường cho rằng, để đạt được mục tiêu "người nông dân là chủ thể của quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới", thực hiện thành công công nghiệp hoá - hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam, cần tiếp tục cụ thể hoá chương trình, nội dung trung hạn, dài hạn xây dựng giai cấp nông dân gắn liền với phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đầu tư cho "Tam nông" phải duy trì đúng theo Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X), cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực nên tập trung vào các vấn đề then chốt mà người nông dân sản xuất nhỏ đang mong đợi, gồm công nghiệp và phương tiện lưu giữ, bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch; xây dựng thương hiệu, thông tin thị trường; hạ tầng cơ sở vật chất cho vùng, miền theo quy hoạch sản xuất; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khoa học kỹ thuật tiên tiến và liên kết sản xuất, tiêu thụ. Trong tái cơ cấu nông nghiệp, chú trọng rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành, hàng sản xuất theo thế mạnh của vùng miền, địa phương, đặc điểm đất, sinh thái cây trồng vật nuôi gắn với phát triển công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ cho phù hợp.

Bên cạnh đó, cần tập trung giải quyết khó khăn, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp bằng tăng cường liên kết, nâng qui mô, phát triển kinh tế hợp tác theo chuỗi giá trị sản phẩm, ngành hàng theo thế mạnh vùng, miền; mở rộng, nâng cao chất lượng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, có lộ trình thích hợp để nông dân tham gia và được hưởng lương hưu; tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề, đưa thông tin về cơ sở tới từng địa bàn dân cư; tổng kết lý luận gắn thực tiễn, đề ra các tiêu chí cụ thể xây dựng mẫu hình "người nông dân mới" trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá với các tiêu chí "nhận thức mới, kiến thức mới, ý thức mới, văn hoá mới, quyết tâm mới để có đời sống cao hơn; xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát kiến nghị, để thực hiện chủ trương tiếp tục thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế, trong đó cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới đã xác định trong dự thảo Văn kiện của Đại hội, cần tập trung phát triển ngành nông nghiệp bền vững theo 3 trụ cột là: Thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao và hiệu quả; xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên và môi trường bền vững.

Bộ trưởng đề xuất đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp nông-lâm nghiệp và các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu; hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới không chỉ làm tốt các dịch vụ đầu vào cho xã viên mà chủ yếu tập trung tổ chức nông dân sản xuất hàng hoá quy mô lớn, đồng nhất về chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và kết nối thị trường. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của ngành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học, công nghệ sinh học, công nghệ viễn thông, viễn thám; khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả của ngành. Chú trọng khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu chuyển giao khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân.

Bộ trưởng đề nghị cần tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cấp cơ bản hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã (giao thông, điện, nước sạch, trường học các cấp, trạm y tế xã, nhà văn hoá và khu thể thao thôn), nhất là đối với các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn. Phát huy cao vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên, đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý ngành từ Trung ương đến địa phương, phát huy cao sự tham gia của các tổ chức đoàn thể trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Thay mặt Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban thường trực Phạm Xuân Đương trình bày tham luận về chủ đề "Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước giai đoạn 2016-2020". Ông cho rằng, định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cần được coi là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân để phát triển đất nước và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với những quan điểm, mục tiêu như sau: Thứ nhất, chính sách phát triển công nghiệp quốc gia phải được xây dựng đồng bộ, tuân thủ đầy đủ các quy luật khách quan của thị trường gắn liền với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược.

Thứ hai, chính sách công nghiệp quốc gia phải phát huy tối đa các nguồn lực trong nước, đồng thời thu hút có hiệu quả các nguồn lực nước ngoài, phát huy vai trò tích cực của thị trường, phân bổ các nguồn lực cho phát triển công nghiệp xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng

Thứ ba, chính sách phát triển công nghiệp quốc gia lấy khoa học và công nghệ làm nền tảng để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế tri thức, khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ cao, chuyển nhanh sang kinh tế tri thức để tạo bước nhảy vọt phát triển công nghiệp quốc gia.

Thứ tư, chính sách phát triển công nghiệp quốc gia phải coi trọng đổi mới sáng tạo, trong đó yếu tố nguồn lực con người là yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh, bền vững; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn lực với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.

Thứ năm, chính sách phát triển công nghiệp phải đảm bảo kết hợp giữa phát triển công nghiệp với thương mại, thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp văn hoá, công nghiệp dịch vụ, công nghiệp du lịch, công nghiệp môi trường và phát triển đô thị; gắn sản xuất với thị trường, gắn thị trường với công nghệ, thị trường với sản xuất.

Trong tham luận "Tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nhận định: bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong quá trình lãnh đạo đất nước, là chính sách cơ bản để giảm nghèo, bảo đảm đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh.

Bộ trưởng khẳng định: Phát triển tốt kinh tế sẽ có điều kiện tốt hơn để bảo đảm an sinh xã hội và làm tốt an sinh xã hội là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế. Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế trong giai đoạn tới, cần tiếp tục cải cách thể chể kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm có nhiều việc làm hơn cho người lao động; tập trung thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá XI) "Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020" đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đồng thời, cần quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, đặc biệt là các nhóm yếu thế trong việc chủ động vươn lên xoá đói giảm nghèo; tiếp tục rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để hoàn thiện, sửa đổi và bổ sung theo hướng tinh gọn, tích hợp chính sách, thu gọn đầu mối quản lý; hoàn thiện chương trình đào tạo nghề cho nông dân nông thôn; tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội...

Đến hết sáng 23/01, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc phần thảo luận về văn kiện. Qua một ngày rưỡi thảo luận đã có 34 đại biểu tham luận về các vấn đề quan trọng trong các văn kiện Đại hội.

Cũng trong phiên họp sáng 23/01, đồng chí Võ Văn Thưởng – Uỷ viên Đoàn Thư ký cho biết, hiện đã có 200 chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế đã gửi điện chúc mừng Đảng ta và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Chiều 23/01, Đại hội làm việc tại Hội trường về công tác nhân sự.

Đặng Hoàng Thái

(từ Hà Nội)


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây