Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có các lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh tham dự.
Hội nghị tại điểm cầu Trung ương (ảnh Chính phủ)
Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước; là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xâm nhập vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn…; đặc biệt đã tấn công vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, là nơi tập trung một lượng lớn lao động, tạo ra nguồn thu, là nơi tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của đất nước, đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, điều hành để phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với các bộ, ngành, địa phương, Bộ LĐTBXH đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân, đảm bảo an sinh xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Đặc biệt, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Bên cạnh kết quả đạt được còn những tồn tại, hạn chế như: Một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra; chất lượng lao động thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, cơ cấu ngành nghề đào tạo còn bất cập. Vẫn còn tình trạng nợ đọng BHXH, BHTN kéo dài, người lao động lạm dụng BHTN, số lao động rút BHXH 1 lần tăng mạnh. Tỷ lệ phân luồng vào học nghề còn thấp; đào tạo nghề chuyển sang hình thức trực tuyến, chất lượng bị ảnh hưởng. Mức trợ cấp xã hội tuy đã được nâng lên vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (hình Chính phủ)
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự nổ lực, cố gắng, đóng góp của tất cả các bộ, ngành, trong đó có vai trò quan trọng của ngành LĐTBXH để đạt được mức tăng trưởng tốt của nước ta so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ngành LĐTBXH không chỉ trực tiếp tham gia chống dịch mà còn lo an sinh cho vùng dịch. Trong năm 2021, Ngành LĐTBXH có nhiều đổi mới, đặc biệt là tham mưu nhanh chóng, kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Nghị quyết 116 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng đề nghị ngành LĐTBXH có các giải pháp khắc phục hạn chế, trong thời gian tới đạt kết quả tốt hơn.
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng và là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, tiếp tục thực hiện phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, Bộ LĐTBXH đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-LĐTBXH với 5 trọng tâm chỉ đạo điều hành; 15 nhóm nhiệm vụ giải pháp và 83 nhiệm vụ cụ thể, yêu cầu các đơn vị, địa phương nghiêm túc tổ chức thực hiện, bảo đảm đồng bộ với các nhiệm vụ trong Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội để thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm, xây dựng thị trường lao động ổn định và phát triển, góp phần hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phục hồi và phát triển kinh tế.
Với mục tiêu đề ra, Bộ LĐTBXH triển khai kế hoạch thực hiện với các trọng tâm: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách mạnh mẽ thể chế, thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; Ổn định và phát triển thị trường lao động; hỗ trợ giải quyết việc làm, thu hút lao động quay trở lại làm việc; Nâng cao nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và hội nhập; Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của ngành.
Nhiệm vụ năm 2022 và các năm tiếp theo là rất nặng nề, Bộ LĐTBXH đề nghị các đơn vị, địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục đổi mới, chủ động, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, quyết liệt hành động; phát huy sự đoàn kết, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với thực thi pháp luật, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị; phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu phát triển về lao động, người có công và xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
TT