Triển khai đưa các Luật, Nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống

Thứ ba - 30/07/2024 20:38 254 0
Sáng 30/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai một số Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 63 điểm cầu tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các đại biểu đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tổ chức triển khai các luật, nghị quyết.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 28 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, xem xét thông qua sửa đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật; ban hành hơn 380 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành gần 90 quyết định quy phạm.

Quốc hội khoá XV đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết (trên 60 văn bản), trong đó có nhiều luật, nghị quyết quan trọng như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đường bộ, các nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố. Riêng tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu về 11 dự án luật, xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác và đa số là do Chính phủ trình. Các nội dung được xem xét, quyết định thuộc nhiều lĩnh vực với nhiều vấn đề quan trọng, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, toàn diện, giải quyết căn cơ những điểm nghẽn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn; tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ phát triển mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm hơn, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa nhằm sớm đưa các quyết sách của Quốc hội vào cuộc sống, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tổ chức tuyên truyền, quán triệt rộng rãi, tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu nội dung và tinh thần của các luật, nghị quyết cho cán bộ, công chức, viên chức, báo cáo viên pháp luật của bộ, ngành, địa phương; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành pháp luật.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung đẩy mạnh xây dựng Luật đảm bảo tiến độ đề ra; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn; nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện trong quá trình xây dựng pháp luật; đẩy mạnh rà soát hệ thống quy phạm pháp luật; đẩy mạnh cơ chế phân cấp phân quyền hợp lý, phù hợp, khả thi, có hiệu quả trong các cơ quan trong hệ thống chính trị và tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để người dân biết, dân hiểu, dân làm và dân hưởng ứng.

ML

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây