Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội

Thứ sáu - 25/03/2022 11:00 212 0
Ngày 24/3, tại Hà Nội diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội”. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Cùng chủ trì có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành.


Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn.


Quảng cảnh hội nghị tại điểm cầu Chính phủ


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của các địa phương và chính DNNN. DNNN giữ vị trí then chốt, là một trong những lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. DNNN tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng, quốc phòng an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

"Với những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ta, nhất là trong 35 năm qua, trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, DNNN nói riêng đã nỗ lực không ngừng, vượt qua bao khó khăn thách thức để vươn lên, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"- Thủ tướng khẳng định.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, DNNN vẫn chưa thể hiện tốt vị trí của mình, chưa phát huy được lợi thế nắm giữ nguồn lực trong thực hiện sứ mệnh của mình, chỉ riêng các DN 100% vốn nhà nước đang nắm giữ mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (0,08% số DN hoạt động vào cuối năm 2020) nhưng lại nắm giữ một nguồn lực lớn của nền kinh tế, khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ DN trên thị trường, chiếm 25,78% tổng vốn sản xuất kinh doanh, 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các DN đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh.

Theo Thủ tướng, đề thúc đẩy DNNN phát triển bền vững, phải phát huy được thế mạnh tiềm năng của mình, thực sự là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Do đó, rất cần nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế chính sách trong khu vực doanh nghiệp này cũng như những tồn tại, hạn chế trong chính DN, từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới nâng cao hiệu quả của hoạt động, huy động nguồn lực DNNN trong phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến hết năm 2020, Việt Nam còn khoảng 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (hoạt động ở các lĩnh vực quốc phòng an ninh; nông, lâm nghiệp và công trình thủy lợi; hoạt động xổ số, hoạt động công ích…) và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp thì hiện nay, chỉ còn 94 DNNN có quy mô lớn, gồm 9 tập đoàn kinh tế, 67 tổng công ty, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ-công ty con.

Trong giai đoạn 2016-2020, các DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao; tạo nguồn doanh thu và thu ngân sách đáng kể. Quy mô tài sản bình quân của 1 DNNN là 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần DN có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần DN dân doanh. Nhiều DNNN đã xây dựng được các thương hiệu có uy tín như Vietnam Airlines, TCT Tân Cảng Sài Gòn, TCT Hàng Hải Việt Nam…Hiệu quả sản xuất kinh doanh, doanh thu của khối DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đạt 1.552.397 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016; lợi nhuận trước thuế đạt 122.347 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2016; đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Số thuế và các khoản phải nộp bình quân của DNNN là 576 tỷ đồng, gấp 2 lần DN có vốn nhà nước, 43 lần DN có vốn đầu tư nước ngoài và 14 lần DN dân doanh. Về hiệu quả lao động, các DNNN thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực DN. Mức thu nhập bình quân tháng của một lao động tại các DNNN trong năm 2020 đạt khoảng 20 triệu đồng. Các DNNN của Việt Nam đang chiếm thị phần rất lớn trong một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, ngân hàng…đóng góp hơn 29% GDP của đất nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế; hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế; năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo của các DNNN quy mô lớn vẫn còn hạn chế; việc thực hiện các dự án đầu tư mới của các DNNN trong thời gian qua không được thúc đẩy; việc thực hiện tái cơ cấu toàn diện DNNN vẫn mang tính hình thức.

Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế đó được xác định là do hệ thống pháp luật về DNNN vẫn còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn. Trong thời gian qua, Chính phủ chủ yếu tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp xử lý các vướng mắc tồn đọng từ trước. Công tác quản lý nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong thời gian qua còn buông lỏng, chưa hiệu quả. Trong 10 năm trở lại đây, các nỗ lực triển khai củng cố vị trí vai trò của DNNN chưa được quan tâm đúng mức. Các quy định về tiền lương và chế độ đãi ngộ khác cho người quản lý DNNN chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của DN.

Định hướng, giải pháp được đưa ra để phát triển hiệu quả DNNN là cần đầu tư, đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ; gắn phát triển DNNN với thực hiện chiến lược phát triển ngành, lĩnh vự của nền kinh tế; xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ về DNNN, tài sản nhà nước để đánh giá, theo dõi và giám sát. Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần phải thay đổi cách thức làm việc hiệu quả hơn.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phát biểu nhiều ý kiến phân tích làm rõ DNNN doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện được vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt tạo động lực mở đường, hướng dẫn, thu hút các thành phần kinh tế khác; hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ, nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, ủy ban quản lý vốn nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương. Mô hình nào thích hợp để phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh. Những vướng mắc trong công tác cổ phần hóa thoái vốn nhà nước không đạt kế hoạch. Công tác quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới chưa theo kịp quy mô tài sản của doanh nghiệp, quản lý thu hút lao động chất lượng cao còn hạn chế. Mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng ở DN thế nào cho phù hợp để phát huy hết vai trò lãnh đạo của Đảng …

Sau hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội để triển khai thực hiện trong giai đoạn tới.

QN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây