Ủy ban nhân dân tỉnh họp phiên tháng 3 năm 2022

Thứ tư - 23/03/2022 09:00 161 0
Sáng ngày 30/3, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 3 nhằm cho ý kiến một số nội dung liên quan đến lĩnh vực kinh tế và giao thông vận tải.


Quang cảnh phiên họp

Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Cùng chủ trì có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Đức Trong, Trần Văn Chiến.

Tại phiên họp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân trình Tờ trình về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 07/02/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định giá bồi thường đối với cây trồng và vật nuôi là thủy sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.


Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân nêu nội dung tờ trình

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất ban hành dự thảo quyết định mới sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND. Dự thảo quyết định mới này có 4 điều, trong đó dành 2 điều để sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 4 và Điều 6 của Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND; sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Phụ lục 1 kèm theo Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND. Trong đó, đáng lưu ý là với cây trồng phụ thì giá bồi thường được tính bằng 50% theo bảng giá được quy định tại Phụ lục 1 của Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND; số lượng cây trồng phụ được bồi thường theo số lượng cây thực tế nhưng không quá 50% mật độ của cây trồng chính.

Các đại biểu góp nhiều ý kiến xoay quanh tổng mức đầu tư thời kỳ kiến thiết cơ bản của cây cao su so với mức đền bù chưa hợp lý; loại cây trồng được đền bù; chủ thể có thẩm quyền quy định giá bồi thường đối với các cây trồng, vật nuôi ngoài danh mục; cơ sở đưa ra mức giá bồi thường…


Các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội nghị

Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh sự cần thiết điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND cho phù hợp với thực tế và đảm bảo tính chặt chẽ.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến, tiếp tục nghiên cứu các nội dung được góp ý, nhất là khung thời kỳ kiến thiết cơ bản của cây ăn trái, cây cao su cho phù hợp hơn; kết hợp với việc tham khảo thêm ở các địa phương; xem xét thêm về chu kỳ của cây cao su, mức đền bù … để khi điều chỉnh, bổ sung phải chặt chẽ hơn, hợp lý hơn, đáp ứng yêu cầu khi triển khai thực hiện.


Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Tấn Tài đề xuất định hướng phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030

Tiếp theo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Tấn Tài trình tờ trình phê duyệt Đề án rà soát việc thực hiện Quy hoạch và đề xuất phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, qua rà soát, Sở tham mưu điều chỉnh Quy hoạch giao thông vận tải phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, kết nối các điểm tập trung dân cư, các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, các khu công nghiệp, đầu mối giao thông, khu du lịch… vào mạng lưới giao thông và đảm bảo an ninh quốc phòng. Phát triển hạ tầng giao thông trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của tỉnh Tây Ninh, là cửa ngõ gần nhất của thành phố Hồ Chí Minh vào Campuchia và ngược lại. Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, liên hoàn và tính kết nối cao với các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Long An, Bình Phước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo an ninh quốc phòng, phục vụ phát triển du lịch, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, kéo giảm tai nạn giao thông, bảo đảm môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

Trong đó, đặc biệt quan tâm kết nối không gian, kết nối hai bờ sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn và các rạch; quy hoạch hành lang phát triển dọc các tuyến sông, rạch. Đầu tư, nâng cấp các tuyến đường kết nối các khu, điểm du lịch, các khu công nghiệp, các đầu mối hàng hoá với các Trung tâm logistics, ICD, cảng thuỷ nội địa; các vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong cho rằng, đây là một nội dung đề xuất để cập nhật vào quy hoạch tỉnh nên cần bổ sung thêm thời gian định hướng tới năm 2050 để phù hợp với thời gian thực hiện quy hoạch tỉnh; đồng thời rà lại giao thông đối ngoại nhằm tạo sự đồng bộ với các tỉnh về kết nối, phá thế địa phương điểm cuối, mở ra với khu vực bên ngoài (Bình Dương, Bình Phước), gắn với khu đô thị lớn ở Trảng Bàng, Gò Dầu. Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cũng cho rằng các tuyến đường đề xuất mở mới cùng với việc nâng cấp, mở rộng đường hiện có là phù hợp, phục vụ cho sự phát triển. Ngành giao thông cần chia ra giai đoạn để thực hiện hiệu quả hơn.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc ghi nhận sự nỗ lực của ngành giao thông trong đề xuất định hướng phát triển giao thông trong giai đoạn tới

Về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung vừa đề xuất định hướng phát triển giao thông sẽ làm cơ sở tích hợp vào quy hoạch tỉnh, nhằm tiếp tục hoàn thiện hóa hệ thống giao thông của tỉnh được đồng bộ, có tính kết nối cao, cả giao thông nội tỉnh và liên vùng, để thúc đẩy khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, tạo bước đột phá về kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng an ninh.

Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận ngành giao thông đã trách nhiệm, tích cực, chủ động rà soát, đánh giá, đề xuất, cơ bản khắc phục được những hạn chế, tạo được các tuyến giao thông đan xen, kết nối vùng, hứa hẹn sẽ tạo ra sức hút về đầu tư, tạo sự phát triển kinh tế ở một số vùng có tiềm năng công nghiệp đô thị, thương mại, dịch vụ. UBND tỉnh cơ bản thống nhất với nội dung rà soát cùng những đề xuất, định hướng mới về giao thông.


Giám đốc Sở Công thương Lê Anh Tuấn trình nội dung liên quan phát triển thương mại biên giới

Đối với tờ trình đề nghị xem xét, trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển thương mại biên giới tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Sở Công Thương trình, các đại biểu góp ý về bố cục, nội dung của dự thảo Nghị quyết, đề nghị đánh giá rõ hơn thực trạng các cửa khẩu giáp Campuchia để có sự chỉ đạo, triển khai thực hiện; nguồn lực để thực hiện phát triển thương mại biên giới.

Nhấn mạnh, nghị quyết này nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của một tỉnh có đường biên giới dài, có nhiều thế mạnh về cửa khẩu không chỉ phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, mà còn cộng hưởng sự phát triển kinh tế của vùng, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận, cơ bản, dự thảo nghị quyết đã thể hiện được nhiệm vụ, giải pháp cần thiết; giao Sở Công thương tiếp thu ý kiến đóng góp, xác định rõ hơn quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn, từ đó, UBND tỉnh sẽ có kế hoạch cụ thể hóa các nội dung này để triển khai thực hiện.

Cũng tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận, cơ bản thống nhất theo đề xuất của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh về bố trí nguồn kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của ông Phạm Văn Nhựt (vợ là bà Lâm Thị Kiêm) thuộc dự án Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài giai đoạn 1 - 133 ha; giao huyện Bến Cầu triển khai ngay việc chi trả không để chậm trễ, đền bù trong thời gian nhanh nhất, bảo đảm hồ sơ thủ tục theo quy định. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Bến Cầu rút kinh nghiệm sâu sắc từ sự việc này, không để xảy ra sai sót trong việc đền bù giải phóng mặt bằng; rà soát đẩy nhanh giải quyết dứt điểm công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện nhanh tiến độ việc đền bù giải phóng mặt bằng đối với các dự án mới trên địa bàn trong thời gian tới.

XV


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây